Nỗi đau và sức sống

02:10, 16/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nỗi đau mà những nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) đã phải gánh chịu không thể nói hết bằng lời. Điều đáng khâm phục ở họ là niềm tin và sức sống mãnh liệt, nhiều người đã trở thành tấm gương sáng, tiếp thêm nghị lực cho những người đồng cảnh để xóa tan mặc cảm và nỗi đau, thay vào đó là niềm vui và hy vọng.

TIN LIÊN QUAN

Hôm rồi, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Đào Đình Hùng gặp chúng tôi bảo: “Tại Đại hội Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh lần này, chúng tôi sẽ kể những câu chuyện về nỗi đau và sức sống, câu chuyện được viết nên từ nước mắt và nghị lực của chính những NNCĐDC”. “Nỗi đau và sức sống” cũng là tựa đề cuốn sách MÀ Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh sẽ phát hành trong dịp đại hội lần này.

Gương sáng cho người khuyết tật

Nhiều người biết đến Trần Tuấn Kiệt, quê xã Phổ Vinh (Đức Phổ), một chàng trai khuyết tật đã vượt lên chính mình. Chàng trai này “lận lưng” đến 3 tấm bằng đại học và 1 bằng cao đẳng, làm đủ thứ nghề để nuôi sống bản thân và lo cho gia đình. Giờ thì Trần Tuấn Kiệt là Chủ tịch Hội Người Khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi. Kiệt đang từng ngày nỗ lực để giúp những người đồng cảnh ngộ xóa bỏ tự ti, mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng bằng chính niềm tin và nghị lực như cách mà Kiệt đã và đang trải qua.

 

Trần Tuấn Kiệt dạy kèm tại nhà trọ để kiếm sống. Nhiều học sinh do Kiệt hướng dẫn ôn tập đã thi đỗ vào các trường đại học.
Trần Tuấn Kiệt dạy kèm tại nhà trọ để kiếm sống. Nhiều học sinh do Kiệt hướng dẫn ôn tập đã thi đỗ vào các trường đại học.


Vừa gặp chúng tôi, Kiệt hồ hởi cho biết, Hội Người Khuyết tật tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật ở 2 xã Hành Đức và Hành Nhân (Nghĩa Hành). Người khuyết tật được hỗ trợ bò giống, gà và được hướng dẫn kỹ thuật để phát triển chăn nuôi; xây dựng đường dẫn dành riêng cho người khuyết tật. “Nếu mô hình triển khai hiệu quả, thì Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam sẽ tiếp tục tài trợ kinh phí để nhân rộng. Hội quyết tâm giúp đỡ nhiều người khuyết tật hòa nhập cộng đồng”, Kiệt nói với vẻ mặt đầy hy vọng.

“Không nên đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của chính mình, tôi đã học được điều đó từ chính tấm gương của Trần Tuấn Kiệt”.

Một người khuyết tật

Ở Quảng Ngãi hiện có đến hơn 50 nghìn người khuyết tật, nhiều người trong số đó đang sống trong sự tự ti, thu mình với xã hội bên ngoài. Kiệt thấu hiểu nỗi đau mà những người khuyết tật phải trải qua, cũng giống như trước đây, Kiệt đã nhiều lần tự đấu tranh với chính mình. “Không thể gục ngã”, Kiệt đã tự dặn mình như thế. Và giờ đây, anh đã truyền ngọn lửa của niềm tin và hy vọng đến với nhiều người khuyết tật.

Trần Tuấn Kiệt đã đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh tập huấn nâng cao năng lực cho người khuyết tật. “Không nên đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của chính mình, tôi đã học được điều đó từ chính tấm gương của Trần Tuấn Kiệt”, một người bạn khuyết tật tâm tình.

Trở lại với câu chuyện về cuộc đời của Trần Tuấn Kiệt, từ một cậu bé năm lên 3 tuổi đã không thể đi lại trên đôi chân co quắp, thay vào đó là đôi nạn gỗ và từ những con chữ “ê”, “a”... Kiệt đã tìm thấy niềm vui trong cuộc đời mình. Gia đình nghèo khó, bố làm thợ hồ, mẹ làm nông, nên Kiệt đã phải tự gồng gánh khi học đại học.

“Mày là cái thằng chỉ sống bằng lý trí”, những người bạn của Kiệt vẫn thường bảo thế. “Ừ thì cũng có trái tim, nhưng trái tim không cho phép mình mềm yếu”, Kiệt đáp lời. Kiệt làm “thợ đụng” để có tiền học đại học, từ việc dạy kèm, bán hoa ở chợ, trông coi tiệm Internet, nhận sửa các thiết bị điện... Có khi cả tháng trời Kiệt ăn mì tôm thay cơm, để dành tiền đóng học phí. Đến giờ Kiệt vẫn sống bằng nghề dạy kèm, dù tốt nghiệp loại giỏi ngành Toán-Tin hệ chính quy Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và có nhiều bằng đại học khác.

