Rộn ràng không khí Tết

01:02, 02/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa xuân đang về, đất trời đang chuyển mình phơi phới sắc xuân. Từ thành thị đến thôn quê, nhà nhà, người người đều chuẩn bị, mong sao có được một cái Tết thật sung túc, vui vẻ, đầm ấm bên những người thân yêu của mình. Ở các vùng quê từ đồng bằng hay miền biển, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà không khí chuẩn bị cho ngày Tết kém phần rộn ràng...

Những ngày này, trong tiết trời se lạnh, rong ruổi về các vùng nông thôn chúng tôi cảm nhận được một cái Tết đang đến rất gần. Dọc hai bên đường ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) có nhiều ngôi nhà đang được quét sơn lại cho mới mẻ, hàng rào trước sân cũng được tỉa tót lại cho ngay ngắn. Ai cũng mong ngôi nhà của mình có một "bộ mặt" mới để đón khách. Vì thế nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, lau chùi, trang hoàng chuẩn bị đón Tết. Nhiều người còn quan niệm dọn nhà sạch để gột rửa hết bụi bặm tồn lại từ năm trước và đón năm mới tới với nhiều điều tốt lành.

Ông Võ Lâm đang chùi, đánh bóng lại bộ lư đồng trên bàn thờ tổ tiên để chuẩn bị cho ngày Tết.
Ông Võ Lâm đang chùi, đánh bóng lại bộ lư đồng trên bàn thờ tổ tiên để chuẩn bị cho ngày Tết.


Ông Nguyễn Ngọc Dân, ở  thôn Bình Bắc cho biết: Các con của ông đều đi làm và đi học trong TP. Hồ Chí Minh, nhưng tháng trước đã gọi điện về nhà nhắc ông phải quét vôi lại ngôi nhà, nên dù đang bận rộn với công việc đồng áng hai vợ chồng ông cũng tạm gác lại để kêu thợ về sơn sửa lại nhà cửa theo ý nguyện của các con. Những bậc cao niên thì chuẩn bị lau dọn bàn thờ tổ tiên ông bà. Ông Võ Lâm ở xã Bình Khương (Bình Sơn), chia sẻ: Bàn thờ tổ tiên là nơi thiêng liêng nên phải được chăm chút kỹ với hy vọng sẽ mang lại may mắn, sự an bình của gia đình.

Ở các chợ quê, không khí mua sắm Tết cũng nhộn nhịp hẳn lên. Các mặt hàng phục vụ cho ngày Tết được bày bán nhiều, từ bánh kẹo, mứt, hạt dưa... hay các loại mặt hàng khác cũng rất đa dạng về chủng loại và giá tiền. Nhiều tiểu thương các chợ nông thôn cho biết, hàng hóa mà người dân lựa chọn chủ yếu là hàng Việt Nam, vì giá cả phải chăng, nguồn gốc rõ ràng nên được nhiều người tin tưởng lựa chọn. Bà Phạm Thị Thắng ở xã Trà Bình (Sơn Tịnh), dù công việc đồng áng bận rộn nhưng cũng tranh thủ tự tay làm lấy vài loại mứt để trong nhà như mứt gừng, mứt dừa, mứt dẻo… để đãi khách. Bà Thắng tâm sự: “Dù cực một chút nhưng rất vui, vì tự tay làm ra các món đặc trưng cho ngày Tết”.  

Còn ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) những ngày giáp Tết này chỉ thấy đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Vì đàn ông và thanh niên ở đây đều tranh thủ đi phiên biển cuối năm để có thêm thu nhập sắm Tết. Chị Nguyễn Thị Hà Linh, ở thôn Châu Thuận Biển, cho biết, chồng chị đi biển gần một tháng nay, chị ở nhà với ba mẹ chồng và con nhỏ. Tết sắp đến rồi, nhưng chị phải chờ đến khi chồng về mới có tiền sắm sửa quần áo cho con cái, cha mẹ và mua đồ dùng  trong nhà. “Những nơi khác, qua 20 tháng Chạp mới sắm Tết là hơi muộn, nhưng với những người dân ở vùng biển là điều bình thường”, chị Linh tâm sự.

Còn chồng chị Đinh Thị Cúc, cũng ở thôn Châu Thuận Biển thì đi biển cách đây vài ngày và dự tính đến khoảng mùng 10 Tết mới về. Bởi theo chị Cúc, dù phải ăn Tết trên biển, nhưng bù lại tôm cá vào thời điểm này bán rất được giá. Để có tiền trang trải trong mấy ngày Tết, chị Cúc cùng vài ba người tham gia đánh bắt tôm hùm nhí ở gần bờ. Sáng đi chiều về để tiện chăm sóc cho con cái.

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình tụ họp, quây quần bên nhau sau một năm làm ăn vất vả. Từ thành thị đến nông thôn, không khí đón Tết của người Việt tạo nên một nét văn hóa đặc trưng. Vào những ngày cuối năm, các gia đình lại nhộn nhịp, háo hức sắm sửa chuẩn bị cho ba ngày Tết. Về các vùng quê những ngày này chúng tôi cảm nhận được sự thanh bình, yên vui trên từng khuôn mặt mỗi người. Hy vọng mọi nhà sẽ có một cái Tết thật vui, thật ý nghĩa…

Bài, ảnh: Trúc Giang
 


.