Hồn chiêng

02:02, 02/02/2013
.

(QNg)- Thuở xưa trong mỗi gia đình đồng bào miền núi Quảng Ngãi dù cuộc sống vất vả thế nào cũng sắm cho được ít nhất một bộ chiêng. Chiêng được xem như một vật quý, vật thiêng trong nhà, được cất giữ nơi trang trọng, được đưa ra đánh trong những dịp lễ trọng. Ngày tết, hội mùa, ngày lễ ăn trâu, ngày vui đám cưới, đâu thể thiếu tiếng chiêng. Có nơi đồng bào khi mua chiêng đã làm một lễ cúng.

Chiêng vốn là một vật chất tưởng như vô tri vô giác, đã được thổi hồn, để tự chiêng vang lên âm thanh thiêng liêng trong mỗi cuộc cúng tế trời đất, tổ tiên, ngân vang cái âm thanh kỳ diệu. Khác với các nhạc cụ khác, đồng bào quan niệm chiêng cũng có hồn, và do vậy dẫu túng quẫn đến mấy, cũng nhất định không bán chiêng.

 

Múa cồng chiêng của đồng bào Cor.
Múa cồng chiêng của đồng bào Cor. Ảnh T.L


Chiêng vang ngân khắp núi khắp rừng, lay động biết bao hồn người. Chiêng có khi khoan thai, có lúc dồn dập, có khi nhỏ nhẻ, có âm thanh mượt mà như suối, có tiếng vang rung như những chiếc vòng âm thanh hiện hình nhảy múa giữa không gian.

Chiêng không thể chỉ đứng đơn lẻ một chiếc, một người chơi, mà tối thiểu phải có hai chiêng, ba chiêng, năm chiêng, sáu chiêng, tám chiêng, mười hai chiêng, và kèm với trống, mỗi người một chiếc chiêng mới hòa tấu nên một điệu nhạc. Nhạc chiêng tưng bừng. Chiêng xa lạ với lối diễn tấu cá nhân. Chiêng là tập thể đồng điệu.

Khi nhạc chiêng tưng bừng cũng là lúc con người hưng phấn cao độ. Những người con gái trong làng với y phục đẹp nhất sẽ nhảy cùng nhịp chiêng. Nhạc chiêng giúp người múa thể hiện những đường nét đẹp bất ngờ mà lúc thường ta không thể nhận biết; người múa giúp giai điệu chiêng hiển thị, hiện hình với vẻ đẹp âm thanh kỳ diệu.Chiêng có hồn, có hồn chiêng chính là vậy.

Người ta đành đoạn bán chiêng bởi người ta không hiểu chiêng có hồn: Hồn chiêng. Người ta chỉ thấy chiêng là cái xác, cái xác đồng thau, có thể quy ra tiền, đổi lấy những phương tiện mới. Xác chiêng mất đi thì hồn chiêng cũng không còn. Từ khi chiêng bị bán đi, đến hội mùa như trống vắng, đến lễ ăn trâu không ai biết, đến đám cưới chỉ nghe được những âm thanh đâu đâu cũng có.

Người ta ngồi tụm nhau từng nhóm, đi mỗi người một ngả, quên rằng làng là một quần thể hợp nhất, vui buồn có nhau, như chiêng mỗi người phải đảm đương một chiếc, đánh lên một nốt, hòa cùng các nốt khác để cùng vang giữa đất trời lời khẳng định tiếng yêu thương, khát vọng của cộng đồng làng. Hơn thế, hồn chiêng là bản sắc dân tộc, là tinh hoa nhân loại. Không phải tâm linh, mà nhận thức giá trị, chiêng cũng là có hồn vậy.


Hồn chiêng! Hãy ở lại với cộng đồng! Mỗi người trong cộng đồng hãy cùng trân trọng hồn chiêng!


 Cao Chư
 


.