Mưu sinh ngày xuân

10:02, 24/02/2013
.

(QNg)- Trong lúc mọi người đang sum họp đón Tết, vui Xuân bên gia đình thì đâu đó ở những góc phố, con đường vẫn còn không ít mảnh đời phải lam lũ mưu sinh. Với họ, ngày Tết là dịp để kiếm thêm thu nhập tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ…

Lạc lõng chiều cuối năm

Đã chiều 29 tháng Chạp, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hà ở xã Phổ Văn (Đức Phổ) vẫn rảo bước bán từng tấm vé số giữa dòng người xuôi ngược trên đường phố Quảng Ngãi đi mua sắm Tết. Tâm sự với tôi mà đôi mắt chị ngấn lệ: "Nhìn gia đình họ đi mua sắm Tết, vui vẻ bên nhau mà thấy tủi thân. Buồn, nhưng biết làm sao được. Mấy bữa rày tui cũng mua ít đồ Tết gửi về quê rồi. Chỉ tội mấy đứa nhỏ giờ chưa có bộ đồ mới nào thôi" - chị Hà tâm sự. Chia tay tôi, chị tiếp tục rảo bước trong mỏi mệt và khuất dần trên đường phố chiều cuối năm tấp nập người qua lại.  

 

Chị Nguyễn Thị Thu Hà bán vé số để có thêm thu nhập cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà bán vé số để có thêm thu nhập cho gia đình.


Trên tuyến phố Phạm Văn Đồng- nơi được xem là "cung đường mùa xuân" của Quảng Ngãi, bởi hoa, cây kiểng xuân rực rỡ và người qua lại nhộp nhịp. Giữa dòng người đó có rất nhiều phụ nữ, nam thanh nữ tú đang lặng lẽ mưu sinh với những xe đẩy bánh mì, với những túi xách bán hàng rong, bán hoa... Vừa đẩy xe bánh mì vào lề đường, chị Lê Thị Nhàn, phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) cho biết, chị hành nghề bán bánh mì được hơn 10 năm rồi. "Lẽ ra chiều cuối năm này phải nghỉ, lo Tết cho gia đình nhưng vì cuộc sống nên phải làm. Tối 28 tháng Chạp tôi phải thức cả đêm để lo gói vài cây bánh tét để có cái để trên bàn thờ và các con ăn trong ba ngày Tết. Nhà cửa, bánh trái… đều do chồng và các con lo hết. Buôn bán chiều cuối năm này lạc lõng lắm chú ơi!" - chị Nhàn chia sẻ.

Tết mưu sinh

Ngày Tết là dịp để mọi người trong gia đình đoàn viên, nhưng vẫn còn những mảnh đời phải lam lũ mưu sinh. Ngồi lọt thỏm bên góc đường giữa ngã tư Quang Trung - Nguyễn Nghiêm, ông Lê Văn Bình ở xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) bày bán những con lật đật, những đồ lưu niệm cho người đi đường để nuôi hy vọng cho những đứa con tiếp tục đến trường. "Mùng 1 Tết ở nhà lo ông bà. Hôm nay, Mùng 2 Tết đi làm chứ ở nhà các con không biết bám víu vào đâu. Ngày Tết, bán đồ lưu niệm chạy lắm, người mua cũng ít mặc cả, nên thu nhập cũng khá" - ông Bình tâm sự.

Những ngày này, trên mọi dặm đường xuân chúng ta không khó bắt gặp những mảnh đời mưu sinh thầm lặng. Chị Hà Thị Nguyệt, quê xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cho biết, chị hành nghề mua ve chai hơn 3 năm qua, và chưa có mùa Tết nào chị ở nhà vui Xuân đón Tết với gia đình cả. Chị Nguyệt  tâm sự, đi làm mấy ngày này con cái, gia đình sẽ buồn nhưng vì cuộc sống mà thôi. Làm ban ngày, chiều tranh thủ về sớm rồi cùng chồng con đi thăm người thân. Họ đón Tết mình cũng có Tết, nhưng không thể trọn vẹn như bao gia đình khác.

Còn với những bạn sinh viên nghèo, Tết cũng là thời điểm để kiếm thêm thu nhập lo cho những ngày tháng sắp tới. Em Nguyễn Thị Ngọc Ảnh, SV Trường ĐH Phạm Văn Đồng, quê xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) đang làm thêm ở quán cà phê Ocean Blue cho biết, xin vào bán cà phê từ ngày 25 Tết đến mùng 8 Tết. "Mỗi ngày phụ bán ở đây được trả công gần 200 nghìn đồng nên hơn 10 ngày em cũng kiếm được kha khá tiền để qua Tết mua một số dụng cụ lo cho kỳ thực tập sắp tới. Ngày Tết những năm trước thường đi chơi với bạn bè, nhưng năm nay gia đình gặp khó khăn, với lại hai đứa em kế sắp thi vào đại học, nên tranh thủ mấy ngày này kiếm thêm tiền phụ ba mẹ chứ gia đình làm nông nghèo lắm" - Ngọc Ảnh tâm sự.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.