Chào năm mới Giáp Ngọ 2014

01:01, 31/01/2014
.

Cả nước đón chào năm mới Giáp Ngọ 2014 bằng màn pháo hoa rực rỡ trên nền trời Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành. Trong thư chúc Tết Giáp Ngọ 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi đồng bào cả nước "đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đem tất cả tinh thần và sức lực, trí tuệ và tài năng, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hành dân chủ rộng rãi với tư tưởng pháp quyền tiến bộ".

Chào giao thừa, tại công viên 23/9 TP.HCM, hàng ngàn khán giả xem biểu diễn nghệ thuật chủ đề: Chào xuân mới (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen tổ chức với nhiều tiết ca, múa, xiếc… Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
Chào giao thừa, tại công viên 23/9 TP.HCM, hàng ngàn khán giả xem biểu diễn nghệ thuật chủ đề: Chào xuân mới (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM, Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen tổ chức với nhiều tiết ca, múa, xiếc… Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Người dân Hà Nội trong thời khắc pháo hoa bắn lên không trung đêm giao thừa 31-1-2014. Ảnh: Reuters
Người dân Hà Nội trong thời khắc pháo hoa bắn lên không trung đêm giao thừa 31-1-2014. Ảnh: Reuters

Hà Nội: pháo hoa rực rỡ, thời tiết không rét

Người Hà Nội vui mừng khi đổ ra phố đêm 30 để xem pháo hoa trong tiết trời chỉ lạnh 17oC chứ không rét buốt. Thủ đô có 29 điểm bắn pháo hoa nên lượng người ra đường đón giao thừa đông đúc từ sớm (19g).

Khắp phố phường Hà Nội rực rỡ ánh đèn và khi thời khắc giao thừa đến, tiếng pháo hoa rền vang khắp nơi: hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa Lạc Long Quân, hồ Văn Quán, hồ Ngọc Khánh, sân vận động Mỹ Đình… Người dân chụp hình, hò reo và chúc mừng nhau khi thưởng thức trọn vẹn 15 phút pháo hoa trên bầu trời. Thủ đô đã bước vào mùa xuân mới!

TP.HCM: hàng trăm ngàn người xem pháo hoa

Tại TP.HCM, đúng thời khắc giao thừa, pháo hoa bắn lên từ khu trung tâm thành phố - nơi có hàng trăm ngàn người tề tựu về trong đêm 30 tết để chờ xem pháo hoa. Tiếng còi tàu từ sông Sài Gòn trỗi lên hòa vào năm mới.

Sau khi thưởng thức pháo hoa, nhiều tốp bạn trẻ đi đến các ngôi chùa để xin lộc đầu năm.

Pháo hoa đón năm mới tại TP.HCM. Ảnh: T.T.D
Pháo hoa đón năm mới tại TP.HCM. Ảnh: T.T.D

Đà Nẵng: Sông Hàn ngập tràn ánh sáng

Chỉ trong vòng 15 phút đầu năm mới Giáp Ngọ, hơn 2.000 quả pháo hoa tầm cao đồng loạt nổ trên bầu trời Đà Nẵng tại bốn cụm ở hai bên bờ sông Hàn. Hàng vạn người dân và du khách đã đổ xô về hai bên bờ sông để chiêm ngưỡng những tuyệt tác ánh sáng trong khoảnh khắc giao thời.

Cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý vừa đưa vào sử dụng gần 1 năm trước cũng trở nên sặc sỡ ánh đèn trong đêm giao thừa, làm cho dòng sông Hàn càng trở nên lung linh, huyền ảo. Những màn pháo hoa nổ vang trời xen giữa những tiếng reo hò, những cái nắm tay thật chặt.

Hàng vạn người chứng kiến thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới đều mơ ước về một mùa xuân với muôn vàn hương sắc, những điệu nhạc bình an, hạnh phúc. Thời tiết đêm giao thừa tại Đà Nẵng chỉ se lạnh, khá lý tưởng để người người tay trong tay du xuân và đón chào đón năm mới. Ngoài 4 điểm bắn pháo hoa, nhiều tuyến đường tại TP Đà Nẵng như Bạch Đằng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh…đều thắp sáng bởi hàng ngàn bóng đèn được trang trí hết sức tinh vi, bắt mắt. Dọc bở đông sông Hàn, các điểm nhấn đường hoa Xuân luôn thu hút người dân đến thưởng lãm, chụp ảnh lưu niệm.

Tại Hội An, tất cả mọi người tập trung về 2 điểm bắn pháo hoa của thành phố là Vườn tượng An Hội và Cửa Đại. Ai nấy đếm ngược từng phút giây đồng hồ điểm thời khắc chuyển mình giữa năm cũ và năm mới. Tiếng reo hò, vỗ tay của khán giả khi âm thanh pháo nổ vang rợp trời, màu sắc ánh sáng của pháo hoa bung sắc trên bầu trời đêm khiến cả không gian phố cổ càng trở nên lung linh, huyền diệu hơn. Màn pháo hoa kéo dài 10 phút làm mãn nhãn người dân và du khách có mặt tại sân khấu Vườn tượng và cảng Cửa Đại.

Cầu sông Hàn ngập tràn ánh sáng. Ảnh: Phan Chung
Cầu sông Hàn ngập tràn ánh sáng. Ảnh: Phan Chung

Huế: lễ trừ tịch thuần khiết

Tại phủ thờ công chúa Ngọc Sơn trên đường Nguyễn Chí Thanh (Huế), lễ trừ tịch thuần khiết trong thời khắc giao thừa thiêng liêng diễn ra trang nghiêm. Trên bàn lễ lung linh ánh đèn là các vật phẩm được bày biện bài bản, gồm có hương trầm, cau trầu, hoa quả, trà, nước, mứt bánh… Rượu trắng là thứ không thể thiếu trong quan niệm “vô tửu bất thành lễ”. Mâm lễ còn có con gà luộc, bánh chưng, bánh tét và một số loại mứt bánh thường thấy trong ngày tết của người Huế…

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An nghiêm cẩn hành lễ giữa trời trong. Ông cho biết ngày xưa chủ lễ các bàn cúng trừ tịch tại các làng chính là ông tiên chỉ, người có học hàm học vị cao nhất hoặc một vị quan về hưu có phẩm hàm cao nhất làng. “Lễ vật thì tuỳ theo môi địa phương, song mọi người hành lễ đều với một lòng thành. Đây là một sinh hoạt tâm linh thuần khiết, cầu mong những điều tốt đẹp cho mọi người!”.

Lễ trừ tịch thuần khiết trong thời khắc giao thừa ở Huế. Ảnh: Thái Lộc
Lễ trừ tịch thuần khiết trong thời khắc giao thừa ở Huế. Ảnh: Thái Lộc

Nha Trang: pháo hoa giao thừa cho người dân lẫn du khách

Tại Quảng trường 2/4 ở trung tâm thành phố Nha Trang diễn ra chương trình văn nghệ "Mừng Xuân Giáp Ngọ - 2014". Các khách sạn đều có chương trình đón giao thừa dành cho du khách lưu trú. Thời tiết Nha Trang lúc giao thừa mát dịu. Hàng chục ngàn người đổ về đường Trần Phú và danh thắng Hòn Chồng xem bắn pháo hoa với thời lượng 15 phút. Màn bắn pháo hoa trong đêm giao thừa mang không khí tết cho người dân và du khách ở Khánh Hòa.

 

Theo Báo Tuổi trẻ

 


.