Những năm Ngọ vẻ vang trong lịch sử dân tộc

09:01, 31/01/2014
.

Trong lịch sử dân tộc ta, những năm Ngọ có vị trí trang trọng, ghi dấu bước phát triển của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Năm Canh Ngọ (550): Triệu Quang Phục giành lại quyền tự chủ đất nước

 

Từ sau khi Nhà nước Vạn Xuân được thành lập, chính quyền phong kiến phương Bắc không ngừng tìm cách đánh phá để thống trị nước ta.

Năm 550, vua nhà Lương cho Trần Bá Tiên giữ chức Thứ sử Giao Châu, tiếp tục đàn áp dân ta. Nhưng do trong nước có loạn Hầu Cảnh (548-552), vua Lương phải gọi gấp Trần Bá Tiên đem quân về ứng cứu.

Ở Giao Châu chỉ còn Dương Sàn chỉ huy quân sỹ đương đầu với  Triệu Việt Vương. Nhân cơ hội ấy, tháng Giêng năm Canh Ngọ 550, Triệu Quang Phục đem quân phản công, giết Dương Sàn, lấy được thành Long Biên và giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước.

Năm Bính Ngọ (766): Khởi nghĩa Phùng Hưng

Năm 766, Phùng Hưng, người quận Đường Lâm (nay thuộc Sơn Tây, Hà Nội) do căm ghét chính sách thống trị của quan lại nhà Đường, và nhân lòng căm phẫn của nhân dân, Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ nhà Đường.

Phùng Hưng đem quân vây đánh thành Tống Bình (Hà Nội). Do quân lính chết nhiều, Cao Chính Bình (viên quan nhà Đường đô hộ nước ta) phải vào cố thủ trong thành, lo sợ phát  ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và coi việc chính sự đất nước.

Khi mất (năm 791), Phùng Hưng được nhân dân lập đền thờ và tôn là Bố Cái Đại Vương để ghi nhớ công lao đánh giặc cứu dân.

Năm Giáp Ngọ (1054): Nhà Lý đổi tên nước là Đại Việt

Ngày mồng 1 tháng 10 năm  Giáp Ngọ 1054, Vua Lý Thái Tông mất, Thái tử Nhật Tôn lên ngôi kế vị, (tức Lý Thánh Tông). Vua Lý Thánh Tông cho đổi tên nước là Đại Việt (tên trước là Đại Cồ Việt). Việc đổi tên nước tỏ rõ niềm tự hào dân tộc.

Năm Mậu Ngọ (1258): Kháng chiến chống Nguyên-Mông lần 1 thắng lợi

Năm 1258, tướng nhà Nguyên là Ngột Lương Hợp Thai đưa 3 vạn kỵ binh, bộ binh chia quân làm hai cánh theo đường sông Hồng tiến đánh Đại Việt.

Vua Trần Thái Tông cử Trần Quốc Tuấn đưa quân lên mạn biên giới án ngữ địch và tổ chức tuyến phòng ngự ở Bình Lệ Nguyên (phía Nam Phú Thọ ngày nay).

Trước thế giặc đang mạnh, vua Trần quyết định lui quân về phía nam, bảo toàn lực lượng. Sau đó triều đình chủ trương rời khỏi Thăng Long thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”, lui về Thiên Mạc (Duy Tiên, Hà Nam).

Quân Nguyên-Mông dù không gặp phải sự kháng cự nào nhưng càng ở lâu trong thành Thăng Long càng thiếu lương thực, tinh thần dao động. Thừa cơ, vua tôi nhà Trần đã ngược sông Hồng tổ chức trận phản công quyết liệt ở Đông Bộ Đầu.

Bị đánh bật ra khỏi kinh thành, quân giặc tháo chạy ngược theo sông Hồng về phía Vân Nam. Quân dân nhà Trần đã đánh bại quân xâm lược.

Năm Nhâm Ngọ (1282): Hội nghị Bình Than

Sau thất bại lần thứ nhất, quân Mông-Nguyên lại rắp tâm xâm lược nước ta lần thứ 2. Trước tình thế vận mệnh đất nước lâm nguy, vào tháng 10 năm Nhâm Ngọ 1282, nhà Trần mở hội nghị Bình Than bàn kế chống quân xâm lược.

