Hướng về phía mặt trời

01:01, 21/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cũng là phụ nữ, nhưng họ không may mắn như bao người khác, vì số phận không mỉm cười khi phải mang trong mình những khiếm khuyết của cơ thể. Nhưng nói về nghị lực vươn lên trong cuộc sống thì có lẽ rất ít người như họ.  

Đấy là câu chuyện của cô giáo dạy âm nhạc bị khiếm thị Võ Cẩm Giang (25 tuổi), ở tổ dân phố 3, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) và cô thợ may mất một chân Phan Thị Hồng Nga (46 tuổi), ở phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi. Họ như hoa hướng dương, dù thân thể mềm yếu nhưng luôn lạc quan, hướng về ánh mặt trời, với mong muốn mang lại những giá trị sống tốt đẹp nhất cho cộng đồng.

Nghị lực của cô gái trẻ

Ngày mới chào đón cô con gái đầu lòng, bố mẹ của Võ Cẩm Giang chưa kịp vui mừng thì lại nhận kết quả từ bác sĩ, Giang mắc bệnh thoái hóa võng mạc, hiện chưa có phương pháp điều trị. Những tháng ngày sau đó, bố mẹ Giang đã đưa em đi thăm khám khắp nơi với hy vọng có một kết quả khả quan hơn.

Chị Phan Thị Hồng Nga hạnh phúc bên con gái.
Chị Phan Thị Hồng Nga hạnh phúc bên con gái.

“Đi đủ các bệnh viện lớn nhỏ, nghe đâu có bác sĩ giỏi là chúng tôi đưa con đến khám, nhưng rồi sau nhiều năm ròng rã, chúng tôi vẫn không thể làm gì hơn. Bác sĩ bảo thị lực của Giang sẽ dần giảm theo thời gian và đến một lúc sẽ không thấy gì nữa. Điều tốt nhất cho mắt Giang là hạn chế học tập, nhằm tránh cho mắt điều tiết nhiều, để bảo vệ thị lực”, bà Trần Thị Thu Hòa, mẹ Giang chia sẻ.

Giang vốn là cô bé thông minh, chăm chỉ, thấy bạn bè đến trường, đi học, em nào chịu quanh quẩn ở nhà. Thấy vậy, bố mẹ Giang xin cho em đến trường. Lúc thị lực của Giang vẫn còn tốt, em luôn là học sinh giỏi. “Mọi việc diễn ra bình thường cho đến năm cấp 2, em bắt đầu cảm nhận thị lực của mình yếu đi rõ rệt. Từ những dòng chữ trên bảng mờ dần, rồi sau đó là chữ em viết ra cũng nhòe đi, không thể nhìn rõ được”, Giang kể.

"Em chỉ mong ở Quảng Ngãi sớm có ngôi trường dạy nhạc cho trẻ khuyết tật. Âm nhạc là thứ thanh âm rất đặc biệt, có thể gắn kết con người và xoa dịu những nỗi đau".

VÕ CẨM GIANG (25 tuổi), thị trấn La Hà (Tư Nghĩa)

Dù đã nghe và chuẩn bị tâm lý đón nhận căn bệnh của mình, nhưng ở độ tuổi còn quá nhỏ, Giang vẫn luôn mong có một phép màu. Giang nói: “Mỗi đêm, em luôn cầu nguyện, hy vọng bác sĩ đã nhầm và sáng mai tỉnh dậy, mắt em sẽ lại bình thường như các bạn”. Thế nhưng, bệnh tình của Giang diễn biến ngày càng nặng, đến năm lớp 10, khi thi chuyển cấp, Giang phải mang kính lúp để làm bài thi.

Dù sức khỏe, thị lực không như các bạn cùng trang lứa nhưng với sự nỗ lực, chuyên cần, Giang vẫn thi đỗ vào Trường THPT số 1 Tư Nghĩa. Thấy thị lực của con gái ngày càng suy giảm, lại phải chịu những cơn đau đầu khi học bài quá sức, bố mẹ đã khuyên Giang ở nhà và học một nghề nào đó nhẹ nhàng dành cho người khiếm thị, nhưng rồi đành chiều theo ước mơ chính đáng của cô con gái bé nhỏ.

“Mỗi lần nói nó nghỉ học, nó lại khóc và bảo, con muốn trở thành cô giáo, bố mẹ cho con thực hiện ước nguyện đó. Nghe con nói vậy, chúng tôi sao nỡ ngăn cản”, bà Hòa bộc bạch.

Trong suốt 3 năm học cấp 3, nhà trường, thầy cô và bạn bè đều biết bệnh của Giang, nên bài thi của em được in khổ chữ cực đại, các bạn trong lớp cũng thay phiên chép bài lại cho Giang... Với sự kiên trì không mệt mỏi, sau khi tốt nghiệp THPT, Giang được Trường Đại học Phạm Văn Đồng đặc cách cho em vào học ngành sư phạm văn, hoặc âm nhạc.

Dù được đặc cách vào học đại học, nhưng lúc bấy giờ, thị lực của Giang đã giảm rất nhiều, chỉ còn thấy chút ánh sáng, nên Giang chọn học hệ cao đẳng ngành sư phạm âm nhạc. Sau 3 năm học tập chăm chỉ, năm 2015, Giang tốt nghiệp.

“Ra trường, em mong muốn được dạy những người kém may mắn như mình nên nộp hồ sơ ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, nhưng trung tâm không có nhu cầu tuyển dụng. Bởi vậy, vài tháng sau, em mở một lớp dạy đàn organ tại nhà. Lúc đầu chỉ có vài học viên, sau đó số lượng ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm lớp học của em có khoảng hơn 20 học viên”, Giang cho biết.

