Tình người nơi vùng lũ

04:10, 28/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, ông Phạm Sú (61 tuổi) và anh Hồ Thanh Hợp (40 tuổi) được nhiều người dân ở thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) nể phục về hành động xả thân cứu người trong bão, lũ.

TIN LIÊN QUAN

Tuy không cùng thế hệ và cuộc sống mỗi người cũng không giống nhau, nhưng cả hai người-một già, một trẻ đã để lại nhiều hành động đẹp và sự khâm phục trong lòng mọi người.


--------------------
Đồng hành... cứu người


Chúng tôi về vùng rốn lũ Hành Tín Tây để tìm hiểu cách bà con ở đây phòng chống thiên tai khi mùa mưa bão đã cận kề. Trong câu chuyện của người dân, hành động của ông Phạm Sú và anh Hồ Thanh Hợp được bà con nhắc đi, nhắc lại nhiều nhất. Theo sự chỉ dẫn của bà con trong thôn, chúng tôi tìm đến nhà họ để nghe kể về những lần chèo ghe trong lũ dữ đi cứu người.

 

"Cặp bài trùng", ông Phạm Sú và anh Hồ Thanh Hợp, đã gắn bó với nhau gần 20 năm để cứu người trong mưa, lũ.


Ngồi nhâm nhi ly trà nóng, ông Sú và anh Hợp kể cho tôi nghe về những câu chuyện như mới vừa xảy ra hôm qua. Năm 1999, đợt lũ lịch sử đột ngột đổ về, hơn 100 hộ dân của thôn Tân Hòa bị nhấn chìm trong lũ dữ. Năm đó, ông Sú quyết định chèo ghe đến từng nhà để cứu mọi người thoát khỏi cơn đại hồng thủy. Lúc chèo ghe ngang nhà anh Hợp, ông Sú "đánh tiếng" rủ chàng thanh niên Thanh Hợp đi cứu người. Và như "mệnh lệnh trái tim", anh Hợp khi ấy mới ngoài 20 tuổi đã cùng ông Sú vượt qua con nước lớn, đến từng nhà cứu bà con.

Ông Sú, nhớ lại: “Năm đó lũ lớn về đột ngột lắm. Toàn bộ nhà dân trong vùng đều bị nhấn chìm trong nước. Mình tôi chèo ghe đi trong đêm qua nhà thằng Hợp, đánh tiếng rủ, ấy thế mà nó không ngần ngại, cũng đi theo mình. Cái thằng tuy còn nhỏ, nhưng nhiệt tình lắm, chẳng ngại khó khăn, nguy hiểm gì. Cứ vậy, năm nào có lũ, tôi với nó cũng đồng hành trên một chiếc ghe đến hết nhà tới nhà, đưa bà con đến nơi an toàn nhất”.

 

“Nghề chính của tôi là nghề mộc, chủ yếu là đóng ghe, thuyền cho bà con, nhưng tôi cũng đóng riêng cho mình một cái ghe chắc chắn để khi lũ về, bà con cần thì mình đến cứu”.


Ông PHẠM SÚ (61 tuổi), ở thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành)


Anh Hợp có dáng người nhỏ nhắn, nhưng rất lanh lợi. Năm nào có lũ lớn, anh cũng thức trắng đêm trên chiếc ghe nhỏ cùng ông Sú đến từng nhà, cứu từng người. Công việc vất vả lại vô cùng nguy hiểm, nên vợ con anh chẳng ai đồng ý. "Nhưng mình nghĩ, không lẽ ông Sú tuổi cao mà còn làm được, mình tuổi trẻ không làm được hay sao? Nghĩ vậy, nên tôi quyết định cùng ông Sú làm công việc này. Cứ vậy, hễ đến mùa mưa lũ, hai chúng tôi lại mang ghe ra, để đi cứu người. Vợ con trách rồi từ từ họ sẽ hiểu việc mình làm thôi”, anh Hợp trải lòng.

Ở vùng rốn lũ, ai cũng biết hoàn cảnh gia đình anh Hợp rất khó khăn. Gia đình anh chỉ mới thoát nghèo một năm trước. Nhưng khi người dân cần, anh Hợp chẳng hề tính đến chuyện thiệt hơn. Giờ đây, chiếc ghe gắn bó với hai người đã cũ, nên cả hai lại góp tiền đóng chiếc ghe mới, để sẵn sàng đến đón bà con trong thôn xóm trên chiếc ghe an toàn mỗi khi lũ về.
 

--------------------
Cứu người bằng cả cái tâm


Năm 18 tuổi, khi ấy ông Sú còn là cậu thanh niên cường tráng. Những ngày theo cha hành nghề sông nước, lênh đênh dọc dòng sông Vệ, nên ông biết được lúc nào nước lớn, nước ròng. Duy có điều, mùa mưa, lũ về đột ngột không ai lường trước được, nên nhiều người không kịp trở tay. Do đó, việc cứu người thoát khỏi nguy hiểm phải thật chủ động.
 

