Xuân sum họp

09:03, 03/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phổ Cường (Đức Phổ) là vùng quê có nhiều người dân đi làm ăn xa. Mỗi dịp xuân về, họ lại trở về quê hương để đón Tết đoàn viên bên gia đình, thăm hỏi người thân…

Tết đoàn viên

Tết này, ông Bùi Văn Mỹ ở thôn Thanh Sơn vui hơn hẳn thường ngày, luôn nở nụ cười tươi trên gương mặt hằn vết nhăn theo năm tháng. Bởi vì, vợ và con cháu đều trở về quê sum họp trong những ngày Tết sau cả năm bán hủ tiếu ở tận TP.Hồ Chí Minh và Long An. “Ở quê chỉ có vài sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy nên vợ tôi và các con phải rời quê để mưu sinh, mong muốn kiếm tiền để xây dựng nhà cửa khang trang và lo cho các cháu ăn học sau này” – ông Mỹ nói.

Con trai lớn của ông Mỹ là anh Bùi Nhật Thuật cho biết: Anh cùng với em trai là Bùi Nhật Thọ bán hủ tiếu gõ tại một con hẻm trên đường Hoàng Sa, TP. Hồ Chí Minh. Vợ anh và người em bán hủ tiếu ở tỉnh Long An để tiện việc trông nom hai con ăn học. Cả năm, vợ chồng anh chỉ trở về quê vào dịp Tết và những ngày có tiệc cưới, hỏi của người thân. “Tết này, anh em tôi về đông đủ nên mua sắm nhiều thứ để cúng tổ tiên và cả nhà chung vui, mời bà con láng giềng. Đến ngày 16 tháng giêng, vợ chồng tôi và các em bắt xe khách trở vào Nam để bán tiếp…” – anh Thuật nói.

Anh Thọ bận rộn nấu hủ tiếu cho khách tại con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Sa, TP.Hồ Chí Minh.
Anh Thọ bận rộn nấu hủ tiếu cho khách tại con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Sa, TP.Hồ Chí Minh.


Những ngày này, trong căn nhà ông Nguyễn Văn Xuân ở thôn Mỹ Trang luôn rộn tiếng nói cười. Con cháu của ông tụ họp về quê sau cả năm mưu sinh tận TP.Hồ Chí Minh. “Tuổi già như vợ chồng tôi ai cũng muốn được ở gần con cháu, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải kiếm sống phương xa. Vì vậy nên vợ chồng tôi luôn mong mau đến Tết để được gặp cháu con…” – ông Xuân bộc bạch.

Con cả của ông Xuân là anh Nguyễn Văn Ri tâm sự: “Dù khá bận rộn và đi lại tàu xe rất vất vả, nhưng tôi vẫn động viên các em cố gắng trở về quê sum họp trong 3 ngày Tết. Tết nhứt mà không về được để thắp hương cho ông bà, thăm cha mẹ và bà con họ hàng thì buồn lắm”.

Dặm đường mưu sinh

Ông Bùi Văn Chuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường cho biết: Hiện trên địa bàn xã có hơn 2.800 người trong độ tuổi lao động rời quê tìm kế mưu sinh. Họ kiếm sống bằng nhiều nghề: Bán hủ tiếu gõ, vé số, làm thuê… Nhờ đó, cuộc sống của họ khá hơn so với trước. Nhiều người xây dựng nhà cửa khá khang trang và có điều kiện lo cho con em ăn học. Họ còn tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng nhà truyền thống ở thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng trong khu dân cư. Một số người còn tổ chức phát quà cho người nghèo mỗi dịp Tết, điển hình như hai ông Nguyễn Trung Du và Nguyễn Trung An ở thôn Nga Mân.

Trong chuyến vào TP. Hồ Chí Minh, tôi có dịp ghé thăm anh Thọ và anh Thuật (con trai ông Mỹ) khi hai anh đang bán hủ tiếu gõ. Anh Thọ khá bận rộn, luôn tay nấu hủ tiếu cho thực khách, mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt gầy vì thiếu ngủ. Anh Thuật cứ lăng xăng bê hủ tiếu cho khách, thu dọn bàn vừa rửa tô… ái ngại nói: “Đồng hương thông cảm chờ xíu nha! Bây giờ thì làm không kịp chứ lát nữa chẳng có khách đến ăn…”.

Rời quân ngũ, anh Thuật sánh duyên với cô thôn nữ cùng làng. Không việc làm, vợ chồng anh vay mượn người thân ít vốn rồi đưa nhau vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ. Giờ thì anh cùng với em trai nhọc nhằn mưu sinh cùng với chiếc xe bán hủ tiếu trong hẻm nhỏ trên đường Hoàng Sa. Vợ anh cùng với người em hiện đang rong ruổi bán hủ tiếu tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An để trông nom hai con ăn học, vì “học ở Sài Gòn rất tốn kém, buôn bán như tụi tui làm sao lo nổi?”. Đường phố vắng người khi kim đồng hồ chỉ gần 1 giờ sáng. Anh Thuật cùng với em trai vội thu dọn bàn ghế và rửa bát đĩa rồi đẩy xe hủ tiếu về nơi ở trọ cách đấy hơn 3km. Căn phòng tối om, vừa đủ chen chiếc xe hủ tiếu gõ cùng với chiếc võng xếp trên nền bê tông ẩm ướt. “Dân bán hủ tiếu như tụi tui có được nơi trọ như thế này là sướng lắm rồi. Chỉ cần nghỉ qua đêm rồi mai lại lo đi bán chứ đâu ở nhiều mà mướn căn phòng rộng rãi cho tốn kém” – anh Thọ nói.  

Anh Thuật mặc vội chiếc áo khoác cũ rồi dắt xe máy hoen rỉ ra đầu hẻm vượt hơn 30km về tận Bến Lức (Long An) trong đêm khuya vắng. Sáng hôm sau, anh cùng vợ đến chợ mua chân giò, thịt heo về ninh nhừ rồi cho vào xô nhựa mang lên Sài Gòn bán cho thực khách. “Ở dưới đó thịt rẻ hơn nên tiết kiệm thêm được ít tiền. Với lại về dưới để trông thấy các con cho đỡ nhớ, dù lúc này tụi nó đã ngủ say” – anh tâm sự. Nhờ những đồng tiền khó nhọc ấy đã giúp gia đình anh vừa xây dựng căn nhà trị giá gần 600 triệu đồng ở quê.

Bài, ảnh: TRANG THY
 


.