Chuyện tử tế ở xứ ngàn cau

01:09, 12/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với cán bộ, chiến sĩ Công an huyện vùng cao Sơn Tây, Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân họ đều thuộc nằm lòng. Bởi thế, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn có nhiều việc tử tế, chứa đựng bao điều nhân ái, nghĩa tình, làm sáng lên hình ảnh người công an trong lòng dân.
[links()]
 
Câu chuyện của tình người
 
Hoàn thành thời gian cách ly tập trung, rời huyện Sơn Tây trở về nhà ở tổ dân phố Tân Diêm, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), vợ chồng anh Võ Ngọc Sanh và chị Lê Thị Bích Lệ mãi khắc ghi trong lòng nghĩa cử đẹp của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Sơn Tây. Xứ sở ngàn cau ấy bây giờ không chỉ là nơi mưu sinh của vợ chồng anh Sanh, mà còn là nơi bắt nguồn cho sự thay đổi nhận thức và dành tình cảm sâu sắc cho những người chiến sĩ công an nhân dân.
 
Chuyện xảy ra vào buổi sáng 27/6/2021, chỉ sau 1 ngày phường Phổ Thạnh bị phong tỏa. Đôi vợ chồng chuyên buôn cá từ vùng biển Sa Huỳnh lên Sơn Tây hôm ấy đã không chấp hành lệnh "ai ở đâu ở yên đấy". Vì tiếc 35 thùng cá chuồn muối đã chất lên xe bán tải, với giá trị hàng chục triệu đồng, nên họ liều lĩnh lén vượt chốt kiểm soát chở hàng đi bán. Khi chiếc xe chở cá chuồn vào đến địa phận xã Sơn Mùa (Sơn Tây) thì bị các chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu dừng xe kiểm tra, vì nghi ngờ là "người từ vùng dịch vào địa bàn".
 
Chiến sĩ Công an huyện Sơn Tây bán cá giúp vợ chồng anh Võ Ngọc Sanh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đi cách ly tập trung.      Ảh: Th.Nhị
Chiến sĩ Công an huyện Sơn Tây bán cá giúp vợ chồng anh Võ Ngọc Sanh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đi cách ly tập trung. Ảh: Th.Nhị
Đôi vợ chồng sau khi khai báo y tế phải thực hiện quy định cách ly tập trung, để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Anh Sanh và chị Lệ chấp hành quy định, nhưng trong lòng nặng trĩu lo âu. Những giọt nước mắt đã rơi trên gò má sạm màu nắng gió, vì toàn bộ vốn liếng làm ăn đặt cả vào chuyến hàng này, cách ly xong 14 ngày chắc cá sẽ không còn bán được, tiền tiêu tan...
 
Thấu hiểu nỗi lòng của vợ chồng anh Sanh, Thượng tá Huỳnh Khắc Dũng - Trưởng Công an huyện đã kêu gọi cán bộ, chiến sĩ tìm cách giúp đỡ. Ngay sau đó, Trung úy CSGT Phạm Văn Bảo - người đã lập biên bản vi phạm đối với vợ chồng anh Sanh chị Lệ - đã xung phong lái chiếc xe bán tải ấy cùng 35 thùng cá chuồn muối rong ruổi khắp các cung đường, đến tận khu dân cư, vào công trường nhà máy... trên địa bàn huyện để bán cá giúp. Với lời "chào hàng" chân thành, nụ cười thân thiện và tấm lòng nhiệt thành của anh Bảo, rất nhiều người mua ủng hộ. Vậy là, hơn 4 tấn cá chuồn muối đã bán hết vèo chỉ sau mấy tiếng tiếng hồ.
 
Ngày hết hạn cách ly tập trung, được giao đầy đủ tiền bán cá, vợ chồng anh Sanh, chị Lệ vừa ngỡ ngàng, vừa xúc động và tỏ lòng mến phục, biết ơn các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Sơn Tây.
“Chúng tôi dựa vào nhân dân để công tác, chiến đấu và vì nhân dân phục vụ; coi đây là yếu tố quyết định, cội nguồn sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Trong thực thi nhiệm vụ, lấy sự tin yêu của nhân dân để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc. Chúng tôi luôn khắc ghi phương châm phải làm sao cho nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự cũng là nhiệm vụ của toàn dân...".
 
