Thuỷ điện Hà Nang: Chuyện bây giờ mới kể

06:02, 02/02/2011
.

(QNg)-  Trong lúc nhiều dự án thuỷ điện triển khai theo kiểu "ngâm tôm" thì công trình thuỷ điện Hà Nang do C.ty CP Đầu tư - Xây dựng Thiên Tân đầu tư (gọi tắt là C.ty Thiên Tân) đã về đích, được Thường trực Tỉnh uỷ quyết định gắn biển Công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Ít ai biết rằng công trình này đã trải qua nhiều thời khắc vô cùng cam go.

*Thai nghén cho dự án bạc tỷ
Nhìn con suối Hà Nang (Trà Thuỷ) nước chảy trắng xoá như một dải lụa giữa núi rừng hoang vắng, đã thực sự cuốn hút những ai đã đặt chân đến đây. Với ông Lập - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty sau chuyến đi đầu năm 2003 ông không quên mang theo những hình ảnh từ con suối Hà Nang về xuôi, với hy vọng sẽ tìm được một cơ hội nào đó để đầu tư.
 
Ông kể: "Khi được tham khảo đầu tư một công trình thuỷ điện tại đây, các chuyên gia, kỹ sư thi công thuỷ điện Đa Nhim (Hàm Thuận- Ninh Thuận), Sông Hinh- Phú Yên... đều gật đầu". Tin ấy được C.ty Thiên Tân đón nhận trong niềm hân hoan, nên quyết định đầu tư với hy vọng sẽ góp phần giải bài toán thiếu hụt năng lượng điện quốc gia. Nhưng rồi trong quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ, con suối Hà Nang không được ghi danh. Thế là C.ty đành phải bỏ tiền thuê tư vấn lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch. "Cũng may dự án được tỉnh và Bộ chấp thuận, chứ không thì chẳng khác gì bỏ muối xuống biển"- ông Lập cười nói. 
 
 
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hoà Bình và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế thăm trung tâm điều hành nhà máy.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hoà Bình và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế thăm trung tâm điều hành nhà máy.

Đây là dự án thuỷ điện đầu tiên do một doanh nghiệp tư nhân của tỉnh bỏ vốn đầu tư trên 320 tỷ đồng. Có lẽ vì sự mới mẻ của lĩnh vực cũng như hình thức đầu tư và quy mô của dự án quá lớn (với gần 300 ha rừng, đất rừng và diện tích mặt nước), nên các Sở, ngành liên quan đều thận trọng trong việc tham mưu cho UBND tỉnh. Do vậy C.ty bắt buộc phải chờ. Dự án sau gần 2 năm khởi động, chủ đầu tư mới được chấp thuận triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, làm nhà tái định cư cho 104 hộ đồng bào Cor và xây dựng tuyến đường vào công trình đập đầu mối, với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng.

*Vượt qua dư luận...
Dù chủ đầu tư cố gắng rất nhiều, nhưng tiến độ dự án không thể đẩy nhanh được. Cùng lúc này dư luận lại râm ran chuyện Công ty bán dự án, sử dụng nguồn vốn vay có vấn đề... Thực tế thời điểm này Công ty chưa vay được vốn ngân hàng. "Nói thật, lúc này cũng có doanh nghiệp đặt vấn đề Công ty bán lại dự án với giá 40 tỷ và trả chi phí các khoản đầu tư, nhưng tôi lắc đầu, vì tôi không có suy nghĩ làm ăn kiểu đó"- ông Lập nói.

Ngay cả việc mua gỗ làm nhà tái định cư cho đồng bào, C.ty cũng không mua gỗ ở Trà Bồng với giá rẻ, mà mua ở thành phố Quảng Ngãi chở lên. Công tác đền bù, GPMB Công ty ký hợp đồng để huyện Trà Bồng thực hiện. Có lẽ vì sợ tai tiếng đã góp phần cùng với sự thận trọng của chính quyền, nên dự án cứ ì à ì ạch.  "Tỉnh đặc biệt quan tâm đến dự án này.
 
Tuy nhiên do diện tích rừng tự nhiên nằm trong lòng hồ lớn, nên xử lý phải cẩn trọng, đòi hỏi có thời gian, vì đây là lĩnh vực nhạy cảm"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi giãi bày trong một lần kiểm tra tiến độ dự án. Do vậy tổng dự toán của dự án tăng vọt từ 190 tỷ đồng lên 320 tỷ đồng. Ông Lập bộc bạch: "Nếu như Công ty chưa đầu tư khoản kinh phí gần 40 tỷ đồng, thì có lẽ dự án phải dừng. Vì sự kéo dài đó làm cho sự tồn tại của C.ty đã khó, huống chi là dự án".

