Lặng thầm canh "mắt biển"

03:03, 02/03/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Màn đêm buông xuống trên đảo Lý Sơn. Tiếng sóng vỗ dạt vào ghềnh đá. Thấp thoáng phía đằng xa, ánh sáng từ ngọn hải đăng của Trạm đèn biển Lý Sơn lại tỏa ra. Mấy chục năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc với hơn hai vạn cư dân trên đảo tiền tiêu này.  
TIN LIÊN QUAN

Đằng sau ánh sáng của ngọn hải đăng ấy là những con người đang thầm lặng gác đêm, giữ cho “ánh sáng soi đường” trên biển không bao giờ tắt. Họ luôn canh cánh giữ gìn “mắt biển” luôn sáng, cho những con tàu đi về phía bình yên...

Ánh sáng từ trái tim

Ngay cổng ra vào của Trạm đèn biển Lý Sơn (thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Trung Bộ), dòng chữ: “Còn người còn đảo - Trái tim còn đập còn ánh sáng” được gắn trang trọng như để nhắc nhớ về sứ mệnh mà những con người đang ngày đêm gắn bó với ngọn hải đăng phải thực hiện. “Sống làm việc ở đảo phải biết giữ lấy đảo, giữ ánh sáng cho ngọn hải đăng. Còn người thì mới còn đảo. Trái tim anh em ở đây còn đập ngày nào, thì đèn còn ánh sáng ngày ấy”, Trạm phó Trạm đèn biển Lý Sơn Phạm Văn Có giải thích.
Hải đăng Lý Sơn sừng sững nhìn về phía biển.  Ảnh Minh Thu
Hải đăng Lý Sơn sừng sững nhìn về phía biển. Ảnh Minh Thu

Ở Trạm đèn “canh” ngọn hải đăng này, có tất thảy 8 người. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều có điểm chung là yêu nghề, luôn chung ý chí và cùng nhìn về một hướng: Giữ ánh sáng cho ngọn hải đăng. Họ lấy sự bình yên của những con tàu làm niềm vui cuộc sống, ngày đêm giữ cho “mắt biển” rực sáng giữa trùng khơi.   

 

Ngọn hải đăng Lý Sơn.
Ngọn hải đăng Lý Sơn.
Ngọn hải đăng Lý Sơn là một hình tháp trụ ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn). Hải đăng cao 45m, với 192 bậc thang xoắn. Dưới thời thuộc Pháp, ngọn hải đăng được đặt tên là: Phare Polo Canton (Sở Đèn pha), nay gọi là Trạm đèn. Ngọn hải đăng được xây cách biển chừng 80m, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trên đảo, là một trong những ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam.
Anh Bùi Ngọc Họa, quê Nam Định, là người đã có hơn 4 năm “gác đêm” ở ngọn hải đăng Lý Sơn. Anh đã gắn bó với nghề gác đèn đã 14 năm. Vào nghề từ năm 2005, thời kỳ đầu anh làm việc ở ngọn hải đăng Chân Mây (Huế), đến năm 2014, anh nhận quyết định đến làm việc tại Trạm đèn biển Lý Sơn cho tới nay. Suốt 10 năm công tác tại Trạm Đèn Chân Mây và 4 năm công tác tại Trạm đèn biển Lý Sơn là cũng chừng ấy thời gian anh xa gia đình. Cuộc sống riêng tư có phần thiệt thòi, song niềm vui trong công việc đã giúp anh phần nào vơi đi nỗi nhớ vợ con. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa rồi, anh Họa lại đón Tết với đồng nghiệp trên quê hương Hải đội Hoàng Sa.

“Đặc thù công việc nên tôi và anh em phải thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ tại trạm, đặc biệt là những ngày bão gió các anh em phải tăng cường bảo trì, bảo dưỡng thấu kính và đo độ rọi của đèn. Có hôm buổi cơm tối vừa dọn lên chưa kịp ăn là anh em phải bỏ đũa để lên đỉnh đèn thay nhau lau chùi thấu kính và đo độ rọi liên tục, nếu không nước mưa tạt mạnh vào thấu kính sẽ làm đèn không phát sáng được, ảnh hưởng đến tàu thuyền ngoài xa”, anh Họa chia sẻ.

“Gác đèn” cho biển yên bình

Đèn biển Lý Sơn thực hiện báo hiệu hàng hải, hỗ trợ cho người đi biển định hướng và xác định vị trí của tàu thuyền, báo hiệu chướng ngại vật nguy hiểm. Nhìn từ xa, đèn biển đứng sừng sững, tạo thành những cột mốc hết sức quan trọng để xác định đường cơ sở biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Họa cùng đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng đèn biển Lý Sơn ở độ cao 45m.
Anh Họa cùng đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng đèn biển Lý Sơn ở độ cao 45m.

