Tưng bừng ra quân đánh bắt đầu năm của ngư dân Sa Huỳnh

04:01, 30/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 30.1, (mùng 3 Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017), xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đã tổ chức Lễ ra quân đánh bắt đầu năm 2017. Lời hát bã trạo đã khởi đầu cho hàng trăm chiếc thuyền dong ra Biển Đông.

TIN LIÊN QUAN


Ngay từ sáng sớm, hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ, mang theo ảnh Bác Hồ, trang trí rực rỡ cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu, cùng hàng trăm ngư dân, người dân địa phương và người dân ở vùng lân cận đã tề tựu về cửa biển Sa Huỳnh để tham gia Lễ ra quân đánh bắt đầu năm 2017.

Họ háo hức đến để xem màn múa lân, xem ông, cha, những chàng trai, cô gái làng chài trong trang phục sắc màu sặc sỡ hát bả trạo, diễn xướng hò kéo lưới, mang theo nhiều điều ước tốt lành, cầu mong ngư dân năm mới ra khơi bội thu thủy sản, ra vào luồng lạch an toàn, gia đình ấm no, hạnh phúc.

 

Hát bả trạo là truyền thống bao đời của người dân vùng biển Sa Huỳnh.
Hát bả trạo là truyền thống bao đời của người dân vùng biển Sa Huỳnh.


“Bả trạo ơi. Bả trạo ơi. Hù là khoan, ớ khoan hù là khoan. Hù là khoan, ớ khoan hù là khoan. Thuyền nan gặp sóng ba đào kêu Ngài, Ngài đã đưa vào cứu con. Hù là khoan, ớ khoan hù là khoan. Hù là khoan, ớ khoan hù là khoan…”.

Lão ngư Nguyễn Thuận cất tiếng ca bài bả trạo cầu ngư khởi đầu cho mùa biển mới của ngư dân Sa Huỳnh. Giọng hào sảng, khỏe khoắn, chứa chan tình cảm chân thành, yêu chuộng nhân nghĩa của người dân vùng biển vang rền một góc biển.

Sau mỗi lời hát xướng của "Tổng lái", “hù…hô…hù...hù…là… khoan”, tiếng đệm của các con trạo như nuôi dưỡng niềm tin tâm linh, tạo thêm sức mạnh, giúp ngư dân chắc tay chèo đưa thuyền lướt sóng ra khơi.

 

Các cụ bô lão nổi hồi trống báo xuất quân.
Các cụ bô lão nổi hồi trống báo xuất quân.


Ngư dân là những người có cuộc sống, sinh mạng gắn liền với biển cả. Vì thế, lễ Cầu ngư và hát bả trạo vốn là truyền thống của ngư dân. Cầu nguyện cho trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Với ý nghĩa này, hát bả trạo không chỉ là hình thức giải trí dân gian đơn thuần, mà còn là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của ngư dân.

Hơn 40 năm tham gia hát bả trạo cầu ngư, lão ngư Nguyễn Thuận bộc bạch: “Hát bả trạo đã trở thành niềm vinh dự không chỉ của cá nhân mà còn cả ngư dân Sa Huỳnh, mang theo điều ước tốt lành, cầu mong ngư dân năm mới ra khơi bình an trở về, bội thu tôm cá. Mỗi dịp tết đến xuân về, nghe hát hò bả trạo mà cảm thấy ấm lòng”.

Ngư dân Trịnh Nhiên, ở thôn Thạch Bi 1 đứng say sưa nghe các bậc cha ông hát bả trạo chia sẻ: “Đã là ngư dân thì không một ai không thích nghe hát bả trạo. Lời hài hát là lời mà chúng tôi muốn gửi gắm đến biển mẹ. Năm 2016, thời tiết bất lợi, ngư dân thất thu, cầu cho năm mới  đánh bắt được xuôi chèo mát mái, khấn lạy trời đất, biển mẹ ban điều tốt lành để thời tiết luôn thuận buồm xuôi gió, ngư trường nhiều cá, tôm”.

 

Tàu thuyền rẽ sóng ra biển Đông.
Tàu thuyền mở biển ra khơi.


Sau những lời ca bả trạo, diễn xướng hò kéo lưới của những chàng trai, cô gái làng chai trong trang phục sắc màu rực rỡ, màn múa lân sôi động, lão ngư làng chài mặc áo dài khăn đóng nổi hồi trống phát tín hiệu xuất quân ra khơi đầu xuân mới.

Hàng trăm chiếc thuyền treo cao cờ Tổ quốc, mang theo ảnh Bác Hồ, đốt đuốc khói màu, thả bong bóng bay lên bầu trời rẽ sóng ra khơi trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng nghìn người trong tiết trời mưa xuân lất phất bay như báo hiệu một mùa biển mới mưa thuận gió hòa.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho hay, lễ hội cầu ngư ở làng chài Sa Huỳnh là lễ hội truyền đời hàng trăm năm qua. Theo thông lệ, mùng 3 Tết, chính quyền địa phương tổ chức cho ngư dân "mở biển" cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới.

Đối với ngư dân Sa Huỳnh cũng như người dân ở các làng biển khác, ngày “mở biển” đầu năm có ý nghĩa hết sức đặc biệt, đây chính là ngày mà ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với biển mẹ, trời đất đã che chở cho họ bình yên trở về, khoang thuyền đầy ắp cá tôm sau những chuyến ra khơi lênh đênh trên biển cả. Cầu cho năm đến thuyền ra vào cửa biển an toàn, mưa thuận gió hòa, cá tôm đầy khoang.

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.