Mâm cỗ Tết 3 miền

10:02, 02/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mâm cỗ Tết vừa hàm chứa tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên của người Việt, vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của các vùng miền trong cả nước...

TIN LIÊN QUAN

Cầu kỳ mâm cỗ miền Bắc

Ẩm thực miền Bắc nổi tiếng đa dạng về món ăn, cầu kỳ về hình thức, tỉ mỉ trong chế biến, tinh tế cách trình bày. Vì vậy, mâm cỗ Tết luôn được người dân nơi đất Bắc chú trọng từ quá trình chế biến đến trưng bày. Theo truyền thống, mâm cỗ Tết của người miền Bắc phải có 4 bát, 4 đĩa (không kể xôi, nước chấm và dưa hành), với nguyên tắc “Tứ trụ”, 4 mùa, 4 phương.

Bốn bát gồm: Canh bóng thả, chân giò hầm măng khô, mọc nấm thả và miến. Bốn đĩa gồm: Thịt gà, nem rán, bánh chưng, giò lụa (hoặc chả quế, giò thủ). Những gia đình khá giả, mâm cỗ Tết được chuẩn bị thịnh soạn hơn, gồm: 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa, với ước nguyện “phát lộc, phát tài”.

Với người miền Bắc, bánh chưng là món không thể thay thế trong mâm cỗ Tết. Theo quan niệm, bánh chưng vuông tượng trưng cho “Trời”, nên được bày ở trung tâm mâm cỗ, thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội của con cháu.

Ngoài những món “trụ” như trên, mâm cỗ Tết của người miền Bắc hiện nay còn có nhiều món đặc sắc, phù hợp với sở thích, nhu cầu của từng người. Điển hình là cá chép, cá trắm kho riềng, thịt nấu đông, dưa hành muối, chè kho, nộm su hào, rau củ luộc... Vì số lượng món ăn khá nhiều, nên việc bày biện cũng là một nghệ thuật. Các món ăn được bày trong bát, đĩa loại nhỏ, vừa đủ dùng, lại dễ bài trí.

Dung dị mâm cỗ miền Trung

Mâm cỗ Tết của người miền Trung không cầu kỳ kiểu “mâm cao cỗ đầy” như người miền Bắc, mà giản dị, dân dã. Hầu hết các món ăn được chế biến mặn, để dễ bảo quản. Theo những bậc cao niên, phong tục này xuất phát từ việc điều kiện thời tiết miền Trung khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn, nên người miền Trung có tính tiết kiệm và lo xa.

 Mâm cỗ cúng làng của người dân xã Bình Thới (Bình Sơn) trong Tết  cổ truyền.  ẢNH: ĐÔNG YÊN
Mâm cỗ cúng làng của người dân xã Bình Thới (Bình Sơn) trong Tết cổ truyền. ẢNH: ĐÔNG YÊN


Cũng vì tính cách này mà bánh tét, “đặc sản” Tết của người miền Trung cũng được chế biến kiểu "đòn gánh" và hạn chế tối đa việc phối trộn các loại nguyên liệu, để bảo quản được lâu. Chính vì vậy, vỏ bánh chỉ dùng nếp, còn nhân thì sử dụng đậu xanh (hoặc đậu phụng) và được bó chặt, nấu chín kỹ. Ngay cả món ăn kèm bánh tét là dưa món, được làm từ củ kiệu, đu đủ, củ cải, cà rốt, củ hành... và thịt heo ngâm nước mắm, cũng được chế biến khá mặn, để dùng được lâu.

Phóng khoáng mâm cỗ miền Nam

Miền Nam được thiên nhiên phú cho điều kiện thời tiết ôn hòa, đất đai trù phú, sản vật dồi dào, nên mâm cỗ Tết của người miền Nam cũng phong phú và đa dạng, cách bày biện cũng phóng khoáng. Các món chính: Khổ qua nhồi thịt, thịt kho trứng vịt nước dừa, tôm khô củ kiệu, gỏi ngó sen, lạp xưởng và bánh tét, bánh ít.

Thoạt trông, mâm cỗ miền Nam có vẻ “bất quy tắc”, nhưng thực tế, nó đã được người dân nơi đây lựa chọn kỹ lưỡng theo triết lý “Ngũ hành”: Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ. Theo quan niệm của người miền Nam, tính chất của mỗi món ăn thể hiện một trạng thái ngũ hành, giúp cân bằng năng lượng trong cơ thể. Vì vậy, mâm cỗ Tết phải có đủ các vị chua, cay, ngọt, mặn và đắng.

Cũng như miền Trung, bánh tét là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết. Nhưng bánh tét miền Nam được “biến tấu” đa dạng về màu sắc và hình dạng. Vỏ bánh là nếp trộn với dừa nạo, hạt điều, đậu đen hoặc nếp cẩm, lá dứa để có nhiều màu sắc. Nhân bánh ngoài đậu xanh, thịt mỡ, còn có nhân chuối, đậu xanh trứng muối, thập cẩm... Ngoài hình “đòn gánh”, bánh tét miền Nam còn được tạo hình chữ (Phúc-Lộc-Thọ), hoặc hình thú.

Ngoài mâm cỗ, mâm ngũ quả và hoa chưng Tết ở 3 miền cũng rất khác biệt. Nếu người dân miền Bắc chuộng hoa đào, chưng phật thủ, chuối, bưởi, cam, quất, táo, thì người miền Nam lại thích hoa mai, chuộng mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ và xoài với mong muốn cầu-vừa-đủ-xài. Còn người miền Trung thì tâm niệm “có gì cúng nấy”, nên bày biện các loại trái cây theo ý thích, nhưng họ không chưng cam, quýt vì quan niệm “cam đành, quýt đoạn”.

Tuy có nhiều điểm khác biệt, nhưng tựu chung, mâm cỗ, mâm ngũ quả Tết của người dân 3 miền Bắc-Trung-Nam đều mang đậm dấu ấn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Qua mâm cỗ Tết, con cháu muốn bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ để có một năm mới đầm ấm, sum vầy và may mắn.


THANH PHONG


.