Bồi hồi hương nếp ngày xuân

10:01, 30/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi những cánh én đầu tiên báo hiệu xuân về, cũng là lúc lòng tôi lại bùi ngùi nhớ về những năm tháng cả gia đình quây quần gói bánh bên nong nếp thơm lừng. Không biết tự bao giờ, hương thơm của nếp lại quyện vào lòng tôi da diết, gợi nhớ Tết quê.

TIN LIÊN QUAN

Mùa xuân năm ấy. Mùa xuân mà chút gió se lạnh đầu mùa khi ùa qua ngôi nhà vách đất trống huơ, cũng đủ sức khiến mấy chị em chúng tôi cùng co ro. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, nhưng cũng như bao gia đình khác trong làng, bà tôi vẫn gắng chắt chiu, dành dụm để chuẩn bị đón xuân.

 Những ngày cuối tháng Chạp, bà tôi lại mang nếp ra chuẩn bị đủ loại bánh mừng xuân. Ảnh: Ý THU
Những ngày cuối tháng Chạp, bà tôi lại mang nếp ra chuẩn bị đủ loại bánh mừng xuân. Ảnh: Ý THU


Nói là chuẩn bị, chứ có nhiều nhặn gì đâu, ngoài những vốc gạo nếp được bà cất công gieo sạ trên khoảnh đất cỏn con trong hóc núi, cách nhà hàng cây số. Bà trân quý từng hạt nếp, bởi Tết của cả nhà đều gói gọn trong đấy. Những hạt nếp trắng ngần, bé nhỏ ấy là nguyên liệu để làm đủ loại bánh trái ngày xuân. Bánh ít, bánh chưng, bánh tét, bánh nổ, bánh in... bánh nào cũng được chế biến từ nếp nguyên chất.

Cứ thế, bắt đầu từ ngày hai mươi mấy cho đến tận đêm giao thừa, hương nếp thơm nồng nàn cứ quẩn quanh khắp nhà tôi. Ấy là mùi thơm của nếp từ lúc bà mới ngâm, đãi qua đêm cho đến khi vớt ra để ráo, rồi gói cùng lá dong, lá chuối, mùi thơm của nếp vẫn cứ dịu dàng lan tỏa. Ấy là mùi thơm của gạo nếp xay nhuyễn, tỏa ra từ chiếc cối đá, cứ chậm rãi phát ra tiếng ù ù theo vòng tay xoay cối đều đặn của ba tôi.

Sau khi xay, ép bỏ nước, khối bột nếp trắng ngần, thơm tho ấy được bà tôi nhào cho đến khi dẻo quánh lại với bột lá gai để làm vỏ bánh ít. Qua đôi bàn tay khéo léo của bà, hạt gạo nếp không chỉ dùng làm bánh Tết, mà còn được bà mang đi nấu xôi, nấu chè cúng giao thừa... Chỉ với dăm ang nếp đơn sơ, mà nhà tôi đã có đủ các món ngon đãi Tết với muôn vàn hương vị khác nhau.

Không giống như những cái Tết bây giờ, Tết quê tôi ngày ấy tuy thiếu thốn, nhưng đầy ắp nghĩa tình. Nhà nào bận rộn không kịp gieo nếp, thì được hàng xóm láng giềng sẻ chia. Cái thú gói bánh từ gạo nếp, khiến những ngày giáp Tết ở quê trở nên rộn ràng, đông vui hẳn.

Bên bếp lửa bập bùng nổi lên khắp làng là từng nồi bánh chưng, bánh tét làm từ gạo nếp réo sôi ùng ục; là tiếng cười nói xôn xao của các bà, các mẹ ngồi quây quần bên nhau rang nếp, sên đường, sên gừng chuẩn bị cho mẻ bánh nổ sắp sửa đưa vào khuôn... Mùi nếp thơm vừa dịu dàng, vừa nồng nàn đủ để lòng người trở nên ấm lại trước những đợt gió lạnh, mưa phùn những ngày cuối năm...

Thời gian trôi qua, cách đón Tết của mỗi nhà dần khác. Quê tôi bây giờ chẳng có mấy ai tự tay trồng khoảnh lúa nếp để dành cho Tết, cũng chẳng còn mấy nhà gói bánh đón xuân. Bánh chưng, bánh tét, rồi đến xôi nếp, chè nếp cúng giao thừa... đều được người ta bày bán sẵn.

Thời hiện đại, cái gì cũng thuận tiện hơn hẳn. Thế nhưng, khi những đợt mưa phùn bắt đầu lác đác trên phố chiều cuối năm, lòng tôi bất giác lại ao ước được hít hà đến no nê hương nếp quyện hòa cùng vị khói bếp của ngày thơ bé, để được sống lại không khí Tết ấm áp của những ngày xưa cũ...


 ĐÔNG YÊN


.