Mở đường ra đại dương

03:07, 08/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau ngày tái lập tỉnh, hành trang “ra riêng” của Quảng Ngãi là hạ tầng giao thông xập xệ, "bí" đường ra biển... Trước tình hình đó, Tỉnh ủy quyết định bằng mọi giá phải xây dựng cảng biển. Hai năm sau, cảng Sa Kỳ chính thức hoàn thành, mở ra trang mới cho sự phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Ngay sau khi tái lập tỉnh, công cuộc tái thiết, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được gấp rút thực hiện. Trong đó, tìm đường ra biển là câu chuyện được tỉnh bàn thảo kỹ lưỡng trong các cuộc họp, rồi quyết định triển khai xây dựng cảng Sa Kỳ, mở cửa tiến ra đại dương...

TIN LIÊN QUAN

"Bí" đường ra biển

Hồi tưởng lại một thời gian khó, nguyên Giám đốc Sở GTVT Cao Xuân Thủy chia  sẻ: Sau khi ổn định công tác tổ chức, Tỉnh ủy triển khai các cuộc họp để nghe ý kiến đóng góp của các sở, ngành, trong đó đề ra chủ trương mở đường tiến ra biển. Thời điểm ấy, Quảng Ngãi với bờ biển dài 130km, nhưng không có cảng biển, tàu thuyền lớn phải đi ké cảng Quy Nhơn hoặc cảng Đà Nẵng.

Cảng Sa Kỳ được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và xuất nhập hàng hóa.                                                                          Ảnh: Bùi Thanh Trung
Cảng Sa Kỳ được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và xuất nhập hàng hóa. Ảnh: Bùi Thanh Trung

Ông Thủy bảo: Trước năm 1989, trung tâm tỉnh lỵ Nghĩa Bình nằm ở TP.Quy Nhơn, nên phần lớn các hoạt động đầu tư chủ yếu ở khu vực tỉnh Bình Định ngày nay. Còn phía bắc tỉnh chỉ được đầu tư ở một mức độ nhất định. Riêng cảng Quy Nhơn “phủ sóng” cả khu vực miền Trung, nên các khu vực cửa biển có lợi thế để xây dựng cảng biển như Sa Huỳnh, Mỹ Á, Sa Kỳ, Dung Quất... chưa được nghĩ đến. Chính điều đó dẫn đến hệ thống cảng biển của Quảng Ngãi sau ngày tái lập tỉnh chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

“Trước năm 1989 không có bất kỳ một kế hoạch nào xây dựng cảng biển từ Sa Huỳnh cho đến Khe Hai. Sau khi tách tỉnh, chúng ta mới có chủ trương mở đường ra biển. Một tỉnh có biển mà không tìm đường ra biển là một thất bại. Chính quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và sự ủng hộ của Trung ương, nên sau đó công cuộc mở đường ra biển mới được thực hiện một cách suôn sẻ”, ông Thủy hồi tưởng.

Hành trình mở biển

Để có cảng Sa Kỳ như hôm nay là cả một quá trình “ngày thi công, tối canh sóng” của hàng trăm công nhân, kỹ sư và cán bộ ngành GTVT. Nguyên Giám đốc Sở GTVT Cao Xuân Thủy kể: Để đầu tư xây dựng cảng Sa Kỳ là cả một câu chuyện dài. Tại các cuộc họp, có ý kiến đồng thuận, nhưng cũng có người cho rằng xây dựng cảng tốn kém, khu vực này nước nông, xây cảng không hiệu quả. Ngân sách cần tập trung để xây dựng, tái thiết các nội dung cấp thiết hơn...

Cảng Sa Kỳ tại thời điểm thi công vào năm 1991.  Ảnh: BQL Cảng Sa Kỳ cung cấp
Cảng Sa Kỳ tại thời điểm thi công vào năm 1991. Ảnh: BQL Cảng Sa Kỳ cung cấp

“Ngày đó, cảng Sa Kỳ hoang sơ, qua khảo sát ban đầu tầng đáy là lớp đá bàn rất lớn, mực nước trung bình chỉ khoảng 2m, vào các đợt triều xuống có điểm đá tảng nổi lên trên mặt nước. Tuy nhiên, Tỉnh ủy chỉ đạo bằng mọi giá phải làm cảng biển, đáp ứng cho tàu 1.000 tấn cập cảng.

Vì thế, ngoài anh em kỹ sư của Sở GTVT, để đảm bảo cho một bản thiết kế hoàn chỉnh, tránh thất bại sau khi xây dựng chúng tôi xin ý kiến Tỉnh ủy cho mời đoàn chuyên gia của Trung ương vào khảo sát. Nhờ đó mà kế hoạch xây dựng mới được tiến hành hanh thông”, ông Thủy nhớ lại.

Sau gần một năm nghiên cứu, khảo sát, ngụp lặn dò tìm đáy biển, ngày 18.5.1990, công trình cảng Sa Kỳ chính thức khởi công. Đã 30 năm trôi qua, nhưng trong ký ức ông Đỗ Thanh Duy, nguyên Phó Giám đốc Công ty Vận tải biển Quảng Ngãi thì đó là kỷ niệm không thể nào quên. Bởi ngày công trình khởi công cũng chính là ngày cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác, khi ông được UBND tỉnh điều động sang nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Cảng Sa Kỳ.

