"Bó đũa" ở Hoàng Sa

04:12, 22/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lênh đênh trên biển để mưu sinh, đặt cả cuộc đời nơi sóng biển Hoàng Sa, vùng đảo, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, những ngư phủ ở các làng biển Quảng Ngãi vẫn gương cao cờ Tổ quốc trên nóc những con tàu hằng ngày trực chỉ Hoàng Sa.

Trong cuộc mưu sinh với hải trình dài đằng đẵng ấy, từng con tàu, từng ngư phủ luôn vật lộn với phong ba bão táp, đối diện với bao hiểm nguy giữa biển khơi, nhưng chẳng ai sờn chí, cùng nhau đoàn kết giữ lấy ngư trường truyền thống. Họ mang theo tinh thần của câu chuyện “Bó đũa” ở Hoàng Sa...


Những "cột mốc sống"

“Chúng tôi nghĩ rằng, trên biển thì không thể nào chôn cắm được cột mốc lãnh hải biên cương, nhưng những con tàu ngư dân đảo Lý Sơn, của ngư dân Việt Nam, của Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải chúng tôi, những lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu là “cột mốc sống” để khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa là của Việt Nam”, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) Nguyễn Quốc Chinh (65 tuổi) quả quyết như vậy. Đấy cũng là suy nghĩ, lòng quyết tâm và khát vọng bám biển của tất cả ngư dân Quảng Ngãi.

 

Những ngư dân thoát chết trở về nhờ tình người trên biển.
Những ngư dân thoát chết trở về nhờ tình người trên biển.


Ngư trường truyền thống Hoàng Sa giờ đây đã là “vườn rau, ao cá” của ngư dân Việt Nam. “Vườn rau, ao cá ấy vẫn giữ được là nhờ ngư dân chúng tôi đã cùng nhau chung lưng đấu cật, giữ ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Nếu không có sự đoàn kết, tương trợ nhau, không có tình yêu biển đảo, thì anh em ngư dân chúng tôi không thể làm được điều này. Chúng tôi tự hào vì là những ngư dân sống và mưu sinh có trách nhiệm với Hoàng Sa”, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (Bình Sơn) Nguyễn Thanh Hùng nói lúc đưa chúng tôi về phía biển để gặp trực tiếp những ngư phủ Hoàng Sa một đời giữ biển.
 

Những lá cờ Tổ quốc trên nóc mỗi con tàu khi ra khơi là “cột mốc sống” để khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.


Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (Lý Sơn)
NGUYỄN QUỐC CHINH

Trời những ngày cuối đông vẫn còn xuất hiện những cơn mưa gió bất chợt, lưng chừng ở biển. Vậy nhưng, ở cảng biển Sa Kỳ, xã Bình Châu, ngư dân vẫn hối hả, réo gọi nhau khẩn trương chuẩn bị nhu yếu phẩm, lương thực, ngư lưới cụ cho những chuyến hải trình dài ngày ở Hoàng Sa.

Ngư dân Lê Văn Cúc, chủ tàu cá QNg-90036TS đang hối hả cùng với anh em bạn xuống tàu lo mọi thứ cho chuyến biển mới. Tàu anh đi Hoàng Sa một mình sao? Nghe hỏi, ngư dân Cúc đáp gỏn lọn: “Sao đi một mình được. Đi Hoàng Sa phải đi theo tổ, theo đội. Anh nhìn bên kia kìa, 4 con tàu của anh Đại, anh Phúc, anh Tẩn, anh Thanh sẽ cùng đi chung ra Hoàng Sa với tàu tôi. Mình đi đánh bắt theo đội, theo tổ ở Hoàng Sa sẽ yên tâm hơn rất nhiều”.      
 
Thật vậy! Bây giờ đi Hoàng Sa không có tàu đi đơn lẻ nữa. Anh em ngư dân đều đồng sức, đồng lòng cùng nhau ra Hoàng Sa. Họ đều xác định có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. “Mình không đi đánh bắt chung, không đoàn kết, không đồng lòng thì rất khó khăn khi ra Hoàng Sa mưu sinh. Ra Hoàng Sa anh em tình cảm lắm. Tàu nào hết dầu, hết nước đều được các tàu đi cùng hỗ trợ. Tàu nào gặp hoạn nạn thì cả đội tàu cùng tham gia cứu nạn bằng mọi giá”, ngư dân Dương Minh Thạnh, ở huyện Lý Sơn chia sẻ.

Nghĩa tình Hoàng Sa

Từ chung lưng đấu cật, những ngư phủ Quảng Ngãi đi biển Hoàng Sa đã viết lên những câu chuyện đẹp về nghĩa tình ở biển. Sống sót trở về sau cơn bão số 9 cách đây tròn 9 năm, nhưng đến giờ ngư dân Nguyễn Văn Tàu, chủ tàu cá QNg-95012TS, ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu vẫn nhớ như in những giây phút kinh hoàng ngoài đại dương, khi phải đối mặt với sóng gió cuồn cuộn, sự sống như “đèn treo trước gió” ở ngư trường Hoàng Sa.
 

Cứu người mà bỏ tàu thì anh Lựu về lại đất liền lấy gì đi biển. Nghĩ vậy, nên anh em chúng tôi làm liều, cố giúp được gì thì giúp”.


Ngư dân BÙI NGỌC LÀNH, ở xã Bình Châu (Bình Sơn).

