Bên dòng sông Kinh

09:11, 13/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Một thời nguồn thủy sản trên sông Kinh, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) dồi dào và đi vào lời ca đối đáp: "Em ơi chớ có thày lay/ Anh vung một cái bằng ngàn ngày em đi buôn". Câu ca nói về sự trù phú, sung túc của cư dân mưu sinh trên dòng sông Kinh. Nhưng rồi, khi hàng trăm héc ta rừng  dừa nước trên sông Kinh bị chặt phá, hệ sinh thái ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản bị tận diệt, câu ca xưa giờ đã không còn trọn vẹn. Còn chăng chỉ là tiếng lòng của những người dân muốn bảo vệ và phát huy giá trị trên dòng sông Kinh... 
 
 
Nuối tiếc “mỏ” thủy sản
 
Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông Phạm Vinh Tâm ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông Kinh. Nhiều năm trôi qua, nhưng ông Tâm và những người bạn cùng thế hệ nhớ mãi một thời sông Kinh dồi dào thủy sản. Thời ấy, người ta ví rừng dừa nước trên sông Kinh như một miền Tây thu nhỏ. Dưới tán rừng dừa tôm, cá bơi từng đàn...
 
Ông Phạm Vinh Tâm (68 tuổi) ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) có nhiều năm gắn bó với dòng sông Kinh.                          Ảnh: NGỌC VIÊN
Ông Phạm Vinh Tâm (68 tuổi) ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) có nhiều năm gắn bó với dòng sông Kinh. Ảnh: NGỌC VIÊN
Kể chuyện xưa, ông Tâm cho biết, thời ấy trừ mùa bão lũ, những tháng còn lại trong năm ngư dân thả lưới, thả bè rớ trên sông Kinh. Cá, tôm thu về không chỉ đủ ăn, mà còn đem bán, có nguồn thu nhập khá nhất vùng này. "Tôi là đời thứ tư trong gia đình tiếp nối nghề đánh bắt thủy sản trên sông Kinh. Tiếc là dòng sông một thời được ví như vàng, giờ đã cạn kiệt cá,  tôm vì người ta đánh bắt ồ ạt theo kiểu tận diệt. Vì vậy, cách đây hai năm tôi cũng giã từ cái nghề mà cha ông truyền lại", ông Tâm buồn rầu nói. 
 
Nhà ông Tâm bên cạnh sông Kinh. Ông thạo nước lớn, nước ròng trên con sông này. Ấy vậy mà ông cùng nhiều lão ngư nổi tiếng khác đành bỏ nghề chài lưới, bè rớ, bởi không “cạnh tranh” nổi với những cư dân đánh bắt thủy sản bằng rọ lồng, hay còn gọi là "lồng bát quái". Cá lớn lẫn cá bé khi chui vào rọ lồng thì hết đường sống.
 
Nhận thấy nguồn thủy sản cạn kiệt, nên năm nào ngành chức năng cũng thả nhiều tôm, cá giống xuống sông Kinh, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản cho dòng sông này. Nhưng khi cơ quan chức năng thả tôm, cá ở cửa trên, thì cửa dưới những chiếc "lồng bát quái" đã giăng sẵn chờ để bắt... 
 
Dọc sông Kinh có hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh lưới rọ lồng. Dưới những tán dừa nước, rọ lồng giăng như ma trận. Tầm 14 giờ chiều, nhiều người chèo ghe đặt rọ lồng khắp những luồng lạch nhỏ trên sông Kinh. Đến 1 - 2 giờ sáng họ thu rọ bắt tôm, cá. Nghề rọ lồng bất cập là vậy. Nhưng để xóa bỏ nghề này dường như là câu chuyện ít được tính đến.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Nguyễn Chí Cường cho hay, mặt trái của nghề rọ lồng thì ai cũng biết. Song nếu cấm khai thác thì ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm ngư dân. Bởi vậy, xã cũng chỉ tuyên truyền, vận động để người dân bỏ dần cách đánh bắt thủy sản bằng rọ lồng và "đối đãi" hài hòa với nguồn lợi từ thiên nhiên. Mong muốn của chính quyền địa phương là vậy, nhưng nhiều ngư dân muốn đánh bắt sao cho được nhiều tôm, cá, chứ ít khi nghĩ đến chuyện nuôi dưỡng nguồn lợi thủy sản...
 
Rừng dừa nước và những lần lỗi hẹn... 
 
Rừng dừa nước trên sông Kinh có một giá trị đặc biệt. Theo các bậc cao niên ở xã Tịnh Khê, trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, rừng dừa trên vùng đầm lầy và ngập mặn của dòng sông Kinh đã tạo thành một địa thế chiến lược hiểm yếu, là nơi các lực lượng vũ trang trú ẩn, chống lại những trận càn quét của địch. Lịch sử đấu tranh của quân và dân xã Tịnh Khê gắn liền với nhiều trận đánh ở rừng dừa nước này. Tuy nhiên, về sau vì đời sống khó khăn nên một số người dân phá rừng dừa nước trên sông Kinh để đào ao nuôi tôm. Diện tích rừng dừa nước ngày càng bị thu hẹp, hiện tại chỉ còn khoảng 15ha.
 
