Nhộn nhịp sắm lễ tiễn ông Công ông Táo

07:01, 19/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Theo phong tục cổ truyền của người Việt, bắt đầu từ đêm 22 đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp, người dân cúng lễ tiễn ông Táo về chầu trời báo cáo việc bếp núc, những điều tốt xấu trong một năm của gia đình. 

TIN LIÊN QUAN

 
Theo quan niệm dân gian, ba vị thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Ông Táo đã canh bếp giữ lửa cho gia đình suốt một năm nên ngày tiễn đưa ông về trời, người dân sắm sửa lễ vật để tỏ lòng biết ơn, cũng là cầu mong sự bình yên, sung túc cho gia đình trong năm mới. 
 
Trong ngày này, mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa, bếp núc sạch sẽ và chuẩn bị lễ để tiễn ông Táo về Trời. Đốt vàng mã hay thả cá phóng sinh cũng trở thành truyền thống trong ngày này. 
 
Những bà nội trợ mua hàng mã diể tiễn ông Công ông Táo.
Những bà nội trợ mua hàng mã để tiễn ông Công ông Táo.
 
Tùy theo từng gia đình mà việc sắm lễ cúng khác nhau. Tuy nhiên, đa số các lễ cúng đều không thể thiếu bánh kẹo, trầu cau, rượu, hoa quả, bộ quần áp và cá chép.
 
Các cửa hàng, sạp bán hàng mã tại các chợ bày bán la liệt đồ lễ cúng ông Công, ông Táo từ giấy, giày, mũ, quần áo tới điện thoại, xe máy, xe hơi… và phong phú giá cả. Các sạp trái cây, hoa, bánh, mứt truyền thống cũng nhộn nhịp kẻ mua người bán. 
 
Theo khảo sát, giá vàng mã không tăng giá so với mọi năm. Bộ giấy cúng tiễn và rước ông Táo kèm theo trầu câu, vàng mã và 3 con cá chép giấy nhỏ chỉ có giá 20.000 đồng. Cá chép lớn có giá 10.000 - 12.000 đồng/con; bộ quần áo cho hai ông Táo và bà Táo có giá 60.000 đồng.
 
Bà Võ Thị Nghị, một tiểu thương bán hàng mã tại chợ Quảng Ngãi cho biết, điểm khác biệt so với những năm trước là năm nay, các bà nội trợ chỉ sắm những đồ dùng cần thiết, giá cả bình dân cho ngày ông Công, ông Táo như trái cây, hoa, giấy, cá chép giấy, bộ quần áo và bánh truyền thống. Còn những loại hàng mã xa xỉ như điện thoại, xe máy, ô tô, nhà lầu, tivi có giá từ 100.000 đồng trở lên rất ít người hỏi mua. 
 
Các quày, sạp bán trái cây cũng nhộn nhịp ngay từ sáng sớm.
Các quày, sạp bán trái cây cũng nhộn nhịp ngay từ sáng sớm.
 
Chị Nguyễn Thị Minh, ở phường Nghĩa Lộ (TP. Quảng Ngãi) vừa mua bộ lễ quần áo, mũ, giày cho ông Công, ông Táo tại một sạp hàng mã ở chợ Quảng Ngãi chia sẻ: “Mình thấy nhiều gia đình chuẩn bị đồ lễ cúng ông Táo với đủ thứ đồ, vàng mã mua cả mấy bao tải rồi đốt cả buổi cả ngày, như vậy là lãng phí vừa ô nhiễm khói bụi. Tôi chỉ sắm lễ đơn giản với sự thành tâm, tấm lòng của mình như hoa, trái cây, vàng mã và bộ đồ ông Táo, bà Táo chứ không lãng phí, mê tín di đoan”.
 
Cùng với hàng mã, các trại giống cũng nhộn nhịp ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Đắt hàng nhất là cá chép đỏ loại trung, màu sắc đẹp, giá cả phải chăng.
 
Chủ một trại cá giống ở phường Trương Quang Trọng (TP. Quảng Ngãi) cho biết, năm nào anh cũng dự trữ vài nghìn cá chép đỏ để phục vụ nhu cầu phóng sinh trong dịp tết.
 
Cá chép đỏ
Không ít gia đình có thói quen cúng rồi thả cá chép ngày ông Táo về trời để phóng sinh.
 
Loại cá chép đỏ bằng một ngón tay chỉ có gía 4.000 đồng/con, tăng 1.000 đồng/con so với năm ngoái; cỡ trung có giá 25.000 - 50.000 đồng/con. Nhiều khách hàng chuộng loại cá chép giống Ấn Độ đuôi dài vây to có giá 100.000 - 120.000 đồng. 
 
Theo quan niệm dân gian, cá chép sống sau khi làm lễ sẽ được thả ra ao, hồ ngụ ý hóa rồng để cá chở Táo quân lên chầu Trời. Thả cá chép tiễn ông Táo là một phong tục ý nghĩa dịp tết đến xuân về, cầu chúc một năm mới tốt lành, vạn sự như ý, còn mang ý nghĩa phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam ta.
 
Vì thế, việc thả cá chép phải nhẹ nhàng để tránh va chạm mạnh làm cá chết. Không nên thả cả bao ni lông gây ô nhiễm môi trường. Mỗi người cần có ý thức để những phong tục này thực sự đẹp, với ý nghĩa và mãi lưu truyền.
 
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.