Đạo hiếu ngày xuân

07:01, 31/01/2015
.

Chữ hiếu ở thời đại nào cũng được đặt lên hàng đầu. Vào tiết xuân, trong không khí tươi mới của đất trời, người ta càng thấm thía về niềm hạnh phúc của sự sum họp. Nhưng, trong sự tất bật của cuộc sống hiện đại, đâu đó chữ hiếu đang bị bỏ quên...
 
I. Chiều mùng 1 Tết, một người bạn của tôi nhắn tin, "ông ngoại anh mất rồi". Gọi điện lại, giọng anh trùng xuống, nỗi buồn như lan toả hơn khi bảo: Thế là ông được siêu thoát rồi.
 
Mặc dù quan niệm “sinh dữ, tử lành”, nhưng tin ông của người bạn về với tổ tiên cứ ám ảnh tôi trong mấy ngày Tết. Cũng bởi, ông lại mất khi vừa được chuyển đến trại dưỡng lão mấy hôm, ông được chuyển để lánh cái lạnh lẽo ngày Tết, lạnh lẽo vì không có người trông nom, vì osin về ăn Tết… Hôm nghe tin ông được đưa đến trại dưỡng lão Đông Ngạc, cô bạn tôi cứ gắt gỏng, lý do gì lại đưa ông đến trại dưỡng lão. Ngày Tết là ngày mọi người sum vầy với nhau, vì sao lại để ông ở trại dưỡng lão. Thậm chí, cô bạn tôi còn gào lên trong điện thoại khi nói chuyện với tôi: Không có người giúp việc mà đẩy ông đi trại dưỡng lão để được nhàn thân thì còn gì đạo hiếu nữa….
 
Vậy mà những trách móc ấy lại thành sự thật khi ông bỏ mọi thứ lại trần gian để “đi mây, về gió”…
 
 Đi chùa ngày xuân
Đi chùa ngày xuân
Chiều cuối năm, gió lạnh cứ lùa vào da thịt, giữa những dòng người hối hả sắm sửa Tết, giữa những thông tin về giá quất, giá đào, những lo toan vì Tết này sẽ không có hoa tươi để cắm… anh bạn đồng nghiệp của tôi trầm ngâm: Ba năm rồi, chẳng năm nào nhà anh mua đào, quất. Bởi, quất và đào là sự tượng trưng cho sự sum vầy, quây quần của ông bà, bố mẹ, con cái trong những ngày xuân. Vì thế, khi bố mất, mọi người cũng từ bỏ thói quen ngắm quất, mua đào.
 
Tâm sự của anh bạn làm tôi bần thần khi đi lựa quất, đào cho gia đình vào những ngày cuối năm.
 
Đúng là theo quan niệm dân gian bao đời nay, ngày Tết là ngày sum họp của người thân, của gia đình, bè bạn. Chính bởi vậy, ngày Tết luôn luôn ấm áp, dù thời tiết có lạnh lẽo đến đâu. Vậy mà trong những ngày Tết lại có người lánh Tết để tránh lạnh lẽo.
 
Trong cuộc điện thoại với bạn, cố gắng vớt vát cho việc ông của mình mất vào ngày Tết, lại ở không gian của trại dưỡng lão, anh bạn bảo, ông được đón đi vì quá cô đơn, vì không có ai bên cạnh chăm sóc. Có lẽ cũng phải, bởi, ông có con trai, con gái đủ đầy mà chẳng đứa con nào nuôi bố. Thấy con cái tranh giành, tị nạnh nhau về việc nuôi bố, anh bạn tôi, chỉ là cháu ngoại đã xin phép mọi người để đón ông về nhà nuôi. Đã có một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng anh về quyết định nuôi ông ngoại. Cuối cùng, những lập luận để bảo vệ đạo hiếu của anh cũng chiến thắng. Vợ anh đã vui vẻ nhận trách nhiệm chăm sóc cả ông ngoại của chồng và bố chồng. Những lần đến nhà anh chơi, tôi luôn cảm thấy ấm áp về không khí sum vầy của gia đình anh. Nhưng, cuộc sống đúng là muôn màu, không ai có thể nghĩ khi ông mất lại trong tình cảnh thân cô thế cô như thế, dù con cái đủ đầy...
 
II. Bình thường, tôi cũng là người hay tẩn mẩn về chuyện đạo hiếu. Bởi rất nhiều gia đình phát sinh mâu thuẫn chỉ vì hai chữ này. Hiếu với bố mẹ đẻ quá sẽ làm vợ/chồng khó chịu, rồi quan niệm "bên trọng, bên khinh". Cũng có nhiều gia đình, vợ chồng bất hoà với nhau chỉ vì  chồng quá chăm lo cho mẹ, bởi quan niệm "mẹ chỉ có một, còn vợ/chồng có thể lấy được ít nhất là hai người". Ngay bản thân tôi, khi đi lấy chồng, cũng phải "mặc cả" với chồng về chuyện hiếu lễ với bố mẹ đẻ.
 
