Ông Mãi rèn

07:11, 13/11/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa sự "thoái trào" của nhiều làng nghề rèn truyền thống, tại xã Đức Tân (Mộ Đức) có một lò rèn luôn “đỏ lửa” suốt hơn 70 năm qua và được phát triển thành xưởng sản xuất nông ngư cụ nức tiếng ở địa phương.

Người gầy dựng, giữ lửa và phát triển lò rèn ấy là ông Nguyễn Mãi, ở thôn 1. Nay ông Mãi đã bước sang tuổi 83 và có hơn 70 năm "tuổi nghề".

TIN LIÊN QUAN

Một thời vang bóng

Mới 8 giờ sáng, nhưng lò rèn ông Mãi đã nhộn nhịp với những tiếng đập, gõ... Bên các lò đốt lửa sáng rực, hàng chục thợ mồ hôi nhễ nhại thoăn thoắt tay búa, nhanh tay cời than, rồi cầm cây kẹp dài gắp từng lưỡi dao đưa vào lò đốt. Xoay trở vài lần cho dao nóng đỏ, người thợ chuyển ngay ra đe và quai từng nhát búa uy lực, dứt khoát.

Cứ thế, “2 người làm nóng, 1 người làm nguội” liên tục tay búa, tay trở sống dao rất nhịp nhàng và khéo léo. Sau một hồi trên đe dưới búa nên dáng, nên hình và được thợ mài chuốt lưỡi dao thật sắc rồi tra cán.

Ông Nguyễn Mãi dù đã 83 tuổi vẫn gắn bó với nghề rèn.
Ông Nguyễn Mãi dù đã 83 tuổi vẫn gắn bó với nghề rèn.

Nghề rèn vốn chỉ dành cho những người “sức dài vai rộng”, để có thể thực hiện nhiều công đoạn nặng nhọc. Thế nhưng, điều đặc biệt là, trong số những người trực tiếp cầm búa ấy có cả ông Mãi, dù cụ đã bước sang tuổi 83. Từ việc cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình sản phẩm thì mài, dũa cho sắc... ông Mãi vẫn miệt mài tham gia.

Dù tay búa không còn chắc chắn và uy lực như xưa, nhưng những công đoạn có ý nghĩa quyết định đến chất lượng sản phẩm, ông Mãi vẫn trực tiếp thực hiện.

Hơn 70 năm gắn bó với nghề rèn, ông Mãi am tường cách rèn các loại nông, ngư cụ, nghe tiếng búa nện xuống đe chát chúa ông biết được sản phẩm đã "chín" hay chưa. Chắc do “máu” đã ngấm nghề, nên từ năm 17 tuổi ông Mãi đã tự làm được hầu hết các công đoạn của nghề rèn. Từ việc lựa chọn loại sắt, nổi lửa bếp lò, cho đến các khâu nung, đe búa, hàn gò, cưa mài...

Đến năm 20 tuổi, ông đã trở thành một “tay búa” lão luyện ở làng rèn Đức Tân. Hồi ấy, rất nhiều người dân trong làng và cả các vùng khác cũng tìm đến lò rèn của gia đình ông Mãi đặt làm dao, liềm, cuốc, rựa, xẻng, lưỡi cày... “Chẳng có món đồ nào làm khó được tay nghề của cụ thân sinh nhà tôi. Chỉ khó là sắt thép hiếm quá thôi”, anh Nguyễn Văn Dự, con trai ông Mãi, chia sẻ.

Lò rèn ông Mãi đã ứng dụng một số loại máy móc để giảm sức lao động.
Lò rèn ông Mãi đã ứng dụng một số loại máy móc để giảm sức lao động.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ, lò rèn ông Mãi cũng như các lò rèn ở xã Đức Tân còn tích cực tham gia “góp sức diệt thù” theo cách riêng của mình.

“Các lò rèn đỏ lửa ngày đêm, để chế tạo và sửa chữa các loại nông ngư cụ, dao, rựa, lưỡi lê để gửi ra tiền tuyến. Có thời điểm các lò rèn còn mài, tỉa mũi chông cho sắc, nhọn để làm bàn chông bẫy quân thù”, ông Mãi bồi hồi.

“Rèn là nghề danh tiếng của gia đình, là tâm huyết của cả cuộc đời tôi. Tôi may mắn có 3 con trai nối nghiệp nghề rèn và phát triển thành xưởng sản xuất nông ngư cụ. Nhưng quả thực, cái nghề “thổi lửa nung sắt” cực nhọc, lợi nhuận thấp, lại kén người, nên để duy trì xưởng rèn thì cần phải giữ "lửa nghề" trong mỗi người”.

