Đừng lỗi hẹn với sông Trà!

07:06, 30/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 7 này, Quảng Ngãi kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Dịp này, tỉnh sẽ khởi công xây dựng đập dâng sông Trà Khúc. Nhiều người cho rằng đây là cách mà Quảng Ngãi “bù đắp” cho dòng sông Trà, cải thiện môi sinh vùng hạ lưu, góp phần điểm tô cho thành phố bên sông.

TIN LIÊN QUAN

Chợt nhớ, đập dâng sông Trà từng một lần khởi công vào tháng 9.2010 rồi dừng lại, nên nhiều người mong khởi công lần này là đập dâng hiện hữu, để không lỗi hẹn với dòng sông!  

Mạch nối sông Trà

Sông Trà Khúc phát nguyên từ núi Đắc Tơ Rôn cao 2.350m, nằm ở phía đông dãy núi Ngọc Linh (Kon Tum) băng qua những cánh rừng lim bạt ngàn, ôm ấp những bản làng của người Hrê phía tây huyện lỵ Ba Tơ. Đã bao lần đi ngược dòng sông, chúng tôi ngất ngây trước những bờ cây lộc vừng trổ hoa, kết thành chuỗi, buông thõng làm tôn thêm vẻ đẹp, sự duyên dáng của dòng sông. Những bông hoa đỏ sau những ngày khoe sắc rồi lặng lẽ lìa cành theo gió tung bay như cánh tay vẫy chào từ biệt thượng nguồn trước khi trôi theo dòng nước, hứa hẹn một mùa sau, hoa thắm lại về bên dòng sông bạc.

Còn dòng sông Rin cũng bắt nguồn từ những dãy núi cao của Kon Tum đi qua những xóm làng của đồng bào Ca Dong. Khi đất trời chuyển sang xuân, bỏ lại sau lưng những ngày giá rét, chúng tôi hay ngắm những bẹ cau trắng ngần vươn ra từ trong thân, rồi mươi bữa, nửa tháng trổ bông. Hương cau nhè nhẹ thơm lừng khắp xóm vấn vương trên làn tóc dài của cô gái Ca Dong. Theo những cơn mưa, những bông hoa trắng lại trôi trên dòng nước bạc sông Rin như mang cả hương thơm về dưới đồng bằng.

 Sông Trà Khúc, đoạn dưới chân cầu Cửa Đại.
Sông Trà Khúc, đoạn dưới chân cầu Cửa Đại.

Mà chỉ đâu có thế, sông Trà còn hợp lưu từ dòng sông Tang xuyên qua những ngôi làng người Cor, với những rừng quế bạt ngàn. Trong mùa xuân, hoa quế nở đưa hương nên làng Cor thơm lừng hương quế. Những con ong mật sau mùa đông trú ngụ trong các hốc cây, giờ tha hồ bay đi tìm hương hoa. Chúng bay lượn lờ trên sườn đồi ven dòng suối, dòng sông như tiễn đưa con nước mang hương hoa của rừng quế, để hợp với những dòng sông nơi thượng nguồn sông Trà.

Đã nhiều lần lên mạn ngược, tôi đắm chìm trong khung cảnh làng quê ở lưng chừng núi khi mùa xuân đến. Những xóm làng của người Cor, Hrê, Ca Dong ven những dòng sông như thức dậy sau cơn ngủ đông dài. Trên sườn đồi lúa chín vàng ươm, các cô gái lưng mang gùi đi tuốt lúa về hong khô nơi đầu tra hay trên bếp lửa hồng. Rồi đồng bào lại cùng nhau dựng nêu, làm bánh, ủ rượu cần để cúng Giàng trong tết Ngã rạ, mừng mùa lúa mới. Khi đó, tiếng chiêng, tiếng trống ngân vang bay qua những nóc nhà lan đến triền sông, nên con nước trôi xuôi cũng mang theo cả sự rộn ràng của những ngày lễ hội.
 

Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc nối liền đôi bờ sông Trà thuộc địa bàn xã Nghĩa Dũng và Tịnh An (TP.Quảng Ngãi), cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 3,2km về phía hạ lưu. Đập bao gồm cổng ngăn sông có cửa van điều tiết và tràn cùng âu thuyền. Đập dâng nhằm giữ mực nước dâng hợp lý cho đoạn sông chảy qua TP.Quảng Ngãi, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường. Tổng vốn đầu tư đập dâng gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thành.

Rồi tất cả con nước hội tụ phía dưới cầu Hải Giá thành ngã ba sông, nơi hợp lưu của những dòng sông thành sông Trà. Sự hợp lưu là theo lẽ tự nhiên. Để rồi sông Trà chở đầy phù sa, sự tinh khiết của mạn nguồn và cả nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em làm quà tặng của đại ngàn gửi miền xuôi để con cá bống, con don, con lịch sinh sôi trên sông Trà, để những bờ xe nước từ xa xưa quay đều chậm rãi.

Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Trinh, tác giả của bức ảnh "Bờ xe nước sông Trà” nổi tiếng, từng nhiều năm lang thang chụp ảnh ở đôi bờ sông Trà. Ông yêu mến dòng sông và từng bộc bạch: "Với mình, sông Trà là dòng sông mẹ, cho người xứ Quảng không chỉ áo cơm mà cả thi ca, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa và cùng với núi Ấn làm nên biểu tượng của xứ Quảng mến yêu".