Cũng do hoàn cảnh, mấy năm nay, chưa Tết nào nhà tôi đông đủ. Người ở Nam, kẻ ở Bắc, đến ngày Tết, khi nhà nhà rộn ràng với Tết, khi rửa lá gói bánh chưng, khi đun nồi nước mùi để tắm cuối năm, khi đi tạ mộ người thân, trong tôi luôn có tâm trạng "tủi tủi". Cái tủi của người thiếu thốn tình cảm thân tộc. Cũng chẳng có khoảng thời gian nào trong năm, tôi lại hay tần ngần ngắm nghía cuộc sống của những người quanh mình như thế. Ngày cuối năm, dù có bận rộn đến đâu, tôi vẫn cố gắng "lấy lòng" người thân đặc biệt là những người lớn tuổi trong nhà. Cái cảm giác được nũng nịu ông bà, bố mẹ là cảm giác cực kỳ đặc biệt, nhất là trong những ngày xuân.

Trong muôn vàn cảm xúc của ngày xuân, điều tôi trông đợi nhất là được đi ăn mừng thọ. Theo truyền thống của người Việt từ Bắc chí Nam, đầu năm cũng là thời điểm con cái tổ chức mừng thọ cho cha mẹ. Năm nào nhà có người lên lão, được hưởng tuổi của trời cho, thì ngày mừng thọ còn ăn to hơn ba ngày Tết. Con cái tứ xứ cũng về tụ hội cùng chia sẻ niềm hạnh phúc. Bởi, đấy là dịp để con cháu tự hào về người thân. Bởi, nhà phải có phúc lắm, mới có người thân được mừng thọ. Ngày tổ chức, cũng là ngày "loan báo" với bà con láng giềng về phúc phận của gia đình.
 
Tự hào là thế mà năm nay, bác tôi lại khóc ròng trong chính ngày mừng thọ của mình. Nhờ lộc giời, bác tôi năm nay lên 70. Con cái bàn nhau tổ chức mừng thọ cho bác, dự định làm 15 mâm tất cả. Theo tính toán của bác, chia đều cho các đầu con, ngần ấy mâm cỗ cũng không phải là quá vất vả. Nhưng, mọi chuyện bỗng trở thành chuyện buồn khi anh con trai cả lẩm bẩm: "Thiên hạ đang thắc mắc vì sao con đưa quá nhiều tiền cho bà như thế, lẽ ra chỉ đưa cho bà 1 triệu để làm cỗ thôi".
 
Vấn đề là, số tiền anh con trai cả đưa cho bác đâu có nhiều nhặn gì cho cam, chỉ 1,5 triệu đồng. Bác bảo tôi, con đưa chẳng nhẽ không cầm, nhưng cầm tiền mà lòng thấy như có ai xát muối. Ngày mừng thọ, người thân, láng giềng, bạn bè xa gần đều đến chúc phúc, bác cười ngoài mặt mà lòng héo hắt.  
 
Nhìn nụ cười méo mó của bác, tôi nghĩ đến mẹ. Mấy năm nay, cứ mỗi một mùa xuân mới về, sức khỏe của mẹ lại giảm sút. Sức sống của mẹ mong manh đến nỗi, gặp mẹ tôi chỉ dành thời gian để nhìn, để cố thu thật kỹ hình ảnh của mẹ vào lòng. Câu hát "mẹ già như chuối chín cây; gió lay mẹ rụng..." cứ lẩn quất đâu đó mỗi khi tôi nghe điện thoại báo tin về sức khỏe của mẹ. Chính bởi tâm trạng ấy mà lúc nào tôi cũng thấy "nhớ mẹ", dù nhìn thấy, được mẹ nấu nướng cho ăn hay nhận một phần quà nào đó mẹ để dành cho tôi mỗi khi tôi ghé thăm nhà. 
 
Cũng bởi có mẹ, nhận được sự quan tâm của mẹ mà tôi thấy thấm thía được tâm trạng của một người bạn tôi. Rất nhiều lần anh bị rơi vào cuộc chiến tranh không cân sức giữa mẹ và vợ, cũng chỉ vì anh muốn thể hiện sự hiếu thuận với mẹ một tý, chăm sóc mẹ một tý để bù đắp phần nào công lao dưỡng dục mẹ dành cho anh. Anh bảo, ngày thường, người già có thể tự lo cho cuộc sống, nhưng trong ngày Tết, sự chăm sóc gần gũi của con cháu là niềm hạnh phúc khó đong đếm của các bậc làm cha, làm mẹ, Có lẽ thế mà giữa tình và hiếu, nếu buộc phải chọn, anh sẽ chọn chữ hiếu. Cũng bởi, hạnh phúc là thứ có thể tự tạo ra, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng tình thân thì không phải lúc nào cũng có sẵn, cũng muốn mà có và có thể chạm vào bất kể khi nào muốn...
 
Theo VnMedia

.