Làm vợ nhà thơ

11:02, 23/02/2013
.

*Thanh Thảo


(QNĐT)- Cho tới cuối cuộc đời nhọc nhằn và không ít buồn khổ của mình, bà Nguyễn Thị Lan, vợ nhà thơ Yến Lan vẫn tự hào khi được làm vợ một nhà thơ như Yến Lan.

Là một người suốt đời lao động, nhưng không phải lao động cầm bút, vậy mà thật lạ lùng, sau khi Yến Lan mất, bà Nguyễn Thị Lan đã lặn lội ra Bắc vào Nam, gặp gỡ những người bạn cũ, những người đã quen biết Yến Lan ngày trước, để cuối cùng, cho ra một tập hồi ký: “ Yến Lan, nhớ mãi về anh”. Đó là tác phẩm của một người phụ nữ nội trợ lần đầu cầm bút viết văn khi đã ngót 80 tuổi.

Không chỉ viết hồi ký về chồng mình, bà Lan còn tỉ mẩn sưu tập tất cả bản thảo của chồng, nhất là những bản thảo chưa được in, trong đó có 500 bài thơ tứ tuyệt Yến Lan viết ở giai đoạn cuối đời, để công bố.

Nếu có huân chương dành cho người biên tập và làm “collection”, thì tôi chắc bà Nguyễn Thị Lan xứng đáng được tặng huân chương loại cao nhất. Bởi việc bà làm, không mấy người làm được, dù có thể họ cũng yêu chồng họ không kém gì bà. Bởi đây là một tình yêu đầy ý thức, đầy trách nhiệm không chỉ với chồng mình, mà cao hơn, là với thơ ca.

Trong cuộc đời mình, bà Lan đã giữ một sự sùng kính đặc biệt đối với thơ ca, với hoạt động sáng tạo của chồng. Trong một bài viết của chị Lâm Thị Bích Thủy-con gái nhà thơ Yến Lan-chị Thủy đã kể về cách mẹ mình đã thu xếp một “khoảng yên tĩnh tuyệt đối” dù rất nhỏ, cho ba mình sáng tác.

Bà Lan coi những hoạt động làm thơ của chồng như một nghi lễ thiêng liêng, và bà tôn trọng nó ở mức cao nhất. Không chỉ tôn trọng, bà còn rất tự hào vì đã có một người chồng thi sĩ, dù ông chẳng mang lại lợi lộc, tiền bạc, quan tước gì về cho gia đình.

Có một lần, trước khi Yến Lan mất ít lâu, tôi đã có dịp tới thăm ông tại ngôi nhà nhỏ trước chợ An Nhơn, và lặng nghe ông kể: “ Gia đình tôi rất thân với nhà thơ Quang Dũng. Anh Quang Dũng người to lớn, trông như võ sĩ, nhưng tính thực hiền, lại hay mau nước mắt.

Thời đó mỗi tháng cán bộ chỉ được mua 13 ký gạo, tôi với bà nhà tôi ăn ít, nên vừa đủ. Còn anh Quang Dũng to khỏe ăn nhiều, nên anh thường bị đói. Mỗi lần anh đến nhà chơi, bà nhà tôi đều lặng lẽ đong cho anh túi gạo chừng dăm ba cân, để anh ăn thêm. Lần nào, anh cũng khóc”.

Ở đây, “ý tưởng tặng gạo” là của Yến Lan, nhưng người “thực thi tặng gạo” cho Quang Dũng là bà Nguyễn Thị Lan. Phải yêu thương chồng tới độ nào, và quí bạn của chồng tới độ nào thì bà Lan mới nhẹ nhàng chia sẻ những lon gạo “chỉ vừa đủ ăn” của nhà mình cho nhà thơ Quang Dũng.

Trong trường hợp đó, thì bất cứ nhà thơ nào được nhận những túi gạo nghĩa tình như thế cũng bật khóc, chứ không riêng Quang Dũng, dù nhà thơ “Tây Tiến” là người mau nước mắt.

Xem ra, những người bạn thơ của Yến Lan bây giờ khi đã được đời sống trả về giá trị đích thực, họ đều là những “nhà thơ hàng hiệu”, được vinh danh ở hàng đầu cả. Như Quang Dũng. Như Văn Cao. Như Nguyễn Bính... Yến Lan trong đời thơ của mình, đã chọn đúng bạn mà chơi. Vậy thì cũng không có gì phải ân hận. Không làm thơ, nhưng bà Nguyễn Thị Lan rất thấu hiểu điều này, từ linh cảm nhạy bén của một người vợ thi sĩ.

Tính cho cùng, bất chấp mọi trái ngang, buồn khổ từ ngoài mang tới, thì cuộc đời của hai vợ chồng nhà thơ Yến Lan-Nguyễn Thị Lan là một cuộc đời hạnh phúc trọn vẹn.

Khi từ giã cõi đời, có lẽ bà Lan đã rất thanh thản. Bà những muốn mau về gặp lại chồng mình ở một nơi cao xanh nào đó. Và ở đó, chồng lại làm thơ, vợ lại cần mẫn làm đủ mọi việc cho sự tồn tại của một gia đình. Và họ lại hạnh phúc. Và thanh thản.



                                                                   12/01/2013
                                                                       
 


.