Trước bão số 9, tàu của ngư dân Tàu rủ 2 tàu cá của ngư dân Trương Minh Quang và ngư dân Nguyễn Tẩn ở cùng địa phương đi biển. Ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa đánh bắt được vài ngày thì nghe tin bão tới. Vậy là cả ba tàu cá thông báo cho nhau thu dọn đồ nghề chạy tìm nơi trú bão. Ba chiếc tàu cá kè kè bên nhau vượt qua những trụ sóng cao ngút tìm chỗ trú. “Lúc đó, anh em chúng tôi quyết bám theo nhau để lỡ có tàu nào bị gặp nạn thì còn ứng cứu cho nhau”, ngư dân Tẩn kể lại.

Đến chiều ngày 28.9.2009, tàu của ngư dân Tàu bỗng nhiên bị chết máy, không di chuyển được nữa. Trong lúc nguy khốn, tàu cá của ngư dân Quang nhận được liên lạc liền quay ngược mũi tàu tăng tốc chạy đến tiếp cận tàu cá của ông Tàu rồi quăng dây buộc chặt tàu của ngư dân Tàu vào đuôi tàu của mình, rồi kéo tàu chạy trong bão. Nhờ đó, 13 ngư dân trên tàu cá của ngư dân Tàu đã được an toàn. “Khi đó, nếu không có tàu của anh Quang tới cứu kịp thời thì anh em trên tàu của tôi chết chắc, vì tàu không di chuyển, trôi tự do, chỉ cần gặp sóng lớn bổ vài lần sẽ chìm ngay”, ngư dân Tàu nhớ lại.

Hay như câu chuyện cảm động của nghĩa tình ngư phủ ở Hoàng Sa của ngư dân xảy ra hơn 3 năm trước (tháng 6.2015). Ba chiếc tàu cá QNg-90289TS của ngư dân Bùi Ngọc Lành, QNg-95193TS của ngư dân Phạm Trung Kiên và QNg-90479TS của ngư dân Võ Văn Lựu (đều ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đã sát cánh cùng nhau vượt qua hoạn nạn, dìu dắt nhau suốt 2 ngày 2 đêm từ Hoàng Sa trở về đất liền sau trận bão biển hãi hùng.

Ngư dân Lựu nhớ lại, ngày 17.6.2015, khi đánh bắt ở Hoàng Sa, thì tàu cá của ông bị sóng lớn đánh dạt vào rạn san hô, nguy hiểm cận kề. Nhận tin cứu nạn, hai tàu cá đi trong đội là tàu của ngư dân Lành và ngư dân Kiên liền ngưng đánh bắt để đi cứu tàu bạn. Lúc tàu ngư dân Lành và Kiên đến, ngư dân Lựu đề nghị chỉ cứu người chứ không cần cứu tàu, vì sóng lớn. Thế nhưng, hai chủ tàu là Lành và Kiên cùng anh em bạn kiên quyết cứu cả người và tàu của ngư dân Lựu. Vậy là, sau hơn một giờ người đẩy, tàu kéo, chiếc tàu QNg-90479TS đã rời khỏi rạn san hô trong niềm vui của gần 40 con người giữa trùng khơi.

Chuyện xả thân cứu bạn trên biển Hoàng Sa thì nhiều vô kể. Tàu QNg-90479TS của ngư dân Võ Văn Lựu cũng đã từng có hàng chục lần bỏ biển cứu tàu cá của ngư dân gặp nạn, như cứu tàu của ngư dân Võ Nhị, Phạm Văn Mỹ, Nguyễn Cư (xã Bình Châu), Trần Mai (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Mỗi chuyến biển ngưng đánh bắt để cứu và lai dắt tàu bị nạn từ Hoàng Sa về đất liền thì tổn thất hàng trăm triệu đồng, nhưng ngư dân Lựu tâm niệm đó là nghĩa tình ở biển, nên không tính toán thiệt hơn, tính mạng con người mới quan trọng, cứu người rồi người sẽ cứu mình.

 

Tàu QNg-90289TS của ngư dân Bùi Ngọc Lành và tàu QNg-95193TS của ngư dân Phạm Trung Kiên lai dắt tàu ngư dân Võ Văn Lựu bị nạn từ Hoàng Sa trở về.
Tàu QNg-90289TS của ngư dân Bùi Ngọc Lành và tàu QNg-95193TS của ngư dân Phạm Trung Kiên lai dắt tàu ngư dân Võ Văn Lựu bị nạn từ Hoàng Sa trở về.


Ngư dân Trương Quang Thế, chủ tàu cá QNg-95996 nói chắc nịch: “Ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa như chúng tôi đoàn kết lắm. Mỗi người là một chiếc đũa, nhiều chiếc đũa trở thành một bó đũa. Ấy là bó đũa ở Hoàng Sa mà không gì có thể bẻ gãy được.

Lắm lúc gặp nạn, tàu chìm anh em chúng tôi quyết sống chết cùng nhau chứ không bỏ ai, có lúc còn buộc chặt tay nhau trước lúc tàu chìm để sống thì cùng sống, chết thì cùng chết. Tất cả cùng đi đánh bắt trên biển, nên chuyện cứu nhau là việc phải làm. Mình không thể thấy tàu bạn gặp nạn mà không cứu”.

Ở Hoàng Sa tình người cao hơn tất cả. Hoàng Sa ấy vẫn là nơi ngư dân đến và về như mái nhà chung tự bao đời. “Bó đũa” đoàn kết trong mỗi ngư dân luôn luôn và sẽ trường tồn nơi ngư trường Hoàng Sa...


Bài, ảnh: VÕ MINH HUY

 


CÁC TIN KHÁC
.