Tết khỉ của người Ca Dong

10:01, 09/01/2011
.

Trong khi người ở miền xuôi đang chuẩn bị đón Tết Tân Mão thì ở một huyện vùng núi xa xôi thuộc huyện Kon Plông, Kon Tum, đồng bào dân tộc Ca Dong sống dọc dãy Trường Sơn đã đón tết khỉ từ những ngày cuối tháng 10 âm lịch.
 
Già làng A Đôi (làng Điếk Lò, xã Ngọk Tem) nói: “Giờ cái bụng đã không còn đói, cái lưng đã không còn phơi trần nhưng mình phải giữ cái tết truyền thống mà các Yàng để lại!”. Theo nhiều già làng lớn tuổi người Ca Dong, tết khỉ được tổ chức ngay sau khi mùa lúa rẫy vừa kết thúc, đón mừng hạt lúa mới về nhà, đồng thời là nghi thức để dân làng gửi gắm kho thóc qua mùa đông giá rét cho Yàng khỉ trên núi trông coi, để con chim không quấy phá, con két không làm đói cái bụng dân làng. Năm ngoái nhờ cúng Yàng khỉ lớn mà năm nay lúa được mùa đầy kho thóc.
 
Gia đình già làng A Đôi (thứ hai từ trái sang) tổ chức lễ cúng Yàng mừng tết khỉ - Ảnh: Thuận Thắng
Gia đình già làng A Đôi (thứ hai từ trái sang) tổ chức lễ cúng Yàng mừng tết khỉ - Ảnh: Thuận Thắng
8g sáng, con cháu A Đôi đã tề tựu đông đủ trong căn nhà sàn thấp lè tè và loang lổ sáng tối của ông. Người lớn mang lỉnh kỉnh những bầu rượu, trẻ con xúng xính trong quần áo mới.
 
Cúng Yàng cầu bình an
 
Già làng A Đôi đưa tay lẩm nhẩm đếm số con cháu đã đến đầy đủ chưa để bắt đầu lễ cúng Yàng. Trong lễ cúng, heo là vật tế bắt buộc, nhà nào nghèo quá mới phải cúng gà. Nhưng già làng A Đôi cho biết chưa từng có gia đình nào trong buôn làng nghèo đến nỗi không có lấy một con heo ăn tết khỉ, bởi nhà nào đói kém ra sao cả bản hầu như ai cũng biết, rồi bàn bạc đóng góp để mua gà, mua heo cho các gia đình nghèo đón tết.
 
Bàn cúng Yàng đặt trên một mô đất nhỏ. Những hạt gạo mới được rải trên chiếc đầu heo cùng những cây đót để gọi tà ma được vót sẵn. Già làng A Đôi bảo con trai châm rượu rồi cầm cây đót, đôi mắt lim dim vừa nhảy quanh bàn tế, vừa đọc bài cúng thầy mo dạy. Thỉnh thoảng ông lại ném mạnh cây đót xuống đất rồi bất ngờ nhảy lên, hú vang như đã gặp được linh hồn của các Yàng.
 
Ngoài nghi thức cúng Yàng để cầu bình an và gửi kho thóc cho Yàng khỉ, người Ca Dong cũng có nghi lễ buộc chỉ cổ tay (như người Lào) để trao may mắn cho người thân trong gia đình.
 
Con trai thứ ba của già làng A Đôi là A Hộ kéo một sợi chỉ quệt vào chiếc xô đựng máu và óc heo hòa với rượu cần và gạo rồi buộc vào cổ tay tôi, miệng lầm bầm đọc lời cúng. Ngay sau đó, những sơn nữ đẹp nhất được phép ra mép nhà sàn giã gạo. Bà Y Ng’Nao, vợ già làng A Đôi, cho biết các cô con gái của bà đang giã mẻ lúa mới nhất gùi về từ kho thóc trên đồi. Mẻ lúa phải lấy sao cho vừa ăn đủ, giã một ít cúng Yàng, một ít nấu cơm để mọi người ăn, phần còn lại sẽ được gói bánh để phát cho các thành viên trong gia đình...
 
Hết đời ông khỉ!
 
Thầy giáo Nguyễn Đăng Linh, công tác tại Trường THCS Ngọk Tem đã gần trọn hai chục năm, kể: vào thời điểm cuối tháng 10 âm lịch, hầu như ngày nào vào các bản làng cũng thấy người dân quây quần bên nhau nhảy múa, uống rượu cần đến chếnh choáng, mỗi gia đình tổ chức tết khoảng 1-2 ngày, những nhà có của cải tổ chức uống rượu cả tuần...
 
Theo các bậc cao niên trong buôn Điếk Lò, những năm về trước cứ vào thời điểm hết mùa vụ, không khí trong các buôn làng lại rộn ràng hẳn lên, nhà nào cũng tổ chức mở rượu, đem lúa trên kho về đón tết. Những năm gần đây nhiều gia đình không còn giữ tập tục ấy, thóc cũng không chứa trong kho trên đồi nữa mà đưa thẳng về nhà vì sợ trộm cắp. Đáng buồn là vừa qua nhiều người còn dám bắt cả khỉ - con vật được coi là linh thú.
 
Hôm vào làng, chúng tôi chứng kiến một hình ảnh đau lòng: trong chiếc lều bán hàng tạp hóa nằm cạnh UBND xã Ngọk Tem, ba bốn người đàn ông đang chúi đầu để trả giá một chú khỉ con. Giữa nền đất giá lạnh, chú khỉ non mới chừng vài tháng tuổi kêu ré lên mỗi khi người lạ chạm vào vết thương ở phía bụng. Chủ nhân của chú khỉ xấu số này cho biết ông vừa bẫy được trong đêm và đem xuống quán bán chỉ với giá 100.000 đồng. Thật xót đời ông khỉ!
 
Theo TTO

.