Gánh ve chai những ngày cuối năm

11:01, 24/01/2019
.
(Baoquangngai.vn)- “Ai nhôm nhựa bán không. Ai ve chai bán không…!”- tiếng rao của những người làm nghề thu mua ve chai phế liệu đã quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Những ngày cuối năm, tiếng rao ấy dường như gấp gáp, hối hả hơn, bởi họ đang chạy đua với thời gian còn lại của năm cũ, mong kiếm thêm được chút tiền để trang trải cho cái Tết.
Mùa “ăn nên làm ra”
 
Cuối năm, khi các gia đình dọn dẹp nhà cửa, bỏ đi những thứ không sử dụng để nhà cửa thêm gọn gàng, sạch sẽ hơn trong năm mới thì cũng là dịp “làm ăn được” của đội ngũ thu mua ve chai, phế liệu. Từ thôn quê cho đến thành thị, gánh ve chai nào cũng nặng trĩu, bội thu bao nhiêu thứ bỏ đi.
 
“Làm nghề này, những ngày cuối năm là chúng tôi “ăn nên làm ra” nhất. Bởi dịp này ai cũng dọn nhà cho gọn gàng, bán đi những món đồ cũ, không xài nữa. Nên mấy ngày này, có rớt thêm nhiều mồ hôi, chúng tôi vẫn thấy “khoẻ trong người” khi thu mua được nhiều hơn ngày thường”- chị Trần Thị Thương (45 tuổi) ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) cho biết..
 
Theo chị Thương- người có thâm niên nhiều năm trong nghề thu mua ve chai chia sẻ, ngày bình thường, có khi đạp xe cả ngày khắp các hang cùng ngõ hẻm cũng chỉ mua được vài ký giấy vụn, vỏ lon, còn mấy ngày cuối năm này, chỉ cần dạo qua vài tuyến đường, ngõ hẻm là đã thu mua được đầy xe đồ phế liệu. 
 
Các điểm thu mua ve chai những ngày này khá rộn ràng vì những chuyến hàng đầy ắp của các chị em thu mua ve chai mang về bán
Các điểm thu mua ve chai những ngày này khá rộn ràng vì những chuyến hàng đầy ắp của các chị em thu mua ve chai mang về bán
 
Vừa giúp chị Thương cột lại số hàng mới thu mua lên chiếc xe đạp cũ kỹ, chị Nguyễn Thị Huệ (46 tuổi) cũng ở xã Nghĩa Thương “phụ họa” thêm: Với cánh ve chai chúng tôi, những ngày cuối năm là thời gian "hốt bạc". Bình thường thì chỉ được khoảng năm, bảy chục, một trăm nghìn đồng/ngày. Chứ dịp này  “trúng mối” một ngày, trung bình mua và bán từ 3 -4 lượt, thì có thể được 300 nghìn- 500 nghìn đồng/ngày. So với những ngày bình thường thu nhập của chúng tôi tăng lên gấp nhiều lần. 
 
Tuy nhiên, để có những thu nhập tăng lên như vậy, cũng đồng nghĩa với quãng đường họ đi càng xa, có khi 10 - 15km là chuyện thường tình của cánh ve chai những ngày giáp Tết. Nói như những người thu mua ve chai là cũng vã mồ hôi lắm mới có được. Dù vậy, các “chuyến hàng” của họ vẫn đầy ắp niềm vui vì có thêm thu nhập, trang trải cho cái Tết sắp đến. 
 
Cho cái Tết thêm đủ đầy
 
Cận Tết, khắp các phố phường tràn ngập sắc hoa và không khí một năm mới đang cận kề, nhưng với những người lao động nghèo nói chung và những người thu mua ve chai nói riêng, họ những vẫn miệt mài làm việc. Với họ, cuối năm là dịp họ chạy đua với thời gian còn lại của năm cũ, những mong kiếm thêm được chút tiền để trang trải cho cái Tết.
 
Bất chấp nắng mưa, sương gió, từ 6-7h sáng, họ đã ra khỏi nhà bắt đầu hành trình “kiếm cơm” đến khi nhá nhem tối mới trở về nhà. “Trang thiết bị” hành nghề của họ chỉ là chiếc xe đạp cà tàng hay đôi quang gánh, một chiếc cân nhỏ, vài chiếc bao để đựng phế liệu và một cọc tiền lẻ. Họ rong ruổi trên mọi nẻo đường, len lỏi vào từng ngõ hẻm để thu mua đủ thứ thượng vàng hạ cám mà người ta bỏ đi, từ sách cũ, bìa các tông đến nhôm, sắt vụn…
 
Trên những chiếc xe đạp cũ, những người thu mua ve chai rong ruổi khắp các tuyến đường, ngõ hẻm để mưu sinh
Trên những chiếc xe đạp cũ, những người thu mua ve chai rong ruổi khắp các tuyến đường, ngõ hẻm để mưu sinh
 
Đi thu mua ve chai đã nhiều năm nay, đã quen với guồng quay của công việc, bà Sương (57 tuổi) ở phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ: Làm công việc này vất vả lắm, vừa nặng nhọc, vừa hôi hám... Nhưng do mình ít vốn, không nghề nghiệp thì phải kiếm cơm bằng nghề này. Tết nhất đến nơi rồi cố gắng làm nhiều hơn, đi nhiều hơn để có thêm đồng ra đồng vào trang trải cho mấy ngày Tết. 
 
Cũng như bà Sương và nhiều chị em phụ nữ thu mua ve chai khác, đi làm những ngày này, không chỉ đơn giản là làm để kiếm tiền lo bữa ăn hằng ngày, mà là kiếm tiền để sắm sửa trong dịp Tết, sắm cho con thêm bộ đồ mới và lo cho cái Tết đủ đầy hơn. 
 
Người thu mua đồng nát đủ mọi lứa tuổi nhưng đa số là phụ nữ. Cuộc sống của họ với bao niềm vui, nỗi buồn nhưng đó là kế sinh nhai. Mỗi vòng xe của họ là sự háo hức, mỗi tiếng rao là sự nhẫn nại… Họ chỉ có một mong muốn là mua được nhiều hàng để người thân có Tết ấm. 
 
Những ngày giáp Tết, những vòng xe, những bước chân đó lại càng hối hả hơn. Dù nắng hay mưa… Họ vẫn bước đi. Có lẽ, họ đã thấy điều gì đó đang đợi phía trước. Như là hạnh phúc buổi sum vầy, như là nhịp bước mùa Xuân…
 
H.P
 
 

.