Trần Tuấn Kiệt kể, hồi mới tốt nghiệp đại học ôm hồ sơ đi xin việc khắp nơi, nhưng cũng bởi đi bằng đôi nạn gỗ, nên đâu có ai nhận. Ngay cả khi đến nhà dạy kèm, nhiều người cũng dè bỉu, không tin vào khả năng của người khuyết tật. "Bây giờ, ngay cả đến trụ sở UBND xã, bệnh viện hay các địa điểm vui chơi công cộng khác cũng làm gì có lối đi cho người khuyết tật, nên nhiều người khuyết tật sống thu mình là vậy”, Kiệt nói.

Lớp học của thầy giáo Trần Tuấn Kiệt có rất đông học trò, trong đó nhiều con em của người khuyết tật được học miễn phí. Nhiều em đã thi đỗ vào các trường đại học trong cả nước. Trong khả năng của mình, Kiệt luôn cố gắng giúp đỡ người khuyết tật. Kiệt báo tin vui, đến nay Hội Người khuyết tật tỉnh đã phát triển được 300 hội viên, có 2 địa phương đã thành lập huyện hội là Mộ Đức và Sơn Tịnh. Hy vọng sắp đến sẽ có nhiều địa phương trong tỉnh thành lập hội người khuyết tật để làm điểm tựa cho những phận đời kém may mắn.

Vượt lên nỗi đau

Ông Đào Đình Hùng bộc bạch: “Sẽ không thể xóa nhòa nỗi đau mà những NNCĐDC và gia đình của họ đã và đang hằng ngày, hằng giờ phải gánh chịu. Thật đáng nể phục những NNCĐDC đã vượt lên chính mình, đó cũng là niềm vui để những người làm công tác hội chúng tôi tiếp tục góp sức vì NNCĐDC”.

Trên hành trình ghi lại câu chuyện về nỗi đau và sức sống của NNCĐDC, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Văn Núc (thương binh 4/4), ở thôn Long Bàn Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành). Ngẫm lại quãng thời gian đã qua, ông Núc nói: “Cứ như mơ, giấc mơ mà ở đó cái khổ không đâu bằng, giờ thì tiền đầy túi. Có điều vẫn còn lo...”.

Không lo sao được khi đứa con trai út của ông bà bị mù do ảnh hưởng chất độc hóa học. Ông Núc bảo, là bộ đội nên ăn ngủ ở rừng là chuyện thường, đâu có biết mình bị nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ  rải xuống chiến trường. “Đến khi thằng út chào đời tôi mới biết là do di chứng của chất độc hóa học. Thằng nhỏ chịu nhiều thiệt thòi, 37 tuổi đời mà suốt ngày chỉ biết quanh quẩn trong nhà, vợ chồng tôi đau lòng lắm”, ông Núc tâm tình.

 

Chủ tịch hội không nhận phụ cấp

Là Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh, vừa phải lo toan cuộc sống của chính mình, vừa làm nhiều việc để giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, nhưng Trần Tuấn Kiệt lại không nhận đồng phụ cấp nào. Kiệt cười hiền bảo: “Chỉ mong người khuyết tật có thêm nhiều cơ hội để hòa nhập cộng đồng, thế là vui rồi”.


Đức tính chịu thương, chịu khó của vợ chồng ông Lê Văn Núc được Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh biểu dương, coi đó là tấm gương sáng để động viên những gia đình NNCĐDC khác trên địa bàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống. Trên mảnh đất gò đồi đầy hố bom, mìn, nơi mà quanh năm chẳng có ai đặt chân đến, vợ chồng ông Núc ngày qua ngày vỡ đất trồng trọt, chăn nuôi.

Ông Núc mặc kệ cho vết thương thời chiến vẫn hay đau nhức mỗi khi trái gió trở trời, kệ cho những biến chứng của chất độc hóa học, ông vẫn lấy lao động làm niềm vui trong cuộc sống. Lấy ngắn nuôi dài, dần dà thì vợ chồng ông cũng có của ăn, của để. Giờ thì mỗi năm vợ chồng ông Núc thu nhập hơn 400 triệu đồng từ rừng keo hơn 7ha, hơn 7.000m2 cây ăn trái và hàng nghìn cây cau... Ông Núc bảo, chẳng phải là kỳ tích gì to tát, chỉ là kiên trì, nỗ lực sẽ có ngày thành công, trong cuộc sống cần niềm tin và nghị lực để vươn lên.

Vâng, niềm tin và nghị lực đã giúp Trần Tuấn Kiệt và ông Lê Văn Núc vượt qua “chông gai” của cuộc đời. Câu chuyện về nỗi đau và sức sống của những NNCĐDC/Dioxin sẽ luôn được trân trọng, bởi nghị lực phi thường đã giúp họ vượt qua nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, vượt qua số phận bất hạnh, để không trở thành gánh nặng cho xã hội và tìm thấy niềm vui trong cuộc đời.


 Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


CÁC TIN KHÁC
.