Ông Duy cho biết: Phương án thi công chính là dùng tàu hút bùn nạo vét lớp bùn đất bên trên, sau đó dùng gầu ngoạm của xe cẩu đặt trên xà lan tự hành nạo vét lớp đất, đá cứng bên dưới và kết hợp dùng thuốc nổ để phá đá. Thời gian đầu thi công rất khó khăn, do luồng cảng hẹp và cạn, nhất là khi triều xuống. Vào mùa mưa, bão, thì xà lan chở đất đá ra cửa biển nhiều lần bị sóng đánh dạt lên bờ.

Riêng tàu hút bùn chỉ hoạt động vào buổi sáng, còn buổi chiều thì ngừng do sóng lớn. Có những vị trí địa chất phức tạp nhà thầu phải thi công kết hợp cả cơ giới lẫn thủ công. Rồi hai bên luồng cảng là khu dân cư, trên bến tàu thuyền của ngư dân thường xuyên ra vào neo đậu nên kế hoạch nổ mìn, phá đá cũng rất gian nan.

“Khó khăn nhất là quá trình thi công cầu tàu gặp phải đá vỉa, nên phải nhờ Viện Khoa học kỹ thuật giao thông cử đoàn vào xử lý. Bên cạnh đó, nguồn vốn thiếu hụt, việc cung ứng vật liệu nổ không đảm bảo, thời tiết bất lợi, nên việc thông luồng chậm hơn so với dự kiến ban đầu”, ông Duy cho hay.

Với những cán bộ, kỹ sư từng “ăn trên xà lan, ngủ trên bến cảng”, thì công trình cảng Sa Kỳ là một kỷ niệm khó quên, với biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của họ đã đổ xuống. Ngày 17.9.1991, luồng cảng mở cửa cho chiếc tàu đầu tiên mang tên Ba Tơ, trọng tải 442 tấn vào cảng. Tiếp đến là tàu vận tải Sông Lô chở 400 tấn xi măng vượt qua được ghềnh đá để tiến vào luồng tàu bốc dở 200 tấn xi măng thi công dự án...

Tiến ra biển lớn

Ngày 15.11.1993, cảng Sa Kỳ chính thức được đưa vào khai thác, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với ngành vận tải biển của tỉnh.

Năm 2005, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách lớn, tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn trở thành tuyến giao thông thủy và UBND tỉnh quyết định sử dụng cầu cảng Sa Kỳ và Lý Sơn tiếp nhận phương tiện thủy nội địa. Cảng Sa Kỳ nhận thêm nhiệm vụ quản lý và khai thác tuyến đường thủy nội địa Sa Kỳ - Lý Sơn.

Cửa biển Sa Kỳ .                                   Ảnh: Bùi Thanh Trung
Cửa biển Sa Kỳ . Ảnh: Bùi Thanh Trung

Từ TP.Quảng Ngãi đi xuống hướng biển theo tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, cảng Sa Kỳ hiện được đầu tư khá khang trang bên chân sóng. Người, phương tiện tấp nập ra vào cảng. Dưới sông, hàng trăm tàu cá của ngư dân Bình Châu, Tịnh Kỳ neo đậu. Những chiếc tàu cao tốc liên tục ra vào cảng chở khách. Bao quanh cảng Sa Kỳ là những “khu phố” sầm uất, với những dãy nhà cao tầng của những ngư dân can trường bám biển.

Cảng Sa Kỳ ngày nay trở thành cảng biển nội địa khang trang ở khu vực miền Trung. Không chỉ phục vụ công tác vận chuyển khách, hàng hóa mà cảng Sa Kỳ còn là nơi neo trú của đội tàu đánh bắt hải sản lớn nhất nước. Mỗi ngày, tại cảng biển này những chiếc tàu cá nối đuôi nhau vượt trùng dương vươn ra biển khai thác hải sản.

Giám đốc Ban Quản lý Cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa Lê Tấn Hải cho biết: Sau 30 năm xây dựng, cảng Sa Kỳ đang dần khẳng định mình trên bản đồ hàng hải Việt Nam. Việc đầu tư, duy tu bảo dưỡng và nâng cấp những hạng mục căn bản của cảng trong thời gian qua đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của du khách, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư những chiếc tàu cao tốc trị giá hàng triệu đô.

“Đây là công trình không chỉ mang ý nghĩa về giao thông mà cảng Sa Kỳ còn mang trong mình một ý chí khác. Ý chí vươn ra biển lớn của những hùng binh Ba Làng An năm xưa”, ông Hải nhấn mạnh.

Sáng tinh mơ, tiếng còi tàu vang lên hồi dài, thuyền trưởng bẻ lái về hướng đông. Những con tàu lao nhanh về phía trước, cảng Sa Kỳ khuất dần trong lớp sương mờ, phía khơi xa đại dương bao la đang vẫy gọi...

 

Từng là cảng quốc tế

“Khi chưa có cảng Dung Quất, cảng Sa Kỳ đóng vai trò là nơi xuất nhập khẩu các mặt hàng, sản phẩm của tỉnh và “chia lửa” trong tiếp nhận hàng hóa của tỉnh Champasak (Lào), tỉnh quan hệ kết nghĩa với Quảng Ngãi, nhưng không có bờ biển. Vì thế, đây là công trình không chỉ mang ý nghĩa mở đường ra biển của tỉnh mà còn mang tính quốc tế”, nguyên Giám đốc Sở GTVT Cao Xuân Thủy cho hay.


LÊ ĐỨC









 


.