Dòng sông hào phóng

Như bao bạn bè cùng lứa, tôi lớn lên nơi vùng bán sơn địa nằm ở phía nam huyện lỵ Bình Sơn, cuối vùng "rừng ngang nước ngược”. Ngày xưa, sau vụ lúa tháng 3, bà con lo móc ách trâu, bò để cày đất úp rỏng phơi khô. Quãng tháng 5, nhà nhà lo sửa lại chiếc vồ đập đất.

Rồi sáng sớm, chiều mát hay những đêm trăng, vợ chồng, con cái kéo nhau ra đồng đập đất cục. Đến tháng 6, tháng 7, trước khi những cơn mưa giông tới là lo gieo giống trên đồng. Giống lúa trì trì, thân dài, thời gian sinh trưởng đến 6 tháng, có năm mưa muộn cây lúa còi cọc, có năm lũ sớm phải thu hoạch lúa xanh đem về ủ, rồi thức đêm treo đèn bắt trâu đi vòng quanh sân đạp lúa. Bát cơm nhọc nhằn tháng tám ngày ba.

Thế rồi, đập dâng Thạch Nham được xây dựng, ở 7 huyện, thành phố vùng đồng bằng bắt đầu phóng tuyến làm kênh. Rồi cái ngày ngăn dòng đưa con nước sông Trà về các huyện và TP.Quảng Ngãi, đôi bờ sông không còn những bờ xe nước nữa, nhưng ở nhiều làng quê, có nhiều người hưng phấn tột cùng để nguyên cả áo quần nhảy ào xuống dòng kênh xanh, bởi biết bao đời trông mong nguồn nước.  

Ở quê tôi, bà con vô cùng ngạc nhiên, bởi quê mình có dòng sông Trà Bồng soi tóc, nhưng nguồn nước tưới cho những cánh đồng gieo giờ là nguồn nước sông Trà Khúc. Cũng từ đó, bà con chính thức giã từ chiếc vồ đập cục để sạ, cấy với ba vụ rồi hai vụ ăn chắc, nên cuộc sống khá hơn lên. Con nước sông Trà qua hai tầng bơm vợi lên tận những cánh đồng vùng sơn địa thuộc xã Bình Tân, Bình Hòa. Đây là điều ít ai nghĩ tới.

Mà đâu chỉ quê tôi, ở các huyện phía nam của tỉnh như Đức Phổ, Mộ Đức, con nước sông Trà Khúc theo kênh mương Thạch Nham băng qua xi-phông sông Vệ theo kênh chính Nam đổ về làm nên những cánh đồng lúa xanh tươi tốt. Từ khi Quảng Ngãi xây dựng  KKT Dung Quất, Khu VSIP, KCN Tịnh Phong, nước sông Trà không chỉ đáp ứng cho sản xuất, cung cấp nước dân sinh cho TP.Quảng Ngãi mà còn hào phóng cung cấp nước để phát triển công nghiệp. Sự hào phóng của dòng sông càng rõ ràng hơn.

Đừng lỗi hẹn với dòng sông

Có những trưa hè nắng đổ lửa, tôi cởi xe ngang cầu Trà Khúc. Nhìn những cồn cát và đáy sông hiện rõ mồn một mà hiểu rõ hơn sự hy sinh, sự hào phóng của sông Trà. Bởi mùa hạ, sông ngăn dòng đem nguồn nước tưới cho trên 5 vạn hecta, thì vùng hạ lưu không cạn sao được. Rồi cũng vì ngăn sông, con cá bống, con don, con lịch, con cá đối, cá chẽm cũng ít hơn.

Sông Trà, dòng sông hào phóng.
Sông Trà, dòng sông hào phóng.

Có những năm nắng nóng kéo dài, thượng nguồn khô kiệt, hạ nguồn khan nước. Nước sông Trà không băng qua xi phông Thạch Nham, nên nước đưa về các dòng kênh cũng chậm. Thế rồi, Quảng Ngãi quyết định xây dựng hồ chứa nước Nước Trong, tích nước từ dòng sông Tang để cùng với thủy điện Đắkđrinh hỗ trợ nguồn nước cho đập dâng Thạch Nham, cho dòng sông Trà.

Hôm về Trà Xinh (Tây Trà) để nhìn những mộ chum được khai quật từ thung lũng sông Tang, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đưa tay chỉ những cánh rừng nói: Những cánh rừng, những mộ chum (hiện vật đặc trưng của Văn hóa Sa Huỳnh) này rồi sẽ chìm sâu xuống lòng hồ Nước Trong, nên việc khai quật cần được tiến hành nhanh chóng. Tôi hiểu sông Trà “cho" nhiều lắm cũng đã đến lúc con người phải để dòng sông “nhận” thêm nguồn nước, để  hoàn thành sứ mệnh của mình.

Sông Trà đã xây dựng hồ Nước Trong để tiếp nước, giờ khởi công xây dựng đập dâng hạ lưu sông Trà là để phục hồi nguồn nước vùng hạ lưu, để con cá bống, con cá chẽm tha hồ sinh sôi, tha hồ vùng vẫy, để thành phố trẻ soi bóng xuống dòng sông Trà. Đó là thêm một lần sông Trà được nhận. Nhưng rồi tôi chợt nhớ, đập dâng sông Trà đã một lần khởi công, sau đó bị dừng, nên nhiều năm mùa hạ về sông Trà oằn mình trong nắng. Lần khởi công này, ai chẳng mong sau vài năm là đập dâng hiện hữu, vươn đôi tay khỏe khoắn nối đôi bờ con sông. Sông Trà cho nhiều lắm, nên nhiều người suy nghĩ, không có lý gì để lỗi hẹn với dòng sông!  

Bài, ảnh: CẨM THƯ





 


.