Ngôi nhà đặc biệt

07:02, 23/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cô nhi viện Phú Hòa là một ngôi nhà đặc biệt vì nhiều lẽ. Ở đó, mỗi một phận đời đã là đặc biệt và niềm hạnh phúc được xây đắp từ mái ấm này cũng rất đặc biệt, đó là tình người cao quý.

TIN LIÊN QUAN

Đã 44 năm rồi, Cô nhi viện Phú Hòa ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) luôn đầy ắp tiếng cười. Lũ trẻ cứ tíu tít vây quanh các sơ như bên cạnh người mẹ hiền. Mỗi lần đến thăm cô nhi viện, tôi đều cảm thấy lòng mình nhẹ tênh bởi tình người...

Chuyện không quên

Theo năm tháng, lần lượt những đứa trẻ ở cô nhi viện lớn lên, rồi đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Những bé mồ côi khác lại đến với cô nhi viện như một mối lương duyên. Mọi thứ dần đổi thay theo năm tháng, nhưng  tình thương của các sơ ở cô nhi viện dành cho những đứa trẻ mồ côi thì vẫn thế, dù rằng lớp người sau thay thế lớp người trước.

 Hằng ngày, sơ Trung vẫn luôn ở bên cạnh để tập luyện giúp cháu Phúc Hưng phục hồi chức năng.
Hằng ngày, sơ Trung vẫn luôn ở bên cạnh để tập luyện giúp cháu Phúc Hưng phục hồi chức năng.


Một điều hết sức đặc biệt mà tôi đã nhận ra khi mới đây có dịp đến thăm cô nhi viện, đó là hai cây cốc trong sân nhà vẫn như năm xưa. Sửa sang lại nhà cửa cho đàng hoàng, nhưng các sơ vẫn giữ lại hai cây cốc với thân cây rất lớn, như để lưu giữ một phần lịch sử của cô nhi viện, đặc biệt là để nhớ về người mà các em nhỏ vẫn thường gọi là bà nội. Đó là sơ Nhung, người đã dành cả cuộc đời để chăm lo, nuôi dạy những đứa trẻ mồ côi ở Cô nhi viện Phú Hòa. Giờ thì sơ Nhung đã về với Chúa. Đó là hai cây cốc mà sơ Nhung đã trồng trong những ngày đầu khi chuyển cô nhi viện từ thị xã Quảng Ngãi về xã Tịnh Ấn Tây (lúc trước thuộc huyện Sơn Tịnh) vào năm 1975.

Người viết tiếp câu chuyện tình người ở Cô nhi viện Phú Hòa hiện nay là sơ Nguyễn Thị Trung, phụ trách cô nhi viện. Sơ Trung đã tình nguyện gắn bó với các cháu nhỏ mồ côi ở Phú Hòa, dẫu biết rằng phải vất vả, lo toan đủ bề. Sơ Trung tâm tình: “Theo nhà tu thì nơi đây gọi là cộng đoàn, cộng đoàn là chị lớn quản hết đàn em nhỏ. Với sơ thì đây là một gia đình, tất cả các sơ thay cha, thay mẹ nuôi dạy các em. Chỉ có tình thương mới giúp vượt qua mọi khó khăn, nuôi dạy những đứa trẻ nên người”.

Lần này ra thăm cô nhi viện, nhìn khắp vườn nhà, tôi vẫn không thấy Ba Khải. Sơ Trung mặt buồn thiu bảo: “Ba Khải vừa mới trở về quê nhà ở Tây Nguyên”. Lúc trước, lần nào ra thăm cô nhi viện tôi cũng thấy Ba Khải cặm cụi làm vườn. Nhà chỉ có mỗi Ba Khải là đàn ông, bởi vậy mọi công việc nặng nhọc đều do Ba Khải gánh vác. Ba Khải cũng là đứa trẻ mồ côi, được sơ Nhung nuôi dạy từ năm 17 tuổi, giờ thì ông đã ở tuổi 60.

Tôi vẫn thường nói vui: “Ba Khải là người giàu có nhất, vì lẽ ông có đến hàng chục đứa con”. Nhiều đứa trẻ lớn lên ở cô nhi viện đã xây dựng cuộc sống cho riêng mình, nhưng Ba Khải thì không, ông vẫn ở lại cùng sơ Nhung nuôi lớn những đứa trẻ.

Hơn 10 sào ruộng Ba Khải làm tất, rồi làm nghề xe thồ kiếm thêm thu nhập, để phụ nuôi các em nhỏ. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Ba Khải đạp chiếc xe ba gác chở hàng chục đứa trẻ đến trường mỗi ngày. Tình cảm Ba Khải để lại trong lòng của các sơ và các em nhỏ ở cô nhi viện rất sâu nặng. Ngày Ba Khải khoác ba lô lên đường, tất cả mọi người từ lớn chí nhỏ trong ngôi nhà đặc biệt này, đều òa khóc. Ba Khải bảo rằng: Ba Khải đã hứa khi mãn tang bà nội Ba Khải sẽ về quê. Ai rồi cũng phải già yếu, Ba Khải cũng vậy, lúc đó sẽ lại thêm phần vất vả cho các sơ và các em nhỏ khi phải chăm sóc Ba Khải.