Thượng tá HUỲNH KHẮC DŨNG - Trưởng Công an huyện Sơn Tây
Mái nhà chung
 
Trong chuyến công tác mới đây tại huyện miền núi Sơn Tây, chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Sơn Tây mời ăn cơm tại bếp ăn của đơn vị. Hôm ấy, có một bé gái được các chú công an gọi vào ngồi cùng bàn ăn với chúng tôi. Thượng tá Huỳnh Khắc Dũng bảo, đây là con nuôi của đơn vị mình. Ba cháu là công an xã Sơn Dung, bị tai nạn giao thông mất khi cháu còn rất nhỏ, mẹ cháu sau đó bỏ đi, để lại hai chị em côi cút. Đơn vị đón cháu về, cũng được mấy năm rồi, để bớt gánh nặng cho ông bà nội. Chúng tôi bất ngờ, trân trọng lẫn thương cảm vô cùng. Bởi cả đơn vị chủ yếu là nam, nhận nuôi chăm sóc một đứa trẻ là điều vô cùng khó khăn, vất vả. "Cái khó với chúng tôi không phải ngại khổ. Mình thương cháu thì dù khổ thế nào vẫn thấy nhẹ tênh thôi. Lo cái ăn, cái mặc, chở đi học thì các chú trong đơn vị ai cũng làm được cả. Vấn đề là cháu là bé gái, đơn vị phải giao nhiệm vụ cho hai nhân viên nữ gần gũi, chăm sóc hằng ngày", Thượng tá Huỳnh Khắc Dũng chia sẻ.
 
Bé Đinh Thị Hân (bên phải) được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Sơn Tây nhận nuôi đang ôn bài chuẩn bị cho năm học mới.                                Ảnh: Th.Nhị
Bé Đinh Thị Hân (bên phải) được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Sơn Tây nhận nuôi đang ôn bài chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Th.Nhị
Ngày mới đón về, bé gái nhỏ thó, đen nhẻm, người nhiều vết lở vì côn trùng cắn. Anh em trong đơn vị người chở đi tiệm cắt tóc, gội đầu; người thì đi mua thuốc cho em... Rồi như cây non được chăm sóc kỹ càng, bé gái khỏe mạnh, cao lớn, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, trở thành niềm vui chung của cả đơn vị.
 
Cô bé ấy tên là Đinh Thị Hân, người dân tộc Ca Dong, năm nay đã 9 tuổi, bắt đầu bước vào lớp 3. Em còn một em nhỏ, bị khuyết tật bẩm sinh, sống cùng ông bà nội làm nghề quét dọn vệ sinh tại chợ Sơn Tây. Cuộc sống vô cùng khó khăn, dù thương cháu côi cút nhưng ông bà cũng không thể chăm lo đầy đủ cho hai chị em Hân. Kể từ khi Hân được các chú Công an huyện đón về nuôi dạy, ông bà rất vui vì cháu được lo cho ăn học, có người chăm sóc dạy bảo. "Con ở cùng các chú, các cô công an vui lắm. Các chú dạy con học, các cô chỉ bảo con vệ sinh cá nhân mỗi ngày. Các cô chú xem con như con và con nghĩ đây chính là mái nhà ấm áp của con rồi", bé Hân hồn nhiên nói với chúng tôi.
 
Hiểu được tâm lý của trẻ cần một môi trường sống ấm áp, có bạn bè đồng trang lứa để vui chơi, vào những ngày nghỉ, các chú công an hay đưa Hân về gia đình mình chơi với các con của mình. Rồi khi nghỉ lễ, nghỉ hè, lại đưa các con lên đơn vị để Hân được sống trong tình thân bè bạn. Nếu không phải giãn cách vì dịch Covid-19, hè vừa rồi đơn vị đã đưa em của Hân bị khuyết tật vào TP.Hồ Chí Minh khám và điều trị. Cũng có doanh nghiệp muốn tài trợ nuôi các cháu, nhưng anh em trong đơn vị nghĩ họ là đồng đội của cha các cháu, phải có trách nhiệm trước tiên và cao hơn. Cả đơn vị đồng lòng sẽ chăm lo cho các cháu tốt nhất. Khi hết tiểu học, đơn vị sẽ đưa bé Hân vào trường nội trú để học lên cao hơn. "Mong sao con hiểu và không ngừng phấn đấu mỗi ngày, chăm ngoan, học giỏi để lập thân, lập nghiệp sau này", Thượng tá Huỳnh Khắc Dũng tâm sự.
 
THANH NHỊ
 
 

.