Xuân về theo những nhịp cầu

10:01, 29/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Mùa xuân này, nếu ngược lên với xã vùng cao chúng ta sẽ được nghe người dân ở đây kể cho nghe chuyện những chiếc cầu đã nối nhịp bờ vui. Người dân tự hào rằng “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm… mới có cuộc sống đổi thay hôm nay”. Những cây cầu treo đã mang đến cho người dân một mùa xuân mới.

TIN LIÊN QUAN

Đã thành thói quen, hằng năm, cứ mỗi dịp Tết về, ông Phạm Văn Biếc ở thôn Gọi Re, xã Ba Xa (Ba Tơ) cùng vợ sang sông đến thị tứ Ba Vì để mua sắm và đi chơi Tết. Tuy nhiên, năm nay có khác, ông Biếc và vợ không phải vượt sông trên chiếc cây cầu treo chòng chành, nguy hiểm nữa, mà lại có thể đi xe máy chạy bon bon qua cây cầu treo an toàn, thuận tiện. 
 
Đi trên cây cầu treo kiên cố, ông Biếc không giấu được niềm phấn khởi, ông bày tỏ: Trước đây, khi chưa có cây cầu này, việc đi lại của người dân chúng tôi hết sức rất khó khăn. Bởi, cầu tạm được người dân dựng lên, qua thời gian sử dụng, nhiều mối nối ghép trên cầu đã bị bật, những vị trí chốt ván sàn và nhiều ván ghép đã bị xô lệch, nhiều chỗ tạo thành những khoảng trống lớn ngay trên mặt cầu. Mỗi khi có người và phương tiện qua lại, cây cầu lắc mạnh, rất nguy hiểm. Đặc biệt, khi vào mùa lũ, nước sông lên thì vùng này hầu như bị cô lập hoàn toàn. Từ ngày cầu treo hoàn thành, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. 
 
Niềm vui, niềm phấn khởi của ông Biếc cũng là niềm vui chung của gần 40 hộ với trên 150 nhân khẩu ở tổ 6 và 9 nằm ở bờ đông sông Re (thuộc thôn Re). Có có cầu mới, các hộ dân ở đây đã chấm dứt cảnh “đánh đu” với tử thần khi vượt  sông. Và cây cầu tạm bằng gỗ đơn sơ, gập ghềnh đã đi vào ký ức.
 
Được khánh thành cuối năm 2015, đây là mùa xuân thứ 2, cầu treo thôn Gọi Re gắn với cuộc sống người dân nơi đây. Nằm vị trí cao khoảng 60m so với mặt sông và có chiều dài trên 120m, rộng khoảng 2,5m... tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng, cầu treo thôn Gọi Re là một trong số những cầu treo được xây dựng kiên cố, vững chắc, trở thành chiếc cầu treo cao nhất ở Quảng Ngãi hiện nay.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Xa Phạm Văn Thiết chia sẻ: Trước khi có cầu treo mới, các hộ dân vẫn phải qua lại hằng ngày trên chiếc cầu treo cũ có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Hàng năm, chính quyền địa phương đã huy động sức dân đóng góp tre, nứa, lồ ô, cuộn thép, dây kẽm... làm cây cầu treo tạm để người dân qua lại.  Nay có cây cầu treo mới đi lại thuận lợi, đồng bào ở đây rất vui mừng và biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, xây cầu mới, bảo đảm phục vụ đi lại cho người dân. 
 
 
Những chiếc cầu treo giúp việc đi lại cảu người dân thuận lợi hơn
Những chiếc cầu treo giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn
 
Cùng chung niềm vui của với người dân thôn Gọi Re, người dân ở Làng Bung xã Sơn Ba (Sơn Hà) cũng đang rất phấn khởi khi có cây được cây cầu treo kiên cố bắc qua dòng sông Re- con sông ngăn cách họ với cuộc sống hàng ngày, nhất là vào mùa mưa lũ. 
 
Giờ đây, những bè mảng, những chuyến đò chông chênh được thay thế bằng chiếc cầu treo vững chãi vượt gió ngàn. Trong nắng xuân, cầu treo Làng Bung như chiếc võng khổng lồ sáng lên giữa núi rừng trùng điệp. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây.
 
Nhìn cây cầu treo Làng Bung đẹp, chắc chắn được Nhà nước đầu tư hơn 7 tỷ đồng,  với tổng chiều dài 140 mét, rộng 2 mét, đưa vào sử dụng cuối năm 2015, ông Đinh Văn Ren ở xã Sơn Ba hào hứng cho biết: Được Nhà nước đầu tư xây dựng cái cầu treo vững chãi, người dân chúng tôi đã thỏa nguyện ước mơ từ bao đời nay. Có cái cầu, việc đi lại, vận chuyển nông - lâm sản của bà con được thuận tiện.   
 
Từ khi đưa vào sử dụng, cầu treo dân sinh Làng Bung, góp phần giúp cho trên 200 hộ dân ở Làng Bung có điều kiện giao thương buôn bán, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an toàn giao thông và tạo điều kiện giúp các em học sinh đến trường không còn cảnh đu dây, đi đò qua sông mỗi khi nước lớn như trước đây. 
 
Đứng trên cây cầu treo vững chãi nhìn từng đoàn xe đi lại tôi cảm nhận được niềm phấn khởi trong ánh mắt của những người dân từng chịu cảnh “lụy đò”. Dòng sông Re vẫn còn đó, nhưng câu chuyện về những chuyến đò, chuyến bè giờ chỉ còn trong ký ức...
 
Bà Đinh Thị Lía ở xã Sơn Ba cho biết: Trước đây việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân rất khó khăn, mỗi khi mùa mưa về nước sông dâng cao là mọi hoạt động của người dân bị ngưng trệ, người dân không thể qua được sông. Học sinh không thể đến được trường và khi có người ốm không thể đưa ra được bệnh viện. Nay có cây cầu to đẹp, giúp người dân đi lại thuận tiện và an toàn hơn. Nước lớn con mình vẫn đi học được, mình vẫn đi làm được, vẫn đi chợ, mang được đồ về nhà, không sợ thiếu, đói như trước nữa, mình phấn khởi lắm.
 
Đây sẽ là động lực để vùng cao phát triển kinh tế
Đây sẽ là động lực để vùng cao phát triển kinh tế
 
Đối với người dân ở các huyện miền núi trong tỉnh thì ám ảnh lớn nhất là những lần vượt sông phải đi lại trên những chiếc cầu treo, những chuyến đò không đảm bảo an toàn và luôn phải đánh cược tính mạng và tài sản của chính mình. Khát khao có những cây cầu đảm bảo an toàn luôn là ước mơ của người dân. 
 
Thấu hiểu được những khó khăn của người dân, trong những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng những chiếc cầu treo kiên cố, từng bước xóa dần nỗi lo qua sông của người dân miền núi.
 
Đặc biệt, từ đề án do Bộ Giao thông Vận tải khởi xướng xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông ở 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, trong thời gian qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh và UBND các huyện: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây đầu tư 6 cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh,  
 
Có thể nói, những cây cầu treo được xây dựng và đưa vào sử dụng trong thời gian qua đã “bắc nhịp” cho ước mơ con chữ, là sự kết nối giao thương thuận lợi của bà con đến với những vùng đất mới... Vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước,đồng bào vùng cao  đang tích cực cùng nhau thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Hy vọng, những cây cầu mới là nền tảng vững chắc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi vùng cao.
 
Bảo Khánh

.