Sau khi có được mặt bằng sạch, tháng 8/2008 Công ty huy động gần 700 cán bộ kỹ sư, công nhân, kỹ thuật và phương tiện cơ giới thi công tổng lực trên công trường. Một năm sau con suối Hà Nang được chặn dòng theo đúng kế hoạch. Hồ có dung tích khoảng 24 triệu m3, với 2 tổ máy, công suất thiết kế 11MW, trung bình mỗi năm cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 67 triệu KWh. Đến tháng 10/2010, công trình hoàn thành đưa vào hoạt động và vinh dự được Thường trực Tỉnh uỷ quyết định gắn biển Công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
 
Anh Phong - Chỉ huy công trình  kể: "Để đạt được tiến độ đó, Công ty đã chỉ đạo thi công 3 ca liên tục trong gần 1 năm; không có một tai nạn nào đáng tiếc xảy ra". Để giữ chân cán bộ, công nhân, C.ty quyết định trả lương rất hậu hĩnh theo phương thức coi trọng hiệu quả công việc hơn là bằng cấp. Ông Manjunath Chikanna Nandiganhall- chuyên gia Ấn Độ qua giúp Công ty vận hành nhà máy thì luôn tấm tắc khen ngợi các nhà thầu Việt Nam. 

*Đánh thức vùng đất khó...
Năm 2003 thôn 2 và thôn 4 là vùng xa hẻo lánh của xã Trà Thuỷ (Trà Bồng). Đồng bào sống quanh quẩn với núi rừng, nên còn nhiều tập quán lạc hậu. Bởi lẽ vùng đất này ít người qua lại ngoại trừ bọn lâm tặc đang săm soi những cây gỗ rừng tự nhiên ở đây.

Thế nhưng cán bộ, kỹ sư của Công ty CP Thiên Tân đã không ngần ngại trèo đèo, lội suối cả ngày đường, để đến với vùng đất nghèo khó một thời oanh liệt. "Giữa trưa, đoàn chúng tôi có mặt ở làng. Trong những căn nhà lụp xụp nhấp nhô vắt ngang giữa lưng chừng núi chỉ có mấy đứa trẻ ăn mặc xộc xệch đứng bên hiên nhà, căng mắt nhìn chúng tôi..."- ông Lập nhớ lại. Còn bây giờ vùng đất này thực sự thay da đổi thịt, đường được thảm nhựa và cấp phối. Người dân bắt đầu thích ứng với cuộc sống mới trong những căn nhà tái định cư dọc hai bên đường.

Anh Hồ Văn Hải tâm sự: Nhà này giống ở phố, mình thích lắm. Chỉ tiếc rằng từ khi về đây đồng bào có ít việc làm hơn. Ông Hồ Văn Thế- Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết thêm: Chuyện bà con tái định cư than phiền thiếu đất sản xuất là có thật, huyện đang khắc phục. Còn chuyện phản ánh người dân đói triền miên thì chưa hẳn. Bởi lẽ, số tiền Công ty Thiên Tân hỗ trợ, đền bù mỗi hộ trung bình trên 100 triệu đồng, thì có gần 2/3 số tiền trên được gửi tiết kiệm vào ngân hàng, để bà con lấy lãi hàng tháng sinh sống.

Trong số 22 cán bộ, lao động làm việc ở đây thì có đến 17 người là dân địa phương, với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/tháng. Khi đến dự lễ khánh thành và gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế vui mừng, nói: "Công trình thuỷ điện Hà Nang đã góp phần điều tiết lũ, đánh thức vùng đất nghèo khó nhưng giàu tiềm năng này, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đối với huyện Trà Bồng, mà cả khu vực phía Tây của tỉnh".
 
Để công trình hoạt động ổn định, Công ty đang xúc tiến nhận 1.000 ha để giao cho 104 hộ đồng bào tái định cư chăm sóc, bảo vệ và tiếp nhận con em đồng bào có trình độ đưa đi đào tạo, để về phục vụ nhà máy. Hiện tại Công ty cũng đang triển khai dự án này với tổng kinh phí dự kiến trên 30 tỷ đồng. "Công ty cam kết xây dựng ở đây một mô hình nông  thôn mới. Nếu không có gì thay đổi thì dự án này sẽ hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2014" - ông Lập nói.

 Phú Đức

.