Nước Mù không còn... mù chữ

10:09, 21/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Con đường quanh co rộng chưa đầy sải tay, chạy dài hun hút giữa những tán rừng, băng qua những con sông, suối dẫn về xóm Nước Mù, xã Sơn Bua (Sơn Tây). Nơi đó, hơn 40 con người sống quây quần bên nhau dưới 12 nóc nhà lọt thỏm giữa đại ngàn. Vậy mà, bao nhiêu đứa trẻ lớn lên ở đây không đứa nào bỏ dở con chữ.
 
Tiếng trẻ con đọc từng trang sách thánh thót, trong veo, hay những cô cậu thiếu niên giờ đã tạm biệt quê nhà ra trường huyện học cấp 3, học nghề... Bấy nhiêu đó thôi, nhưng là cả một hành trình đầy gian nan của biết bao thế hệ thầy cô giáo để giúp Nước Mù không còn... mù chữ.
 
Chỉ có thể đi bộ vào làng
 
Cách trung tâm xã Sơn Bua chừng 3km, nhưng xóm Nước Mù là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Con đường đất lởm chởm đá ngay điểm nối vào đường Đông Trường Sơn là chỉ dấu đầu tiên cho những cách trở. Muốn vào bên trong làng, cách duy nhất là... đi bộ.
 
Chiều một ngày đầu tháng 9, khi tiếng trống khai giảng năm học mới còn chưa vang lên, những thầy cô giáo đã tề tựu về trường và chuẩn bị hành trang cho cuộc vận động học trò ra lớp. Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Bua Nguyễn Văn Ánh cho biết: Mỗi năm xóm Nước Mù có khoảng 14 học sinh theo học ở các bậc học. Nhưng phụ huynh ở đây thường không quan tâm đến chuyện học của con em, nên cháu nào thích thì đi học, không thích thì ở nhà, cha mẹ cũng không nói gì. Để học trò không bỏ con chữ, các thầy cô phải vào làng vận động học trò. 
 
Xóm Nước Mù nằm khuất sâu giữa rừng và hoàn toàn tách biệt với bên ngoài.
Xóm Nước Mù nằm khuất sâu giữa rừng và hoàn toàn tách biệt với bên ngoài.
Hơn 10 năm trước, 1 cây cầu dây được xây dựng, nhưng thời gian và những trận lũ kinh hoàng đã làm cho cây cầu chỉ còn lại 4 sợi cáp treo lủng lẳng. Vào mùa mưa lũ, ngôi làng trở nên cô lập, vì nước lũ vây quanh. Học trò nơi đây cũng vì thế mà... "quên" ra lớp. “Vừa rồi, các chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Sơn Tây, đoàn viên, thanh niên và người dân cùng nhau lợp lại sàn cầu, nên đường vào Nước Mù mới thông tuyến. Thầy cô giáo và học sinh mới thôi sợ mỗi lần đi qua cầu”, thầy Đinh Văn Miên cho hay.
 
Mặt cầu đã ổn, nhưng hai đầu cầu, mố cầu bị lũ cuốn trôi tạo nên khoảng cách hơn 1m. Vì thế, khi học trò từ làng ra lớp, hoặc từ lớp về nhà, các thầy cô giáo lại phải ra sông bế các cháu lên cầu và cõng sang phía bên kia, vì sàn cầu được làm từ cây lồ ô, nên gập ghềnh khó đi, nhất là khi trời mưa.
“Tôi tin, không riêng gì Nước Mù không còn mù chữ, mà ở các xóm, làng khác các thầy, cô giáo sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện đẹp trên hành trình trồng người, để mai này chính thế hệ trẻ hôm nay sẽ xây dựng Sơn Tây giàu đẹp hơn”.
 
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây BÙI THẾ GIỚI
Nhiều người nghèo... con chữ
 
Ngồi bệt xuống nền nhà, cô giáo Hồ Thị Bích Huyền lật từng cánh tay áo, ống quần để kiểm tra... vắt có bám vào người. Rồi lấy ve dầu ra xoa vào đầu gối đang sưng tấy do té ngã trong lúc đi vào làng vận động học trò. 
Đường về xóm Nước Mù phải băng qua cây cầu treo cùng nhiều sông suối và đường rất khó đi.                ẢNH: TRẦN LÊ
Đường về xóm Nước Mù phải băng qua cây cầu treo cùng nhiều sông suối và đường rất khó đi. ẢNH: TRẦN LÊ
“Có những lúc tưởng chừng không trụ nổi, nhưng rồi hình ảnh các em học sinh, những bó hoa rừng các em tặng vào một dịp đặc biệt nào đó và cả suy nghĩ nếu mình bỏ cuộc, những đứa trẻ nơi đây lại giống như cha mẹ chúng, lại không biết đọc, biết viết, tương lai lại càng tối hơn, đã tạo động lực để mình tiếp tục bám làng, bám lớp. Thoáng chốc đã quen với vùng đất này, nó như sợi dây giữ mình lại với học trò”, cô giáo mới 23 tuổi, quê ở Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) tâm sự.
 
Khi các thầy cô đến đầu xóm cũng là lúc nhiều người dân trên đường từ rẫy về nhà. Hầu hết người dân ở đây chỉ nói được tiếng Ca Dong, còn tiếng Kinh chỉ bập bẹ tiếng được tiếng mất. Thế nên, để vận động các em ra lớp, các thầy, cô giáo phải học thêm tiếng Ca Dong để giao tiếp với phụ huynh và học sinh tốt hơn.
 
