Đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực

08:02, 17/02/2013
.

*Trần Đức Minh - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng


(QNg)- Cổ nhân dạy rằng: Con người sống mà không học thì mờ mịt như đi trong đêm tối. Suy rộng ra, vấn đề đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài luôn là tiền đề quyết định xu thế phát triển của đất nước. Huyện Trà Bồng đang bắc nhịp với xu thế đó.

Trong thực tế  cũng có những người học vấn thấp, chưa qua đào tạo trường lớp, nhưng họ vẫn làm chủ được nhà hàng, khách sạn, trang trại, công ty lớn... Muốn được vậy, họ phải có bí quyết riêng. Đồng thời, họ phải tự đào tạo ở trường đời nhiều hơn để hiểu được quy luật, nắm bắt thông tin, nâng cao thủ pháp cạnh tranh... mới làm nên sự nghiệp. Một minh chứng ở Trà Bồng, tại một thị trấn nhỏ bé như Trà Xuân đã có 45 doanh nghiệp ra đời đang hoạt động hiệu quả trong điều kiện hết sức khó khăn của năm 2011 và 2012 vừa qua.

Đường vào thị trấn Trà Xuân. Ảnh K.Dũng
Đường vào thị trấn Trà Xuân. Ảnh K.Dũng

Và chính những doanh nghiệp này đã sử dụng thường xuyên hàng trăm lao động tại chỗ, góp phần quan trọng từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện. Vì vậy, đào tạo là để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho toàn xã hội chứ không phải chỉ để thu nhận vào cơ quan của Nhà nước. Nhận thức này cần được quán triệt trong cả hệ thống chính trị và người dân.

Thấu triết lý luận và thực tiễn căn bản như vậy, Đại hội Đảng bộ huyện Trà Bồng lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra một quyết sách quan trọng là tập trung đào tạo, phát triển toàn diện nguồn nhân lực của huyện theo hướng nâng cao chất lượng dạy và học các cấp học phổ thông, mở rộng đào tạo nghề thích hợp cho người lao động, gắn với chương trình mục tiêu việc làm và gắn quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị.

Để thực hiện quyết sách trên, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Theo thống kê, toàn huyện có gần 18 ngàn lao động trong độ tuổi có khả năng lao động. Trong đó, số lao động từ 18 đến 35 tuổi chiếm khoảng 30%. Số lao động hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thương mại dịch vụ hầu như chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghề nghiệp. Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân sâu xa của đói nghèo. Để giải bài toán về nguồn nhân lực đối với Trà Bồng không có cách nào khác hơn là phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lực lượng lao động nói trên bằng nhiều phương thức, để đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt 42%.

Những năm gần đây nhờ tổ chức có kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lực lượng lao động trong huyện mỗi năm từ 600 - 700 người mà cơ cấu lao động đã chuyển dịch dần theo hướng tích cực. Tỷ trọng lao động nông - lâm nghiệp đã giảm từ 62% (năm 2005) còn 49% (năm 2011), tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp xây dựng đã tăng từ 21% (năm 2005) lên 37% (năm 2011). Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng của một huyện nghèo miền núi. Và để giải quyết căn cơ vấn đề đào tạo nghề cho người lao động sau này, huyện đã và đang tích cực phối hợp triển khai xây dựng hoàn thành Trung tâm Dạy nghề của huyện trong năm 2013 với trị giá 32 tỷ đồng do Tổng Công ty Lương thực miền Nam tài trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Trong đào tạo nguồn nhân lực, Trà Bồng không chỉ lo vấn đề trước mắt mà còn tính toán đến lâu dài. Vì vậy, huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai từng bước, đồng bộ để nâng dần về cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy, học tập ở các cấp học trong huyện. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2015, có 100% trẻ em trong độ tuổi tiểu học đến trường; 40% học sinh tiểu học và trung học cơ sở được học tập và hoạt động cả ngày ở trường; 100% học sinh từ lớp 3 đến bậc trung học phổ thông được học ngoại ngữ và tin học; từng bước phổ cập trung học phổ thông. Mặt khác, huyện sẽ đầu tư xây dựng 3 trường mầm non, 4 trường tiểu học và 5 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ thầy cô giáo nói chung đều phải qua chương trình nâng cao và chương trình tập huấn bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm.

Đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn đến năm 2015 phải qua đào tạo trình độ trung cấp chuyên môn và trung cấp chính trị trở lên. Trong đó có 35% phải tốt nghiệp cao đẳng, đại học và 30% có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 90% công chức cấp xã, thị trấn còn lại phải có trình độ từ trung cấp chuyên môn trở lên; tất cả cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện phải đạt tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài những chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước phân bổ, huyện sẽ chọn và gửi đi đào tạo đại học, cao học một số đồng chí, đồng thời liên kết với các trường đào tạo trong tỉnh để đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn của huyện. Thực tế hướng đi này huyện đã thành công trong những năm qua.

Trà Bồng đang xây dựng Đề án về sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ đã qua đào tạo căn bản. Trong đó ưu tiên cho những trường hợp học giỏi, là người dân tộc thiểu số. Huyện cũng khuyến cáo hạn chế thi vào trung cấp, cao đẳng, trừ trường hợp đi xuất khẩu lao động. Vì trong thực tế đã có hàng trăm lao động có trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng ra trường chưa có việc làm theo chuyên môn đào tạo, mà huyện chưa tìm được hướng giải quyết nào khả thi ngoài việc động viên xuất khẩu lao động./.


.