“Tôi đứng trên nóc nhà nghe tiếng gọi của chú Sú: "Trung ơi! Mày còn ở đó không vậy?". Nghe tiếng gọi, vợ chồng tôi mừng quýnh. Thế rồi, chúng tôi được đưa lên ghe và đến nơi tránh lũ một cách an toàn. Quả thật, công ơn cứu vợ chồng tôi của chú Sú và anh Hợp, suốt đời tôi không bao giờ quên”.


Anh LÊ QUANG TRUNG

Chẳng khác ông Sú, anh Hợp cũng hiểu và nắm trong lòng bàn tay về địa thế, cũng như nơi nào an toàn để kịp thời di dời bà con. Nhờ đó mà hai người kết hợp rất ăn ý và hiểu tính nhau khi làm công việc này.

Tính đến nay, “cặp bài trùng” này đã gắn bó và đồng hành đã gần 20 mùa lũ. Hàng trăm người đã được họ cứu sống, vượt qua những cơn đại hồng thủy để giữ lấy tính mạng. Câu chuyện kể của vợ chồng anh Lê Quang Trung, cùng thôn với ông Sú và anh Hợp đã giúp chúng tôi hiểu hơn về việc cứu người bằng cả cái tâm của họ.

Đợt lũ năm 2013, căn nhà cấp bốn mới xây của vợ chồng anh Trung bị nhấn chìm hoàn toàn trong nước. Cả hai vợ chồng phải leo lên tận nóc nhà để tìm cách thoát thân và cầu mong có người tới cứu mình.

Càng về khuya nước lũ càng lên nhanh, vợ chồng anh Trung ngỡ rằng sẽ không thoát được trong cơn đại hồng thủy ấy. May thay, trong lúc “thập tử nhất sinh” thì chiếc ghe của ông Sú và anh Hợp đã đến kịp thời. “Tôi đứng trên nóc nhà nghe tiếng gọi của chú Sú: "Trung ơi! Mày còn ở đó không vậy?" Nghe tiếng gọi, vợ chồng tôi mừng quýnh.

Thế rồi, chúng tôi được đưa lên ghe và đến nơi tránh lũ một cách an toàn. Quả thật, công ơn cứu vợ chồng tôi của chú Sú và anh Hợp, suốt đời tôi không bao giờ quên”, anh Trung chia sẻ. Sau đợt lũ, cả gia tài của vợ chồng anh Trung cũng trôi theo dòng nước, nhưng tính mạng họ được cứu sống nhờ công lao của ông Sú và anh Hợp, để rồi giờ đây, vợ chồng anh lại gầy dựng nên một cơ ngơi vững chãi hơn xưa.

Chuyện về những lần ông Sú và anh Hợp chèo ghe qua những vùng hiểm nguy để cứu bà con trong thôn xóm đếm không xuể. Mới nhất là đợt lũ năm 2017. Khi đó, nước lớn, chảy xiết tràn qua cánh đồng hai thôn Tân Hòa, Đồng Miếu, khiến nhà cửa, ruộng vườn của mọi người đều bị nhấn chìm. Ai nấy cũng lo tản cư khắp nơi để tránh lũ, duy chỉ có anh Hợp và ông Sú lại lặn lội trên chiếc ghe nhỏ đưa hết người này đến người khác đến vùng an toàn.

“Lần đó, bà Ngô Thị Bịp bị kẹt trong nhà, vì xung quanh đều bị lũ bao vây. Tôi cùng ông Sú chèo ghe và tìm mọi cách để đưa bà Bịp vào núi Đất để tránh lũ. Lúc ấy đã hơn 12 giờ đêm, trời tối như mực. Trên đường đi, ghe bị vướng phải dây điện. Nhưng nghĩ đến tính mạng của bà Bịp, nên cả hai đều bình tĩnh tìm cách tháo gỡ dây điện và cố gắng đưa bà Bịp đến nơi an toàn”, anh Hợp tâm sự.

Mỗi năm, cứ đến mùa mưa, ông Sú và anh Hợp lại gác chuyện gia đình để làm việc nghĩa nhân. Công việc nặng nhọc, hiểm nguy là thế, nhưng họ không nề hà, mà còn làm với tinh thần đầy trách nhiệm, thậm chí có khi, họ quên cả bản thân và gia đình. “Tôi nhớ có lần, đưa hết bà con đến nơi tránh lũ an toàn, lúc về nhà thấy bao nhiêu ván, gỗ của mình bị trôi theo dòng nước, cũng đành bất lực nhìn theo. Gia tài, của cải của mình cũng tiếc thật, nhưng tính mạng của bà con vẫn là trên hết”, ông Sú tâm sự.


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU



 


CÁC TIN KHÁC
.