Ánh sáng trong ngục tối

09:05, 20/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những cựu tù yêu nước ở Quảng Ngãi bảo rằng, đó là chuyện đã lâu, nhưng canh cánh mãi vì vẫn còn điều chưa thỏa nguyện, lâu như chính khoảng thời gian dài đằng đẵng mà cụ Từ Ty bị địch giam cầm hơn 30 năm từ thời Pháp đến thời Mỹ-ngụy. Cụ Từ Ty là người có thời gian bị địch giam cầm lâu nhất nước.

Cụ Từ Ty người làng Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Ông sinh năm 1900, mất năm 1982, nguyên là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa.

Thước phim của đời người

“Cụ Từ Ty xứng đáng được đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là mong muốn của những người tù yêu nước chúng tôi”, Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Lê Quang Ba mở đầu câu chuyện mà bấy lâu ông canh cánh trong lòng. Vậy là, chúng tôi lại có một chuyến đi để được nghe kể về một con người hiếm có trong cả nước này.

 Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (bên phải) trong một dịp đón cụ Từ Ty.  Ảnh chụp tư liệu
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (bên phải) trong một dịp đón cụ Từ Ty. Ảnh chụp tư liệu


Nhiều người bảo rằng, cuộc đời cụ Từ Ty là tấm gương sáng phải viết thành sách, đóng thành phim để mọi người noi theo. Từ làng Xuân Phổ đi đến khắp các miền quê, mọi người nhắc đến cụ Từ Ty với lòng tôn kính, cảm phục. Còn với địch, từ thời Pháp đến thời Mỹ-ngụy, nghe đến hai tiếng “Từ Ty” , bọn chúng đều khiếp sợ. Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Bình Sơn Huỳnh Duy Việt kể: Lúc bị giam ở nhà lao Quảng Ngãi, bọn cảnh sát khi dẫn cụ Từ Ty đi, chúng còng tay cụ lại vì sợ bị cụ đánh. Từ khi về lao Quảng Ngãi chưa thấy cụ đánh tên cảnh sát nào, thế mà chúng khiếp sợ, vì từ lâu đã nghe danh cụ. Ở trong tù, cụ đã giáo dục, chỉ bảo thế hệ trẻ giữ vững tinh thần đấu tranh đến cùng”.

Một đời người với hơn 30 năm bị địch giam cầm trong chốn lao tù, nhưng quyết đấu tranh vì lý tưởng cao đẹp của Đảng như cụ Từ Ty thì quả là không thể nào kể xiết. Chỉ có thể gói gọn trong trái tim mỗi người niềm cảm phục và tôn kính đối với cụ. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, là người giỏi võ nghệ, có lần cụ Từ Ty trực tiếp đánh trọng thương hai tên lính lệ trong lúc chúng đang theo lệnh vơ vét, cướp giật tài sản của nhân dân. Sự kiện này đã khích lệ tinh thần đấu tranh của người dân bị áp bức chống thực dân phong kiến. Cụ Từ Ty đã trực tiếp tham gia vận động hơn 3.000 người dân xuống đường đấu tranh ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh...

Năm 1931, cụ Từ Ty bị thực dân Pháp bắt giam. Địch bảo khai, ông hét vào mặt chúng: “Tao làm tao biết. Tao đòi Pháp trả độc lập cho Việt Nam. Bọn bây là người Việt Nam phải cùng tao đuổi Pháp”. Suốt 12 năm bị giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột, cụ Từ Ty cùng với đồng chí Phạm Kiệt... tổ chức lãnh đạo tù nhân đấu tranh đòi Pháp bỏ chế độ làm xâu, chăm lo bữa ăn cho người tù, không đánh đập tù nhân... Địch đánh đập, tra tấn dã man, làm cụ hỏng một mắt, nhưng vẫn không khuất phục được trái tim của người chiến sĩ cộng sản dũng cảm, kiên trung. Có lần, cụ đánh phủ đầu tên quan lại người Pháp cai quản nhà lao khi hắn mở cửa đàn áp tù nhân, sự việc này đã gây chấn động các nhà lao. Cuối cùng, cuộc đấu tranh thắng lợi, địch buộc phải nhượng bộ, giải quyết một phần yêu sách của tù nhân.

Khi mãn hạn tù năm 1942, cụ Từ Ty về quê tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 3. 1945, cụ được bầu làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Tư Nghĩa, Trưởng Ban kiến thiết kênh huyện Tư Nghĩa. Tháng 4.1945 cụ là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa.
 

Sau khi ra tù, cụ Từ Ty được Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trực tiếp đón tiếp với tình cảm quý trọng một con người đã cống hiến trọn cuộc đời cho Đảng, cho cách mạng, đã chịu đựng nỗi đau bị địch cầm tù, tra tấn dã man suốt hơn 30 năm. Địch hoảng sợ, đưa cụ đi đày hết nhà lao này đến nhà lao khác, nhưng đi đến đâu ông lại xây dựng phong trào chống chế độ hà khắc của địch đến đó, thắp sáng ngọn đuốc của Đảng, của cách mạng trong chốn lao tù, tiếp thêm sức mạnh để những người tù giữ vững khí tiết người cộng sản...

“Linh hồn” của nhà lao

Cái hôm cụ Từ Ty bị bắt năm 1955, địch đưa ông vào đồn bảo an rừng Lăng tra tấn dã man. Thấy rất đông người dân trong làng thương xót đi theo, cụ Từ Ty dõng dạc nói: “Về đi, nhìn dòng nước kênh Tư Nghĩa là thấy tôi”. Từ đây, cuộc đời của cụ Từ Ty trong chốn lao tù kéo dài đằng đẵng suốt hơn 20 năm.