Công việc “gác đèn” của những công nhân Trạm đèn biển Lý Sơn tưởng chừng như đơn giản, nhưng thật ra không kém phần khó khăn, vất vả. Nhiệm vụ chính của họ hằng ngày là lên xuống ngọn hải đăng để lau chùi các thấu kính và kiểm tra đèn, hệ thống điện, ghi chép nhật ký các nội dung liên quan, khắc phục, sửa chữa và báo cáo kịp thời các sự cố lên cấp trên. Mỗi đêm, các công nhân thay phiên nhau đo độ rọi của đèn để đảm bảo độ sáng, giúp tàu thuyền dễ quan sát, ra vào Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn hay đi qua vùng biển Lý Sơn an toàn.

Anh Phạm Văn Có cho biết: Do không khí ở ngoài đảo ảnh hưởng bởi vị mặn của nước biển, nên chỉ một buổi mà không lau chùi đèn thì hơi nước biển sẽ bám làm hư đèn hoặc giảm độ rọi. Vì thế, anh em phải liên tục thay phiên nhau lên xuống đỉnh đèn để lau thấu kính và đo độ rọi. "Trở ngại và khó khăn lớn nhất là mỗi khi có bão lớn. Đây là thời điểm mà đèn không phát sáng thì tàu thuyền hoạt động trong khu vực rất dễ xảy ra tai nạn, vì thế những ngày bão gió, anh em phải thức trắng đêm để duy trì ánh sáng đèn, giúp tàu thuyền qua lại được an toàn”, anh Có kể.

Theo anh Phan Văn Hiển, công nhân kỹ thuật Trạm đèn biển Lý Sơn, đến mùa đông mưa gió rất mạnh, nên Trạm phải huy động tất cả anh em cùng lúc thực hiện nhiệm vụ xuyên đêm. Mỗi lần lên đỉnh đèn thì chia ra nhiều ca, mỗi ca vài ba anh em. Những lúc ấy, mọi người tự bảo ban nhau ngoài việc cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, thì phải trông chừng lẫn nhau. Bởi làm việc ở độ cao 45m trong tiết trời mưa gió, nếu lơ là là có thể xảy ra tai nạn.

"Trở ngại và khó khăn lớn nhất là mỗi khi có bão lớn. Đây là thời điểm mà đèn không phát sáng thì tàu thuyền hoạt động trong khu vực rất dễ xảy ra tai nạn, vì thế những ngày bão gió, anh em phải thức trắng đêm để duy trì ánh sáng đèn, giúp tàu thuyền qua lại được an toàn”.

Trạm phó Trạm đèn biển Lý Sơn PHẠM VĂN CÓ

Nơi có ánh đèn là quê hương ta đó

Những công nhân Trạm đèn biển Lý Sơn luôn được bà con ngư dân quý mến. Sau những chuyến biển, nhiều ngư dân còn đem sản vật từ đại dương đến tặng và trò chuyện như người nhà. Hầu hết ngư dân Lý Sơn đều xem những công nhân gác đèn như người thân, sẻ chia nhiều chuyện buồn vui. Bởi nhờ có ánh sáng từ ngọn hải đăng, mà trong đêm tối, bão tố, những chuyến tàu của họ vẫn được soi đường về.

Ngư dân Nguyễn Gia Viên, ở xã An Vĩnh (Lý Sơn), chia sẻ: “Mặc dù đi biển bây giờ có sự hỗ trợ từ các trang thiết bị nghề cá hiện đại, nhưng với ngư dân gắn bó dài ngày giữa biển bao la, thì ánh sáng từ ngọn hải đăng vẫn mang lại sự ấm áp lạ thường. Mỗi lần quay về đất liền, thấy ánh đèn tỏa ra từ ngọn hải đăng Lý Sơn là biết quê hương đang rất gần rồi”.

Những cơn gió chướng nghịch mùa xuyên qua đỉnh ngọn hải đăng. Trong đêm khuya tĩnh mịch, những người “gác đêm” ở Trạm đèn biển Lý Sơn vẫn không chợp mắt. Họ thao thức với “sứ mệnh” là soi sáng cho biển bình yên, cũng là “bảo vệ” đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
 

Bài, ảnh: HỮU DANH

 

CÁC TIN KHÁC
.