Thế đấy, cuộc đời của Ba Khải là những chuỗi ngày vất vả cùng với các sơ lo cho đàn em nhỏ, chẳng một lời than vãn, mà Ba Khải xem đó như niềm vui của cuộc đời, bởi hơn ai hết ông thấu hiểu sự thiệt thòi của những đứa trẻ mồ côi. Thấy lũ trẻ thương nhớ Ba Khải, nên các sơ hứa là sẽ cho các con đi thăm Ba Khải vào dịp hè.

“Khi đón nhận các em thì xem như đó là niềm vui, là món quà Chúa trao cho mình. Vậy nên, dù khó khăn, vất vả đến mấy các sơ vẫn cố gắng chăm sóc, nuôi dạy các em tốt nhất trong khả năng của mình. Ước mong lớn nhất của sơ là ngôi nhà này luôn hạnh phúc”.

NGUYỄN THỊ TRUNG

 Tình người ở lại

Sơ Trung dẫn tôi vào căn phòng thăm cháu Phúc Hưng. “Hưng ơi, đầu khôn của con đâu?”, sơ Trung hỏi. Một bé trai với làn da trắng muốt, khuôn mặt rất dễ thương, nằm bất động trên chiếc giường nhỏ, tỏ ra mừng rỡ khi nghe thấy giọng nói của sơ Trung. Chỉ có sơ Trung là hiểu rõ ngôn ngữ mà cháu bé muốn nói. Cháu Phúc Hưng năm nay được 5 tuổi.

Vào cái đêm cô nhi viện đón nhận Phúc Hưng cũng vào dịp cận Tết, năm ấy trời lạnh buốt. Cháu bé vẫn chưa được cắt dây rốn, cất tiếng khóc trong đám mía ở trước cổng cô nhi viện. Lúc các sơ phát hiện đem vô nhà thì cơ thể Hưng đã tím tái. Thật may, cháu bé được cứu sống, nhưng lại bị bại não, nằm bất động.

 Sơ Trung bên cháu Thục Đoan và Phúc Nhân.
Sơ Trung bên cháu Thục Đoan và Phúc Nhân.


Các sơ đã đưa Hưng đi chữa trị khắp các bệnh viện, nhưng vẫn không biến chuyển. Ngày nào cũng vậy, sơ Trung kiên trì xoa bóp tay chân cho cháu bé để không bị co rút, giúp Hưng phát triển khả năng nhận biết. Đêm nào cũng vậy, sơ Trung nhẹ nhàng ngoáy đôi tai giúp cháu bé đi vào giấc ngủ say. Điều mà sơ Trung vẫn luôn nguyện cầu, đó là sẽ có phép nhiệm màu để Phúc Hưng bớt đi phần thiệt thòi, dù rằng điều mong ước rất giản đơn là cháu bé có thể ngồi, nói chuyện, cười vui...

Qua ghi chép từ cuốn lịch sử ở Cô nhi viện Phú Hòa thì đến nay từ ngôi nhà đặc biệt này có gần 150 đứa trẻ được nuôi lớn và đã ra ở riêng. Hiện tại, ở cô nhi viện đang nuôi dưỡng 33 cháu, có 2 cháu đang học đại học, 1 cháu học THPT, còn phần lớn là học THCS và tiểu học. Cháu Phúc Nhân là em út ở cô nhi viện, mới chỉ 4 tháng tuổi; kế đến là bé Thục Đoan tròn 1 năm tuổi. Các cháu ở cô nhi viện đều mang họ của các sơ. Những đứa trẻ đều được các sơ đặt cho tên gọi rất hay, con gái lót chữ “Hồng”, con trai lót chữ “Phúc”, như để gửi gắm ước nguyện cuộc đời của các em sẽ gặp nhiều hồng phúc, xua tan nỗi bất hạnh khi mới chào đời.

Mỗi một đứa trẻ đều có một câu chuyện buồn trong cuộc đời. Phúc Nhân thì nằm trong thùng mì tôm, bỏ rơi ngay trước cổng cô nhi viện, người dứt ruột đẻ ra chỉ kịp để lại tờ giấy nhờ nuôi  hộ. Còn Thục Đoan nằm trơ trọi trong lùm cây um tùm bên bờ Nam cầu Trà Khúc, chịu cảnh lạnh buốt trong những cơn mưa phùn. Sơ Trung tâm tình: “Không dám nói với các em là không cha, không mẹ, khi lớn lên các em sẽ tự mình nhận biết, các sơ tập cho các em biết sống tự lập, vì các sơ không thể ở mãi với các con. Các sơ cố gắng cho các con kiến thức, bởi vậy phải nỗ lực học tập để sau này lo cho tương lai, xây dựng cho mình mái ấm gia đình ấm no, hạnh phúc”.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ


CÁC TIN KHÁC
.