Rừng dừa nước trên dòng sông Kinh. Ảnh: BÙI THANH TRUNG.
Rừng dừa nước trên dòng sông Kinh. Ảnh: BÙI THANH TRUNG.
Thời điểm rừng dừa nước trên sông Kinh bị tàn phá nhiều nhất vào khoảng thập niên 90. Lúc ấy nghề nuôi tôm sú mang lại nguồn thu nhập cao nên nhiều người ồ ạt phá dừa, lấn sông Kinh để nuôi tôm tự phát. Những năm đầu trúng lớn, nhiều người phất lên chỉ sau vài vụ tôm. Nhưng cũng chỉ được vài năm thì nguồn nước sông Kinh bị ô nhiễm, tôm nuôi bị bệnh chết, người nuôi thất thu. Con tôm cũng cùng chung số phận với những cánh rừng dừa nước bị triệt phá ở thời điểm đó...
 
Dọc tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê bây giờ vẫn còn khoảng chục hộ dân sống dựa vào những cây dừa nước trên sông Kinh. Họ chặt lá dừa mang về đan lát để bán. Đa số họ là những người lớn tuổi. Làm nghề này thu nhập không cao, nhưng họ không nỡ bỏ vì cây dừa nước đã gắn bó qua nhiều thế hệ, và cũng bởi quý rừng dừa nước là di tích lịch sử và là nét đẹp của làng quê...
 
Quang cảnh rừng dừa nước trên sông Kinh tuyệt đẹp, nên những năm trước, khi chưa có dịch Covid-19, nhiều nhiếp ảnh gia, khách du lịch đến sông Kinh tham quan, chụp ảnh. Nhiều bức ảnh chụp dừa nước sông Kinh đoạt giải về nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, khiến người dân ở đây cảm thấy vui lây. Ông Bảo Anh, một người dân ở thôn Trường Định gắn bó với nghề chụp ảnh, chở khách tham quan trên sông Kinh bảo rằng, tôi cảm thấy rất vui khi những bức ảnh chụp trên sông Kinh đoạt nhiều giải thưởng lớn. Phong cảnh của quê hương mình cũng đẹp không thua kém những vùng đất du lịch nổi tiếng khác.
 
Người dân địa phương tự hào bởi rừng dừa nước trải qua hai cuộc kháng chiến vẫn vẹn nguyên giá trị về lịch sử, văn hóa. Họ khấp khởi mừng khi nghe có các dự án đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị của rừng dừa nước và dòng sông Kinh, từ đó nhiều người được hưởng lợi, người dân được nâng cao đời sống. Tiếc là nhiều dự án đã lên kế hoạch, nhưng hầu hết đều chưa triển khai.
 
Ông Nguyễn Chí Cường kể, cách đây khoảng chục năm, có dự án đầu tư mở rộng, nạo vét sông Kinh nhằm tạo cảnh quan để phát triển du lịch. Tuy nhiên, sau khi cùng địa phương đi khảo sát, chủ đầu tư nhận thấy không đủ khả năng tài chính để đền bù cho những hộ dân nằm trong vùng dự án nên họ đã dừng lại. Tiếp những dự án lỡ hẹn với rừng dừa sông Kinh, năm 2020 Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê được thành lập với hàng chục xã viên. Mục tiêu của hợp tác xã là phát triển du lịch trải nghiệm như làm nông dân, ngư dân, đan tre, đan lá dừa nước và khai thác những dịch vụ du lịch tiềm năng khác, song vì dịch Covid-19 nên dự án này cũng lỗi hẹn.
 
Có một điều ngẫu nhiên là những bức ảnh về sông Kinh đoạt giải trong nước và quốc tế đều được chụp bằng flycam. Từ trên cao, những chiếc flycam thu được cảnh đẹp trọn vẹn của dòng sông Kinh chạy dài về hướng biển. Để gìn giữ, đánh thức tiềm năng du lịch trên dòng sông đặc biệt này cũng rất cần "tầm nhìn cao rộng" như thế.
 
Điều đặc biệt ở sông Kinh  
 
Nhiều bậc cao niên sống dọc sông Kinh cho biết, cùng với rừng dừa nước tuyệt đẹp, hệ sinh thái ở sông Kinh vô cùng phong phú. Trước thập niên 90, nguồn thủy sản trên sông Kinh thuộc tốp dồi dào và đặc trưng nhất Quảng Ngãi.  Trong đó phải kể đến những loại như cá bống, cá đối, sò huyết, lịch... Thủy sản sống ở vùng nước lợ sông Kinh ngon và có mùi vị mặn mòi hơn ở những khúc sông khác.
 
 NGỌC VIÊN
 
 
 

.