Mùa Tết người nghèo vật lộn mưu sinh

05:02, 17/02/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Khác với sự phấn khởi, vui tươi sắm sửa vui xuân đón Tết của nhiều người dân khá giả, không ít phận người nghèo đang vật lộn mưu sinh không quản ngày đêm.

TIN LIÊN QUAN

Muôn nẻo mưu sinh

Chiều 28 Tết, trong khi hàng ngàn người đổ ra đường thưởng ngoạn, sắm Tết, có dịp chuyện trò với bà lão tên Lan, quê ở xã Nghĩa Dõng đang bán cá viên chiên ở Quảng trường đường Phạm Văn Đồng mới cảm nhận phần nào nỗi đau đáu của những người lao động nghèo khi mà Tết đến xuân về.

Mặc bộ đồ thun cũ rộng thùng thình, khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ, bà Lan chậm rãi kể câu chuyện buồn của cuộc đời mình. Chồng mất sớm khi bà mới 33 tuổi, thân cò lặn lội nuôi cậu con trai duy nhất lớn lên dựng vợ sinh được đứa cháu vừa lên lớp một thì con dâu đổ bệnh đột ngột qua đời vì bị ung thư máu.

Sau những tháng ngày đau buồn vì số phận nghiệt ngã, nghe người làng mách nước, bà sắm chiếc xe đẩy và hành nghề bán cá viên chiên. “Ngày lễ, ngày Tết lời được vài trăm chứ ngày thường giỏi lắm cũng chỉ vài chục, có ngày đẩy đi bao nhiêu đẩy về bấy nhiêu!”- bà Lan thổ lộ.

 

Những người chở hoa thuê vội và với công việc của mình.
Những người chở hoa thuê vội vã với công việc của mình.



Cách đó không xa, ở chợ hoa Tết cũng là nơi mưu sinh của nhiều người lao động phổ thông phần lớn họ là những người chạy xe ôm, xe ba gác. Hàng trăm con người đang để bốc vác hoặc chở hoa thuê cho khách hàng ở chợ hoa Tết.

Anh Nguyễn Văn Lâm, quê ở Nghĩa Hành kể, chợ hoa ra đời bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm mỗi khi chợ hoa Tết mở cửa là anh lại gắn cái mót phía sau chiếc xe hàng ngày hành nghề xe ôm đến đây để tìm khách hàng mua hoa nhận chở hoa thuê.

Nếu như những năm trước mấy ngày tết anh kiếm được rất khá thì bây giờ khó hơn bởi có quá nhiều người tham gia làm công việc này. Mọi năm có ngày kiếm cả triệu đồng lo tết, nhưng năm nay ít hẳn vì nhiều người làm trong khi chợ hoa có phần ế ẩm.

Đối với người nghèo, ngày Tết không hẳn là niềm vui mà gắn với nỗi lo toan đến cơ cực. Bao nhiêu khoản chi tiêu đè nặng lên vai, vì thế họ phải tính toán đến từng đồng bạc lẻ. Thế nên chị Trần Thị Thời, quê ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa vừa mua ve chai vừa nhận luôn việc dọn nhà cửa nếu ai có nhu cầu.

 

Mặc cho dòng người đang nô nức vui xuân đón Tết, một bộ phận không nhỏ người lao động nghèo vẫn lầm lũi mưu sinh.
Mặc cho dòng người đang nô nức vui xuân đón Tết, một bộ phận không nhỏ người lao động nghèo vẫn lo mưu sinh.


Chị Thời ngậm ngùi: “Nghề ve chai vừa nhọc vừa ít lời. Nhiều khi muốn bỏ nghề nhưng bỏ rồi biết làm nghề gì? Có ngày may mắn gặp người tốt bụng họ cho không thì kiếm được trên trăm nghìn còn ngày thường chỉ là vài chục. Gần Tết nhiều gia đình cần người dọn nhà nên mình nhận làm kiếm ít đồng về tiêu tết và lo cho hai đứa nhỏ ăn học”.

Dạo quanh một vòng thành phố, hình ảnh những người lao động nghèo mưu sinh ngày Tết như bán vé số, bán kim chỉ, mua ve chai, rửa xe, dọn nhà cửa, chở hoa thuê… hiện hữu khắp nơi trong những ngày cận Tết.

Ngậm ngùi đón Tết

23 giờ, dáng người nhỏ bé, bà Lan lủi thủi đẩy xe cá viên chiên về trong đêm tối. Chưa vội ăn uống, bà ngồi bệt xuống nền nhà đếm những đồng bạc lẻ. “Giờ này mà tui chưa mua sắm gì trong nhà. Năm nào tui cũng bán xuyên Tết. Bán ngày Tết người ta thương mình ăn ủng hộ, có khi còn cho tiền thừa mừng tuổi. Lâu rồi chưa thắp được nén hương đêm giao thừa cho ông bà. Không bán lấy gì mà ăn?”- bà Lan tâm sự.

Cũng như bà Lan, anh Lâm cũng vì cuộc mưu sinh đến nỗi không có Tết. Thường thì chạng vạng đêm cuối cùng của năm cũ, chợ hoa bế mạc, những người chở hoa thuê như anh không còn cơ hội để kiếm tiền nữa thì anh quay lại hành nghề xe ôm.

 

Những đứa trẻ rong rủi khắp các nẻo đướng bán bao lì xì.
Những đứa trẻ rong rủi khắp các nẻo đướng bán bao lì xì.


Anh bảo thời khắc đó, vì lý do gì đó nhiều người xa quê làm ăn mới trở về trên những chuyến xe đò vội vã. Đó cũng là thời điểm giúp những người chạy xe ôm như anh có cơ hội kiếm thêm chút tiền. Anh Lâm bộc bạch: "Chạy xe thời điểm đó có người tốt bụng lại cho thêm ít chục lì xì năm mới. Nhiều khi cầm đồng tiền của họ đêm giao thừa mà tui rưng rưng nước mắt, nhưng không làm lấy gì nuôi ba đứa con ăn học. Phận nghèo phải chịu thiệt thòi!".

Những ngày này không chỉ có bà Lan, anh Lâm mà có hàng trăm mảnh đời không có Tết vì vẫn phải chật vật mưu sinh. Họ sẵn sàng hi sinh niềm vui sum họp để lo cho tương lai của con, của cháu.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.