Chơi hội bài Chòi, cầu lộc đầu năm

10:02, 20/02/2015
.

Cứ mỗi dịp Xuân về, Tết đến, tại rất nhiều miền quê ở miền Trung, hội bài chòi được tổ chức trong không khí vui tươi, rộn rã. Người dân đánh bài chòi vào dịp đầu xuân vừa là để cùng gia đình, làng xóm vui chơi, giải trí vừa để cầu may, cầu lộc đầu năm.
 

 Hô, hát bài Chòi tại phố cổ Hội An.
Hô, hát bài Chòi tại phố cổ Hội An.


Theo các nhà nghiên cứu và nghệ nhân tỉnh Bình Định, thời gian diễn ra hội bài chòi ngắn dài khác nhau, có khi trong ba ngày Tết, nhưng cũng có thể kéo dài đến rằm tháng Giêng và đến tận tháng hai âm lịch.


Bài chòi được hiểu một cách đơn giản nhất là một kiểu đánh bài ngồi trong chòi mà đánh, nhưng nó không chỉ dừng lại ở một trò chơi bài ở trong một không gian mở mà gắn liền với nghệ thuật diễn xướng hô bài chòi với các nghệ nhân chính trong vai trò anh Hiệu, những người quản trò dẫn dắt cuộc chơi.

Nơi diễn ra hội đánh bài chòi thường là những khoảnh đất rộng, có thể là trước sân đình, miếu, một thửa ruộng mới thu hoạch chưa cày hoặc một gò đất hoang bằng phẳng gần các khu dân cư, gần chợ, thuận lợi cho mọi người đi dự hội...

Ngay từ những ngày trước Tết, các làng tập hợp những người có uy tín, nhiệt tình hội họp thành ban tổ chức. Khoảng sau 23 tháng Chạp, Ban tổ chức huy động những người trong làng góp tre để dựng chòi (làm bằng tre, tranh, rạ, lá dừa), cho mượn các vật dụng như bàn, ghế, khay trà, bình rượu… Ai không góp vật dụng thì góp công, ai không góp công thì góp tiền.

Đến 30 tháng Chạp thì công việc chuẩn bị cho hội bài chòi xuân được hoàn tất. Sáng mùng 1 Tết, các vị chức sắc trong làng, các thành viên Ban tổ chức, người điều hành hội giục trống chầu, dàn nhạc cổ tấu bài chiến rao khai trường. Nghe trống nhạc, mọi người gần xa lần lượt tề tựu về sân hội, các anh, chị Hiệu (là người hô hát) mời chào các con bài cho những người dự hội. Khi bán hết 9 con bài cái, người mua đã lên chòi, người điều hành hội sử dụng trống chầu làm thủ tục khai hội theo thể thức “đả cổ pháp” của một đêm diễn hát bội xưa: “Xuân tam, hè cửu, thu thất, đông ngũ” (mùa xuân đánh ba tiếng, mùa hè đánh chín tiếng, mùa thu đánh bảy tiếng, mùa đông đánh năm tiếng), dàn nhạc tấu lên, trống chầu thúc giục, báo hiệu hội chơi bắt đầu.

Tại Quảng Nam, trò chơi bắt đầu khi anh Hiệu (mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề) cất tiếng hò một bài lục bát hoặc song thất lục bát bằng chất giọng "rặt" phương ngữ địa phương:

Gió xuân phảng phất nhành tre

Xin mời bà con cô bác lắng nghe bài chòi

Bà con cô bác lẳng lặng mà nghe

Tui hô cái quân bài, con gì nó ra đây...

Nực cười chị bán thịt heo

Hai vai gánh nặng lại đèo móc cân. Con bài “Tứ Móc”


Không khí rộn ràng khi tiếng trống chầu thúc vang lôi cuốn, giục giã biết bao người dân hòa mình cùng những lời hô mang đậm bản sắc của vùng đất dân quê. Tuy là một hội đánh bài nhưng đây là một loại hình sinh hoạt giải trí dân gian, một hình thức chơi bài không có tính sát phạt, không cốt ở chỗ ăn thua, mà chỉ để vui xuân, giải trí.

Một hội bài chòi có thể gồm nhiều ván (thông thường là ba ván), và Ban tổ chức thu được số tiền bán các thẻ bài cái (gọi là tiền xâu). Tiền xâu này dùng để chi cho các anh, chị Hiệu, dàn nhạc và những người trong Ban tổ chức. Nếu còn thừa thì chuyển sang cho hội chơi năm sau, thiếu thì trích quỹ làng phụ chi cho hội. Tiền thưởng cho người thắng cuộc chỉ mang tính chất tượng trưng, được quan niệm như là lộc đầu xuân, mang lại may mắn cho người chơi trong năm mới.

Ngoài việc thử thời vận hên xui vào dịp đầu năm, người ta tìm đến bài chòi còn để mua vui qua giọng hô, tài ứng đối và lối diễn trò của Hiệu. Bên trên các chòi tre, người chơi vừa hồi hộp lắng nghe tên con bài xem có trúng con bài của mình không vừa thưởng thức các điệu hò vè, các trò diễn của các anh, chị Hiệu.

Nét độc đáo của trò chơi bài chòi là ở việc xướng những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè, kể những câu chuyện trong dân gian có nội dung ý nghĩa tương ứng với tên gọi của mỗi con bài được rút ra. Thành công của hội bài chòi phụ thuộc phần lớn vào tài năng của các anh, chị Hiệu, họ phải có chất giọng tốt, nắm vững lề lối hô và diễn, có khả năng sáng tác, có thể ứng khẩu thành thơ và cải biến nhanh lời hô tại chỗ, đặc biệt phải thuộc lòng rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè.


Nghệ nhân Nguyễn Đáng chia sẻ: Bài chòi là một loại hình dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung có từ lâu đời, về sau đã được phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch vào những năm 30 của thế kỷ 20.
 

Bài Chòi diễn ra phổ biến ở miền Trung vào dịp lễ, Tết.
Bài Chòi diễn ra phổ biến ở miền Trung vào dịp lễ, Tết.



Bài chòi được phổ biến và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân lao động. Vào mỗi dịp lễ Tết, ở vùng nông thôn rất phổ biến trò chơi này. Bài chòi có hình thức chơi tương tự như chơi lô tô với 32 tấm thẻ bài, ban đầu chỉ mang tính chất gia đình, về sau cứ mỗi độ xuân về, người ta dựng những chòi cao trên bãi đất trống thu hút khách thập phương đến tham gia…

Hiện nay ở Quảng Nam, bài chòi không chỉ tổ chức trong những ngày đầu xuân mà còn kéo dài cả tháng Giêng trong các lễ hội truyền thống lớn nhỏ.

Chính vì tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn nên trò chơi dân gian này thu hút rất nhiều người tham gia và xem; đông nhất là người già, phụ nữ và trẻ em. Họ đắm mình trong những làn điệu dân ca quen thuộc, thả hồn theo những câu hò, điệu hát mộc mạc, dân dã; đồng thời cũng muốn tìm được sự may mắn đầu năm.


Theo Thế Phong (Chinhphu.vn)

 


.