Rượu cần mang hương vị đại ngàn

10:01, 31/01/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Những ngày giáp Tết, ai có dịp đến vùng cao Quảng Ngãi, cũng sẽ say lòng bởi hương thơm từ những ché rượu cần ẩn trong những nếp nhà sàn đơn sơ của đồng bào H’rê. Độc đáo ở chỗ, rượu cần của họ được làm từ chất men tự nhiên của đại ngàn.
 
Nức tiếng trong vùng vì cách ủ rượu cần ngon hiếm có, bà Phạm Thị Ố ngụ ở thôn Ba Nhà, xã Ba Giang (Ba Tơ) đã nắm trong tay bí quyết này từ năm 20 tuổi. Đến nay, gần 70 tuổi, mỗi dịp Tết đến xuân về, bà Ố vẫn miệt mài bên các công đoạn tạo ra những chum rượu thấm đượm hương vị của núi rừng.
 
“Ở đây, để làm rượu cần thì có nhiều người biết lắm. Nhưng làm ra một ché rượu thơm ngon, đúng theo hương vị đặc trưng đâu phải dễ. Vì bây giờ, người ta toàn dùng men công nghiệp để ủ. Chứ có tự làm men tự nhiên như già nữa đâu”- bà Ố cho hay.
 
Trong một lần hiếm hoi, bà Ố giúp chúng tôi được mục sở thị quy trình tạo nên hương vị khó quên của rượu cần của người H’rê. Bí kíp nấu rượu thành công phần lớn phụ thuộc vào men. Ấy là chất men tự nhiên được làm từ những vật phẩm của núi rừng.
 
Nguyên liệu để làm men tự nhiên ủ rượu cần đều là vật phẩm từ núi rừng như: vỏ cây men rừng, lá trầu không, trấu, gừng...
Nguyên liệu để làm men tự nhiên ủ rượu cần đều là vật phẩm từ núi rừng như: vỏ cây men rừng, lá trầu không, trấu, gừng...
Sau một hồi vất vả leo rừng, lội suối, bà Ố mang trở về với một nong cây rừng, lá trầu không, trấu, gừng… Để tạo ra men tự nhiên, người làm phải tuân thủ đúng và đủ các công đoạn. Đầu tiên, chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu đã nêu trên, đem rửa sạch và giã thật nhuyễn. Sau đó, bà Ố vo tròn hỗn hợp đã giã, đem ủ và phơi trên gian bếp từ nửa tháng trở lên. Men đã làm xong, được thả trực tiếp vào ché rượu có sẵn các nguyên liệu nấu chín.
 
Theo bà Ố, rượu cần được làm từ men tự nhiên có thể nấu từ củ mỳ, gạo lúa rẫy hay bắp, khoai. Nhưng hương vị ngon nhất phải từ gạo lúa rẫy. Do vậy, năm nào, gia đình bà cũng trồng lúa rẫy để làm nguyên liệu nấu rượu.
 
Một ché rượu cần có thể uống sau 1 tuần vào mùa nắng, 3 tuần vào mùa mưa. Nhưng rượu càng ủ kỹ, để càng lâu càng ngon, càng đậm đà và nồng nàn hương vị. Do đó, để chuẩn bị cho Tết nguyên đán sắp tới, bà Ố đã ủ rượu từ cách đây nhiều tháng.
 
Một ché rượu cần chuẩn vị truyền thống có màu trắng đục. Khi uống một ngụm, rượu lúc đầu có vị chua cay nơi đầu lưỡi, nhưng ngay sau đó hương vị nồng nàn, ngọt dịu lập tức thay thế. Anh Phạm Văn Tiêu cho hay: Rượu cần làm từ men rừng hay ở chỗ, uống say thế nào cũng không bị đau đầu, mà chỉ cần sau giấc ngủ thì người cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu trở lại.

 

Rượu cần ủ từ men cây rừng là món lễ vật quý của đồng bào H’rê, được sử dụng trong các dịp lễ, Tết quan trọng
Rượu cần ủ từ men cây rừng là món lễ vật quý của đồng bào H’rê, được sử dụng trong các dịp lễ, Tết quan trọng
Rượu cần ủ từ men cây rừng được đồng bào H’rê ở vùng cao Quảng Ngãi xem là món lễ vật không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết quan trọng. Thức uống ấy sau khi được cúng tế cho núi rừng, thần linh thì trở thành chất men say lòng của đồng bào ở phần hội.
 
Tết ngã rạ, lễ cúng trâu hay mừng Tết truyền thống, người H’rê không quên chuẩn bị những ché rượu cần với hương vị nồng nàn của đại ngàn để chúc nhau chén rượu ngày xuân, với cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm êm, dân làng no đủ....
 
Qua thời gian, hương vị rượu cần đang ngày càng phai nhạt. Bởi, chất men tự nhiên đang dần nhường chỗ cho men nhân tạo. Tuy giá thành rẻ, ít công kỹ, nhưng rượu ghè làm từ men công nghiệp lại làm phai đi hương vị nồng nàn, đậm chất vùng cao. Hơn nữa, cây rừng để làm men ngày càng hiếm hoi, vì phải nhường chỗ cho rừng keo nguyên liệu.
 
Làm sao để giữ được chất men truyền thống từ cây rừng, như bà Ố vẫn kiên trì giữ mấy chục năm qua. Băn khoăn ấy cứ quanh quẩn trong đầu chúng tôi trên đường xuống núi, quay lưng trở về với phố thị nhộn nhịp…
 
Thực hiện: Thanh Phương

.