Cụ NGUYỄN MÃI (83 tuổi).

Quyết tâm giữ nghề

Xã hội phát triển, các sản phẩm nông cụ làm thủ công không cạnh tranh nổi với sản phẩm sản xuất công nghiệp, khiến nhiều người bỏ nghề rèn. Không đành lòng nhìn nghề rèn mai một, ông Mãi quyết tâm bám trụ quê hương giữ “lửa” lò rèn. “Không thể cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp về giá cả và mẫu mã, thì mình phải khai thác triệt để đặc tính chắc, sắc, bền của nông cụ truyền thống”, ông Mãi bộc bạch.

Cùng với việc lặn lội “gõ cửa” từng nhà người dân ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, để giới thiệu sản phẩm, ông Mãi còn áp dụng chính sách bảo hành sản phẩm trong thời gian từ 1 - 3 tháng, tùy loại. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng, trang bị nhiều loại máy móc như: Máy cán, máy cắt sắt, máy mài, máy dập... để thực hiện một số công đoạn trong dây chuyền sản xuất, nhằm giảm sức lao động và chi phí sản xuất.

Sản phẩm của lò rèn ông Mãi vẫn được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Sản phẩm của lò rèn ông Mãi vẫn được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Nếu như trước đây, người thợ phải làm thủ công tất cả các khâu, từ cắt phôi, quai búa, rèn, làm nóng, nguội... nên làm xong một con dao cũng mất 3 giờ. Tuy nhiên, khi sử dụng máy mài, hay dùng quạt khò để thổi bể nung thay cho kéo bễ bằng tay thì thời gian sản xuất giảm hơn 60%.

Việc áp dụng máy móc không những tăng năng suất từ 10 - 15 lần so với làm thủ công, mà còn giúp lò rèn ông Mãi đa dạng các loại sản phẩm và mẫu mã. Hiện nay, ngoài việc sản xuất các loại dao, rựa, lưỡi cuốc, bay... truyền thống, lò rèn ông Mãi còn gia công, sửa chữa và chế tạo thành công các loại nông ngư cụ, đặc biệt là răng máy cày, để phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên.

“Với kinh nghiệm hơn 70 năm làm nghề rèn, ba tôi còn mày mò, nghiên cứu về dao máy, quy trình kỹ thuật rèn nhiều lớp, để đảm bảo độ sắc, dẻo, bền cho sản phẩm. Riêng răng máy cày còn phải đạt độ chuẩn xác cao, để không bị gãy khi lắp vào máy vận hành”, anh Dự cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Mãi, máy móc chỉ đảm nhận một vài công đoạn, còn quyết định “cái hồn” của nông cụ thủ công vẫn phải phụ thuộc vào kỹ thuật của thợ rèn. Vì vậy, hơn 70 năm qua, ông Mãi vẫn cần mẫn và miệt mài với cái nghề “thổi lửa nung sắt”, để truyền những kinh nghiệm quý cho những người thợ quyết tâm gắn bó với nghề. Hiện nay, lò rèn ông Mãi có 6 lao động làm việc thường xuyên, với thu nhập ổn định từ 300 - 400 nghìn đồng/người/ngày.

Hơn 70 năm qua, cái tên “Lò rèn ông Mãi” vẫn hoạt động ngày càng ổn định và phồn thịnh hơn. Và ở cái tuổi 83, ông Mãi vẫn đau đáu với nghề, vẫn kỳ vọng vào sự trường tồn của nghề rèn, như là một nét văn hóa đặc sắc của quê hương Đức Tân.

Muốn mở rộng, nhưng gặp khó

Điều khiến ông Mãi trăn trở là dù sản phẩm của lò rèn, nhất là bay (loại dùng cho thợ xây) và răng máy cày được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn, nhưng vì thiếu thợ, nên việc sản xuất chỉ thực hiện theo đơn hàng tại chỗ.

Bên cạnh đó, lò rèn và xưởng sản xuất nông ngư cụ nằm xen lẫn trong khu dân cư, diện tích mặt bằng hạn chế, tiếng ồn và bụi bẩn chưa được xử lý triệt để, nên ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô hoạt động sản xuất.

“Giữ và duy trì hoạt động của nghề truyền thống hơn 70 năm qua đã là một nỗ lực rất lớn của đại gia đình. Còn những vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất hiện nay, tôi rất mong Nhà nước quan tâm xem xét, tạo điều kiện để nghề rèn ngày càng phát triển”, ông Mãi gửi gắm.

Bài, ảnh: MỸ HOA            

 


.