Lớp học của Giang được tận dụng từ phòng khách của gia đình, những chiếc đàn organ để dạy học được mua từ số tiền Giang tiết kiệm được. Bàn tay của Giang thuần thục trên những phím đàn không khác bất kỳ một giáo viên âm nhạc nào. Hằng ngày, Giang vẫn âm thầm chỉ dạy, thắp lên tình yêu âm nhạc cho học trò của mình.

Bước qua giông bão cuộc đời

Những ai ở con hẻm đường Trần Quang Diệu, đều khắc sâu hình ảnh một người phụ nữ hiền lành, phong thái điềm đạm ngồi trên chiếc xe lăn may đồ cho khách. Với người dân ở đây, chị Phan Thị Hồng Nga là một người thợ may đặc biệt. Bởi chị Nga có số phận rất đặc biệt và dù gặp nhiều biến cố trong cuộc đời, nhưng chị vẫn luôn giữ cho mình sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống.

Năm 20 tuổi, Nga không may bị tai nạn giao thông. Từ một cô gái xinh đẹp, lành lặn, sau biến cố đó, Nga trở thành cô gái khuyết tật, mất một chân trái và chịu nhiều di chứng sau 6 lần đại phẫu.

 Cô giáo khiếm thị Võ Cẩm Giang đang dạy đàn cho học sinh.
Cô giáo khiếm thị Võ Cẩm Giang đang dạy đàn cho học sinh.


“Tôi bị cưa chân trái gần sát phần mông, nên quá trình hồi phục, vận động đi lại rất khó khăn. Đã có nhiều lúc tuyệt vọng, nhưng nghĩ đến cha mẹ, anh em bỏ cả công việc chăm sóc mình, nên đã tiếp thêm động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống”, chị Nga xúc động nhớ lại.

Sau hơn một năm nằm viện, ổn định sức khỏe, chị Nga vào Sài Gòn để học nghề may. Tại đây, chị gặp được tình yêu của cuộc đời mình. Thế nhưng, khi theo người yêu về Bến Tre ra mắt, chị gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình anh ấy. Lúc đấy, chị đang mang thai đứa con của anh, nhưng với lòng tự trọng, chị từ bỏ và âm thầm quay về quê sinh con.


Hành trình sinh nở, nuôi con của người mẹ đơn thân và tật nguyền như chị Nga là cả một quá trình nỗ lực phi thường và chưa bao giờ chị cho phép bản thân gục ngã. “Dù bị khuyết tật, nhưng tôi yêu thương và chăm sóc con như những người mẹ bình thường khác. Ngày con còn nhỏ, tôi dùng xe lắc đưa con đi học. Ngoài công việc may quần áo cho khách, thời gian còn lại tôi dành hết cho con gái”, chị Nga trải lòng.

Không phụ lòng người mẹ tảo tần, cháu Nguyễn Thùy Mỹ Hạnh nay đã là một thiếu nữ giỏi giang và vừa tốt nghiệp đại học. Vừa học giỏi, vừa có năng khiếu múa hát, năng nổ trong các hoạt động phong trào, nên vừa qua, Hạnh được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Đoàn phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi.

Hạnh chia sẻ: “Mẹ chính là thần tượng, là tấm gương sáng để em nỗ lực không ngừng. Cuộc đời mẹ dù gặp nhiều thăng trầm, nhưng mẹ em tự tin, bản lĩnh vượt qua, nên em sẽ phấn đấu trưởng thành hơn trong cuộc sống để mang lại niềm vui cho mẹ”.

Suốt 20 năm qua, để giữ chân được khách hàng, có tiền trang trải cuộc sống, chị Nga đã ra sức làm việc và luôn có trách nhiệm, tỉ mẫn trong từng xấp vải, hay bộ quần áo khách hàng mang đến may, sửa. “Tôi không muốn khách hàng đến với tiệm may của mình vì sự thương hại, nên tôi luôn cố gắng làm hài lòng mọi người thông qua những bộ đồ đẹp, chất lượng và giá cả phải chăng”, chị Nga chia sẻ. Chính vì sự tận tâm với nghề mà tiệm may của chị luôn đông khách, dù nằm nép mình trong con hẻm nhỏ, không có bảng hiệu.

Vừa qua, chị Nga được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Nữ khuyết tật tỉnh và chị luôn dốc lòng để CLB ngày một phát triển hơn. Chị Nga tâm sự: Đời người, ai cũng có lúc gặp khó khăn, biến cố, nhưng quan trọng là cách mỗi người hành động, buông xuôi hay mạnh mẽ đương đầu. Khi tham gia vào CLB Nữ khuyết tật tôi chỉ mong mình góp chút sức lực nhỏ bé để chia sẻ, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho các bạn nữ khuyết tật có thêm niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.
 

Tạo niềm tin cho người khuyết tật

Chị Phan Thị Hồng Nga cho biết: Người khuyết tật rất khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống, với nữ giới thì chặng đường ấy vất vả, gian truân hơn nhiều. Vì thế, khi tham gia CLB Nữ khuyết tật, tôi sẽ động viên, giúp mọi người có niềm tin. Bởi lẽ, nếu có niềm tin và biết hướng đến tương lai thì những nỗi buồn sẽ lùi dần về phía sau.


 Bài, ảnh: HIỀN THU
 


CÁC TIN KHÁC
.