Mùa xuân thay lá thay hoa

10:01, 22/01/2020
.
*Thanh Thảo
Baoquangngai.vn)- Có lời ca trong một bài hát của Trịnh Công Sơn:“Mùa xuân thay lá thay hoa thay cả đời ta”, nghe rất ấn tượng. Chẳng biết, mùa xuân có “thay cả đời ta” được không, nhưng ai cũng mong, mỗi mùa xuân lại mang tới cho mình một cái gì mới mẻ theo hướng tích cực. Nhưng để “thay cả đời ta”, e khó, vậy thì hãy vui vì mùa xuân “thay lá thay hoa”, cái này đúng, mà lại được.
 
Với mùa xuân, thay lá thay hoa là chuyện đương nhiên, nếu không, đó chẳng còn là mùa xuân nữa. Những chờ đợi khi nụ hoa lớn dần lên, rồi nở, những chồi non chợt đỏ bừng, rồi bung những chiếc lá nhỏ bé đầu tiên, sự chờ đợi ấy làm nên phần hồi hộp nhất mà chỉ mùa xuân mới có thể mang lại cho con người.
 
Sinh sôi. nảy nở là qui luật của mùa xuân. Nó mang tới cho ta niềm hạnh phúc, như thuở ta còn trai trẻ, còn thắc thỏm chờ đứa con đầu lòng chào đời. 
 
Đứa con đầu lòng của tôi cũng sinh ra trong mùa xuân, một mùa xuân nhiều đói khổ sau chiến tranh. Ngày ấy, tôi hoàn toàn không biết để chúc mừng sự kiện thiêng liêng như thế với gia đình, mình phải mua một bó hoa tặng vợ.
 
Tôi không có khái niệm gì về chuyện cả thế giới người ta vẫn làm này trong những dịp vui mừng như thế. Ngày ấy, hoa vẫn được bán, hoa sau Tết rẻ cực kỳ, nhưng tôi không biết mua. Khi ta thật nghèo, khi cả nước ta thật nghèo, thì chuyện mua một bó hoa mừng đứa con ra đời, cũng là chuyện không mấy người nghĩ ra.  
 
Người ta nói “phú quí sinh lễ  nghĩa”, câu ấy có lẽ đúng.
 
Bây giờ thì ở nông thôn mới, người ta thường xuyên tổ chức sinh nhật. Bà con làng xóm đóng góp trong những cuộc “lễ nghĩa” như thế này, mệt nghỉ luôn. Theo cháu tôi ở làng nói, thì mỗi cuộc mừng sinh nhật như thế, hai nhà góp mỗi nhà 200.000đ mua một thùng bia “ken” cho nó “hoành tráng”. Với nông dân nghèo, 200.000đ là số tiền phải suy nghĩ. Nhưng cũng không dám kêu, vì lễ nghĩa bây giờ nó vậy, mình sống trong cộng đồng, lẽ nào không tuân theo.
 
Nó cũng thể hiện một kiểu gì như “nếp sống văn minh”, những người nông dân nay đã lớn tuổi chưa quen với chuyện này, nhưng rồi cũng phải quen thôi. Chỉ có điều, nếp sống nông thôn mới bây giờ nhiều cái nó mới quá, nó “thay lá thay hoa” nhanh quá, nên nhiều lúc người nghèo theo không kịp.
 
Nói người nghèo bây giờ, đừng nhìn số phần trăm trên giấy mà tội. Người nghèo, trong thực tế, còn đông lắm. Nhưng dù nghèo, mùa xuân vẫn “thay lá thay hoa”, vẫn có niềm vui, vẫn còn hạnh phúc. Cái hạnh phúc trong cảnh nghèo ấy, như hai câu thơ của Lê Huy Mậu mà nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã phổ thành một ca khúc tuyệt vời “ Khúc hát sông quê”:
 
 “Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
  Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”
 (Lời thơ Lê Huy Mậu-nhạc Nguyễn Trọng Tạo, “Khúc hát sông quê”)
 
Một xu bánh đa vừng, với đứa trẻ nghèo, vẫn là món quà của hạnh phúc, vì nó là tất cả tình yêu thương của mẹ giành cho con. Dĩ nhiên, đó là một người mẹ nghèo.
 
Hạnh phúc, bao giờ cũng sóng đôi với xúc cảm. Không thể có hạnh phúc khi người ta vô cảm. Vì vậy, chỉ số hạnh phúc chỉ thực sự có giá trị khi nó đi đôi với chỉ số cảm xúc, một chỉ số rất khó để “cân đo đong đếm”.
 
“Mùa xuân thay lá thay hoa thay cả đời ta” hoàn toàn được đo bằng chỉ số xúc cảm. Với người nghệ sĩ, xúc cảm là chỉ số cao nhất, có giá trị nhất với họ. Những giá trị khác, chỉ là “giá trị cộng thêm”.
 
Một đứa cháu tôi, có con trai mới sinh trước mùa xuân này, khi cháu báo tin vui cho tôi, qua điện thoại, giọng cháu có một khoảng lặng. Khoảng lặng ấy, là xúc cảm. Khoảng lặng ấy, cũng là hạnh phúc.
 
Tôi cũng rưng rưng khi nói với cháu: “Chúc mừng cháu đã sang một trang đời mới. Từ nay, cháu phải tự vun đắp hạnh phúc cho gia đình mình, hạnh phúc cho chính mình”.
 
Nghĩa là, cháu phải tự “thay lá thay hoa” cho mình. Cũng có nghĩa, cháu tự thay đổi cuộc đời mình, đúng như lời bài hát đầy cảm xúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Mùa xuân thay lá thay hoa thay cả đời ta”./.
 
 

.