Địch tra tấn, giam cụ ở nhiều nhà lao từ nhà lao Quảng Ngãi đến nhà lao Trung Việt (Huế), nhà lao Thừa phủ-Thừa Thiên Huế, Chí Hòa, Côn Đảo, Tân Hiệp. Mấy tên cảnh sát bảo: “Một người có gan thép”. Chúng không khai thác được bất kỳ thông tin gì của cụ Từ Ty, ngoài lời khai: “Chỉ có hai con đường, con đường làm tay sai cho ngoại bang, bắt tôi là phản dân, bán nước và con đường tôi bị bắt là vì độc lập, tự do của dân tộc”.

Ngày ấy, ở khám Chí Hòa vào sáng thứ 2 thường lệ ban giám thị tổ chức lễ chào cờ. Mấy tên cảnh sát buộc lá cờ 3 sọc vào dây kéo cờ. Khi viên giám thị phát lệnh làm lễ, bỗng có tiếng cười náo nhiệt ở một góc sân. Viên giám thị và bọn hiến binh chạy tới thì thấy cụ Từ Ty quay lưng về phía cột cờ, cuối xuống chổng mông lên cao. Cụ Từ Ty nói: “Cờ 3 sọc không phải cờ của tao, tao không chào. Tao chỉ chào cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam”. Thế là địch bỏ lệ chào cờ sáng thứ 2.

Ngay sau đó, địch đưa cụ Từ Ty ra Côn Đảo, rồi đưa vào nhà lao Tân Hiệp trong đất liền. Ở đây, cụ Từ Ty đưa phong trào đấu tranh của tù chính trị lên một bước mới. Sáng hôm đó, ban giám thị cho lính vào nhà giam bắt số tù là thanh niên đi lính, bổ sung cho quân số hao hụt sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 của quân và dân ta. Được tuyên truyền giác ngộ, anh em quyết tâm không chịu đi làm bia đỡ đạn cho địch. Một cuộc bạo động chống bắt lính đã diễn ra từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Tài lãnh đạo và đấu tranh kiên cường, bất khuất của cụ Từ Ty khiến cho địch hoảng sợ, chúng trả ông về Quảng Ngãi, để thực hiện mưu đồ đen tối hòng thủ tiêu người tù.

Ra đi ở tuổi 55, lúc trở về nhà lao Quảng Ngãi ông đã 73 tuổi. Trải qua hàng chục năm bị tra tấn, đánh đập, nên sức khỏe ông rất yếu, thế mà tinh thần đấu tranh thì vẫn như ngày nào. Ông Bùi Long Dũng (73 tuổi) cựu tù yêu nước hiện sống ở Kon Tum nhớ lại: “Cụ Từ Ty như là linh hồn của nhà lao Quảng Ngãi lúc bấy giờ. Trước đó chưa hề gặp mặt, nhưng chúng tôi luôn ngưỡng mộ, xem cụ như cha ông của mình, luôn noi theo tấm gương của cụ”.

Biết sức khỏe cụ Từ Ty yếu, nên tổ chức phân công ông Bùi Long Dũng cùng với anh em bí mật chăm sóc cụ. Tối 24.3.1975, khi bộ đội vào giải phóng nhà lao, các ông Bùi Long Dũng, Huỳnh Duy Việt cùng với anh em thay nhau cõng cụ Từ Ty vượt sông Trà Khúc về với tổ chức ở phía tây Sơn Tịnh... Ánh sáng của Đảng đã soi sáng trái tim, khối óc của người cộng sản kiên trung Từ Ty và những người tù yêu nước khác từ trong ngục tối. Ngày trở về, cụ Từ Ty sống vui vầy cùng với gia đình người cháu ruột gọi bằng bác và mãn nguyện với lòng khi thấy đất nước hòa bình, độc lập. Ông được cử làm Chủ tịch danh dự UBND huyện Tư Nghĩa, một chức vụ hiếm có, xuất phát từ lòng tôn kính của đảng bộ và nhân dân trong huyện.

Không một từ ngữ nào có thể nói hết công lao và sự hy sinh to lớn của cụ Từ Ty đối với cách mạng. Trở lại với mong ước của những cựu  tù yêu nước ở Quảng Ngãi về việc đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với cụ Từ Ty, đó là việc nên làm của thế hệ hôm nay để tỏ lòng tri ân. Còn trong trái tim của những người đồng chí, đồng đội của cụ Từ Ty, những cựu người tù chính trị ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung và trong lòng nhân dân, thì từ lâu cụ Từ Ty đã là một Anh hùng.

Kênh Từ Ty

Đến giờ, nhiều người dân ở huyện Tư Nghĩa vẫn nhắc đến cụ Từ Ty. Tên gọi “kênh Từ Ty” ở xã Quảng Phú lúc bấy giờ cũng từ nhân dân mà ra. Vì yêu mến cụ Từ Ty, nên người dân lấy tên cụ đặt cho tuyến kênh dài hơn 22km từ sông Trà dẫn nước tưới hàng nghìn hécta đất sản xuất ở các cánh đồng, do cụ Từ Ty chỉ đạo huy động sức dân xây dựng. Từ tuyến kênh này giúp người dân có cái ăn và đóng góp lương thực cho kháng chiến. Kênh Từ Ty đến nay vẫn còn.


PHƯƠNG LÝ


CÁC TIN KHÁC
.