Ở hội nghị Bình Than, Vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã trao quyền Tổng chỉ huy quân đội cho Trần Quốc Tuấn; Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân. Chính tại hội nghị này, Trần Quốc Toản vì còn trẻ tuổi nên không được dự đã bóp nát quả cam vua ban đang cầm trong tay rồi về tập trung hơn 1.000 gia nô tụ nghĩa dưới cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” tham gia kháng chiến.

Năm Bính Ngọ (1426): Chiến thắng Tốt Động-Chúc Động

Nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đại thắng quân Minh ở Tốt Động-Chúc Động (thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Trận đánh bắt đầu diễn ra từ sáng ngày 7/11/1426. Cánh quân chính của nhà Minh do Vương Thông chỉ huy hành quân theo đội hình kéo dài. Khi tiền quân của chúng tới Tốt Động thì hậu quân mới vượt khỏi sông Ninh Giang (tức lọt vào trận địa mai phục của ta ở Chúc Động). Khi tiền quân của địch đã lọt vào trận địa mai phục ở Tốt Động và hậu quân đã qua hết sông Ninh Giang, quân mai phục của ta mới nhất tề xông ra đánh. Quân Minh bị chặn đứng rồi tháo chạy. Sau đó, chúng lại lọt vào trận địa của ta ở Chúc Động. Cầu Ninh Kiều bị quân ta phá hủy, và dòng sông biến thành chiến tuyến cản đường rút chạy của địch về Đông Quan. Hàng vạn quân Minh bị giết và bị bắt. Bọn sống sót liều lĩnh vượt qua Ninh Giang bị chết đuối nhiều đến nỗi “… nước Ninh Kiều vì thế mà tắc nghẽn” (Đại Việt Sử ký toàn thư).

Trong trận đánh này, hơn 5 vạn quân Minh bị tiêu diệt, 1 vạn bị bắt sống. Thắng lợi đã tạo tiền đề cho cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta lên giai đoạn phát triển mới.

Năm Bính Ngọ (1786): Chấm dứt thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh

Sau khi đánh tan 5 vạn quân Xiêm và đuổi Nguyễn Ánh khỏi đất Gia Định, Nguyễn Huệ được Nguyễn Nhạc giao nhiệm vụ chỉ huy quân Tây Sơn tiến đánh quân Trịnh ở Phú Xuân (Huế).

Sau thắng lợi ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ tiến quân ra Đàng ngoài. Quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ đã đánh bại các đạo quân họ Trịnh rồi thẳng tiến ra Thăng Long. Chúa Trịnh (bấy giờ là Trịnh Khải) thua trận, trốn chạy rồi bị bắt. Ngày 21/7/1786, Nguyễn Huệ kéo quân vào Thăng Long, lật đổ chính quyền họ Trịnh, và từ đây, đất nước ta chấm dứt thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài gần 300 năm.

Năm Canh Ngọ (1930): Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 3/2/1930 (mồng 5 Tết Canh Ngọ), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản, tổ chức Hội nghị hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mở ra một bước ngoặc lịch sử đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Năm Giáp Ngọ (1954): Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Kể từ chiều ngày 13/3/1954, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17g30 ngày 7/5/1954, Tướng De Castrie và bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống. Trong chiến dịch này, toàn bộ 16.000 quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh.

Chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ dẫn đến việc thực dân Pháp phải  ký Hiệp định Genève (20/7/1954) về lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Sau đó, vào ngày 10/10/1954, bộ đội ta tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Năm Giáp Ngọ (2014): Hiến pháp 2013 có hiệu lực

Sau khi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6, Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

Hiến pháp là văn kiện đặc biệt quan trọng, phản ánh ý chí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tạo cơ sở chính trị-pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới. Việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Cũng trong năm nay, trên đất nước ta còn có những ngày kỷ niệm lớn: 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014); 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954-2014); 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Theo Chinhphu.vn


.