Những ông đồ trẻ ở chợ hoa Xuân

06:02, 05/02/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Cùng với việc trưng bày, mua bán giỏ, chậu hoa các loại, cây cảnh, đồ nội thất... chợ hoa Xuân trên đường Phạm Văn Đồng (TP Quảng Ngãi) năm nay còn có sự góp mặt của những ông đồ trẻ đến từ khắp mọi miền đất nước. Hình ảnh những ông đồ trẻ đầu đội khăn, mặc áo dài ngồi viết chữ như gợi nhớ về một nét đẹp văn hóa đầy ý nghĩa, tao nhã trong đời sống tinh thần người Việt.

Những ông đồ trẻ mê thư pháp

Nhắc đến thư pháp, nhiều người hay nghĩ đến những ông đồ già với mái tóc bạc phơ mặc áo dài, đội khăn xếp, tay cầm bút lông bên nghiên mực ngồi ở góc phố lặng lẽ phác họa từng nét chữ như “rồng bay phượng múa”. Ngày nay, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn đến với thư pháp để học hỏi và rèn luyện bản thân, thỏa mãn niềm đam mê bộ môn nghệ thuật tinh tế này.

Hình ảnh những ông đồ trẻ mặc áo dài, đội khăn xếp ngồi nắn nót từng nét bút gợi nhớ về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Hình ảnh những ông đồ trẻ mặc áo dài, đội khăn xếp ngồi nắn nót từng nét bút gợi nhớ về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.


Giữa không gian tấp nập, hối hả của chợ hoa Xuân Bính Thân 2016, hình ảnh những ông đồ trẻ ngồi trong gian hàng, nắn nót từng nét bút cho ra đời những bức tranh thư pháp đầy tâm huyết như một nốt nhạc vui gợi nhớ về giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Bắt đầu mày mò tự học hỏi, nghiên cứu thư pháp qua các tấm lịch, ti-vi từ khi còn là học sinh cấp hai, Nguyễn Việt Hiệp, sinh năm 1993 ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) đến với ngành đồ họa, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Từng là sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng nhưng Hiệp nhận ra mình có niềm đam mê lớn, yêu thích gắn bó với những nét cọ. Thế là Hiệp chuyển sang thi lại vào Đại học Kiến trúc. Từ đó, Hiệp có thêm cơ hội gắn bó, tìm hiểu về thư pháp, tham gia vào Câu lạc bộ thư pháp trẻ tại Đà Nẵng để trau dồi nét bút.

Những năm trước, Hiệp tham gia viết thư pháp cho các gian hàng, hội chợ, hoạt động từ thiện, giao lưu giữa các trường đại học với nhau... với nghệ danh là Hoàng Hiệp. “Đối với thư pháp, điều đầu tiên phải nắm những kiến thức căn bản, luật bộ nét... Để “điều khiển” nhuần nhuyễn nét cọ cần phải có niềm đam mê, sự kiên nhẫn, tinh thần ham học hỏi. Bởi để hình thành nên bộ nét ghi đậm phong cách của riêng mỗi tác giả phải rèn luyện mất đến vài năm có khi cả chục năm”, Hiệp chia sẻ.

 

Chợ hoa Xuân năm nay còn có sự góp mặt của những ông đồ trẻ tại các gian hàng tranh và thư pháp
Chợ hoa Xuân năm nay còn có sự góp mặt của những ông đồ trẻ tại các gian hàng tranh và thư pháp


Cùng chung niềm đam mê yêu thích thư pháp, Nguyễn Minh Tuấn (quê ở Quảng Trị), sinh viên năm 4, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã có 6 năm viết thư pháp. Từ ngày 14 tháng Chạp, thông qua sự giới thiệu của người quen, Tuấn đến với gian hàng bán tranh và thư pháp tại chợ hoa Xuân Quảng Ngãi với mục đích chính là phô bày nét chữ và giao lưu, học hỏi với bạn bè. “Viết thư pháp, ban đầu hơi khó và chưa quen bởi đầu bút lông mềm mại chứ không cứng như bút viết thông thường. Nhưng ai đã quen nét bút đều đam mê với những câu chữ bay bổng, uyển chuyển, phóng khoáng đầy ý nghĩa của thư pháp.”, Tuấn cho hay.

Gìn giữ nét xưa

Chỉ tay vào các bức tranh thư pháp, Hiệp giới thiệu, ngoài viết chữ thư pháp, Hiệp còn có khả năng vẽ tranh và viết chữ kết hợp trên một bức tranh hay còn gọi là thư họa. Thông thường trên thư pháp và thư họa bố cục gồm các phần là đại tự (chữ chính của bức tranh thư pháp), tiểu tự có thể là câu thơ, câu đối, châm ngôn... có nội dung bổ sung cho đại tự. Phía dưới là ấn chương hay còn gọi là con dấu và nghệ danh của ông đồ.

 Tùy theo nhu cầu của khách hàng, những ông đồ trẻ có khả năng viết thư pháp trên mọi chất liệu như giấy, đá, vải, sứ...
Tùy theo nhu cầu của khách hàng, những ông đồ trẻ có khả năng viết thư pháp trên mọi chất liệu như giấy, đá, vải, sứ...


Ngày trước, thư pháp thường được viết bằng mực tàu trên giấy xuyến chỉ. Còn ngày nay, tùy theo nhu cầu đa dạng của khách hàng, các ông đồ trẻ có khả năng viết chữ và vẽ tranh bằng màu mỹ thuật trên nhiều chất liệu khác nhau như vải, gỗ, sứ, đá... Các nội dung bức tranh khá phong phú như hoa sen, cá chép, ngựa phi nước đại, hoa mẫu đơn...

Thường đến buổi chiều có rất đông khách đến gian thư pháp tham quan và xin chữ. Mỗi bức liễn có giá chỉ khoảng 50.000 đồng. Còn tùy theo độ công phu, tính thẩm mỹ, sáng tạo của các bức tranh mà có giá khác nhau. Nhưng điều cốt yếu khi đến với bộ môn nghệ thuật này không phải là tiền bạc bởi “nghệ thuật là vô giá” mà bản thân có thêm cơ hội trau dồi, rèn luyện bộ nét, Hiệp cho hay.

Còn ông đồ trẻ Nguyễn Minh Tuấn tâm niệm: “Thư pháp mang đến sự tĩnh tâm, an nhiên trong tâm hồn. Mỗi một lần gieo bút là một lần khai sinh nên đứa con tinh thần của mình nên cần sự đầu tư, trách nhiệm trong từng nét bút. Cho dù có đông người đứng bên cạnh, người cầm bút cũng có sự tập trung cao độ vào từng nét bút”.



Bài, ảnh: BẢO HÒA
 


.