Ngôi nhà sàn rộng tầm 30m2, nhưng có đến mấy đứa trẻ đang vui đùa. Cạnh đó, ông Đinh Văn Núi đang nằm trên chiếc võng đu đưa. Thấy thầy cô giáo vào, ông Núi ngồi bật dậy. Cũng như bao người dân xóm Nước Mù, ông Núi chỉ nói tiếng Kinh bập bẹ, còn chữ viết thì mù tịt. Thế nên, những đứa con của ông dù đến tuổi ra lớp, nhưng ông Núi không quan tâm mấy. Ông bảo, hôm trước có người đưa cho tờ giấy, nhưng không biết chữ, nên ông cất trong nhà. Hóa ra, đó là giấy thông báo của xã kêu gọi các bậc phụ huynh đưa con em ra lớp vào đầu năm học mới.
 
Đến những nóc nhà khác, câu chuyện “đói” con chữ nơi đây hiện hữu càng rõ hơn. Dù nhiều phụ huynh chỉ ở độ tuổi 35 - 40, nhưng tất cả đều không biết chữ. “Dẫu có nhiều đổi thay, nhưng ở xóm Nước Mù ngoài giàu có về tình người, thì có lẽ tất cả đều nghèo, kể cả con chữ”, thầy Ánh nói.
 
Xây tương lai cho Nước Mù
 
Không biết đọc, biết viết, nhưng khác với ông Núi, chị Đinh Y Mới rất quan tâm đến chuyện học của con, nhất là sau khi bị thầy cô phê bình do không đưa con gái Đinh Thị Thận ra lớp vào năm học trước. Thế nên, khi có thông báo của địa phương cho năm học mới này, chị Mới đã hối thúc con gái đến trường.
 
“Mình không biết chữ, nên rất thiệt thòi. Bán rẫy keo đếm tiền cũng không xong, phải nhờ người thân tính hộ. Nghe lời thầy cô, tôi mong con mình đi học để sau này biết đọc, biết viết, biết tính toán. Cảm ơn các thầy cô giáo đã giải thích để tôi biết chuyện học là quan trọng như thế nào”, chị Mới bày tỏ. 
Để Nước Mù không còn mù chữ thầy cô giáo phải thường xuyên vào làng vận động học trò ra lớp.                ẢNH: TRẦN LÊ
Để Nước Mù không còn mù chữ thầy cô giáo phải thường xuyên vào làng vận động học trò ra lớp. ẢNH: TRẦN LÊ
Phía đối diện nhà chị Mới là hộ ông Đinh Nia, từ ngày cậu con trai lớn học xong THCS và ra huyện học lớp 10, ông Nia không còn “trách” thầy cô giáo “dai như đỉa” nữa, mà thay vào đó là nụ cười hạnh phúc. Những năm trước, con trai ông là Đinh Văn Bình liên tục trốn học, mỗi lần thầy cô giáo vào vận động là ông Nia lại chống cự, vì đi học... không làm ra tiền.
 
 “Từ ngày thằng Bình đọc và viết được chữ, xã có gửi tờ giấy nào thì nó cũng là người đọc và giải thích cho tôi. Tôi biết mình sai khi trách mắng thầy cô. Giờ con tôi như thế tôi rất mừng. Chỉ có học mới thay đổi được”, lời ông Nia được thầy Ánh dịch lại. 
 
Sau nhiều năm kiên trì, đến nay, xóm Nước Mù đã có 4 em tốt nghiệp THCS, trong đó 2 em đang theo học cấp 3, một em đi học nghề và 1 em đi làm ăn xa. Thầy Ánh bảo, thành quả đó là rất đáng mừng, song phía trước vẫn còn nhiều chông gai, thử thách, nên vẫn phải tiếp tục hành trình. Bởi mình chùn tay trước gian nan, thì một thế hệ trẻ ở Nước Mù sẽ lại giống như cha mẹ các em.
 
Tiếng ê a đọc bài của bọn trẻ cắt ngang câu chuyện cách trở bởi sông nước, núi non. Thứ âm thanh trong trẻo của những đứa trẻ Ca Dong phát ra đủ để những người thầy cắm bản vượt qua khó khăn, tiếp tục sự nghiệp trồng người và cũng đủ để những người lớn tuổi ở Nước Mù hiểu được giá trị của con chữ quan trọng đến nhường nào.
Ở lại giữ đất tổ tiên
 
“Trước đây, Nước Mù có khoảng 40 hộ dân. Qua các đợt vận động, một số hộ rời làng ra trung tâm xã dựng nhà ở. Nhưng 12 hộ còn lại thì nhất quyết không đi. Họ kiên trì bám làng, bám đất. Người dân nói họ ở lại để giữ mảnh đất của tổ tiên. Xã tôn trọng ý kiến của nhân dân, nên tới đây sẽ đầu tư xây dựng lại đường xá, cũng như hỗ trợ về y tế, điện chiếu sáng và nhiều vấn đề khác để người dân ổn định cuộc sống", Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua Đinh Minh Tôn cho biết.

 

TRẦN LÊ
 
 

.