Chuyện người Ba Tơ dấn thân trên đất Tây Nguyên

05:09, 29/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làm đến Bí thư Huyện ủy như ông mà phải cấy thêm lúa, làm rẫy trồng mì, bắp... Cứ mùa đến là lúa, bắp lại đầy kho trong nhà. Ông giã lúa để lấy gạo ăn, nhưng lại không biết sàng sảy nên phải đổ hết vào xoong, trấu nổi lên còn gạo thì chìm xuống, vớt lên nấu cho con ăn khi vợ không còn.

Ông là Đinh Văn Bích, dân tộc Hrê, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kon Tum. Quê ông ở xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ; hiện sống ở làng Kon Tu 2, một làng nằm ven phường Trường Chinh, TP. Kon Tum.

Dù đã nghỉ hưu được hơn 10 năm, nhưng hình ảnh của ông vẫn luôn khơi gợi cho tôi những kỷ niệm về một con người với bao chuyện về dân, về Đảng, chuyện cả cuộc đời theo Đảng làm cách mạng.

Ra đi từ quê hương Ba Tơ

Thời thơ ấu của ông gắn bó với núi rừng, nương rẫy, nhưng cơm chẳng đủ ăn, muối không có, ốm đau phải lấy lá rừng thay thuốc... Quê hương ông nằm trong vùng địch tạm chiếm, người dân sống nơm nớp trong chiến tranh và đói khổ. Nghe cán bộ người Kinh ở đồng bằng nói rằng: “Phải đi học, có cái chữ thì sau này lúa mới nhiều bông, bắp thêm nhiều hạt, đời mới đỡ khổ”, nên cha mẹ ông đã gửi ông xuống huyện Đức Phổ để học thầy giáo làng Nguyễn Văn Thẩm. Chỉ một thầy, một trò học trong hai năm và gia đình ông trả công thầy bằng lúa gạo.
 

 

Tác giả trò chuyện với ông Đinh Văn Bích. ẢNH: N.V.C
Tác giả trò chuyện với ông Đinh Văn Bích. ẢNH: N.V.C

Năm 1954, chủ trương của Đảng mở các lớp bình dân học vụ, ông đi học bổ túc đào tạo giáo viên, sau đó quay về làng dạy học vỡ lòng cho con em trong xã. Từ một làng quê không có ai biết chữ, được trở thành thầy giáo đưa “cái chữ” về cho buôn làng, Đinh Văn Bích dốc cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, vận động nhân dân đưa con em đến lớp và cả xã đã có hơn 50 học sinh theo học.

Cha ông là Đinh Văn Hiệp làm Bí thư Đảng ủy xã lúc ấy có nói với ông: “Con ạ, mình là gia đình cách mạng, con phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng với chính mình”. Nghe lời cha dặn, ông lao vào sự nghiệp xóa mù chữ cho dân làng. Thấy ông xông xáo lại hết mình với công việc, đồng chí Nguyễn Văn Trung là cán bộ nằm vùng đi xây dựng chính quyền hỏi ông: “Cháu có đi làm cách mạng không?”. Không hiểu cách mạng là gì, nhưng nghe nói: “Cách mạng là cơm no, áo ấm, là giải phóng cho buôn làng”, nên ông đồng ý đi theo cách mạng.

Được đưa ra miền Bắc học văn hóa ở Trường học sinh dân tộc miền Nam ở Gia Lâm (Hà Nội), ông học một mạch rồi tốt nghiệp cấp 3 dưới mái trường này. Tiếp tục học sơ cấp, trung cấp rồi cao cấp Ngân hàng, ông đã gắn bó với sự nghiệp của người cán bộ tín dụng ở một số vùng quê phía Bắc, rồi làm đến Trưởng phòng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thanh Hóa.

Trở về Tây Nguyên, hơn 10 năm giữ cương vị là người lãnh đạo cao nhất của công đoàn tỉnh, Chủ tịch Đinh Văn Bích luôn được đoàn viên và người lao động quý mến ở phong cách bình dị, sâu sát với cơ sở và gần gũi với anh em. Có được phong cách ấy là do trong cuộc đời đi làm cách mạng của mình, ông đã đắm mình với cuộc sống sinh động của thực tiễn, thấm đẫm trong mình dòng máu cách mạng của quê hương Ba Tơ bất khuất, kiên cường.

Dấn thân trên buôn làng Tây Nguyên

Cuối tháng 7.1967, giữa lúc cả nước đang dốc sức cho cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, hòa vào đoàn quân Nam tiến, ông cùng với đồng đội bắt đầu cuộc đi bộ từ tỉnh Hòa Bình và đến tháng 5.1968, ông đã tập kết ở Tỉnh ủy Kon Tum, lúc ấy đóng ở vùng núi Măng Rương thuộc huyện Đăk Tô ngày nay.

Được phân về Ban Tài mậu của Tỉnh ủy, nhưng trực tiếp làm công tác dân vận, ông lặn lội khắp các buôn làng vùng Măng Bút, Măng Đen của huyện Kon Plông thực hiện nhiệm vụ “giữ dân, giành dân, diệt ác, phá kìm...”. Là người dân tộc Hrê, nhưng lại sống với bà con Xơ Đăng, Sơ Đrá, nên ông phải học tiếng của người dân bản địa. Ông bảo: “Làm dân vận thì trước hết là phải biết nói tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số thì nói dân mới nghe, mới hiểu, phải hết lòng vì dân thì bà con mới tin, mới theo mình”.

Suốt trong những năm tháng sống với bà con trong rừng sâu, núi cao của những ngày gian khổ nhất ở chiến trường Tây Nguyên, Đinh Văn Bích đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng, cho buôn làng Tây Nguyên không chút đắn đo, hơn thiệt, sẵn sàng đi phía trước những nơi khó khăn gian khổ nhất trong lòng địch.   

Khi đang học tập ở thủ đô, ông nghe tin cha mình bị địch cắt cổ, treo đầu ở giữa làng nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân. Rồi mẹ cũng trúng đạn địch qua đời... Biến đau thương thành nghị lực, ông Bích trong lòng đầy khát vọng sẽ trở về quê hương đền đáp công ơn cha mẹ và góp phần giải phóng cho buôn làng. Chính vì động lực cao cả ấy mà nhiệm vụ nào tổ chức giao ông cũng xuất sắc hoàn thành.

Làm Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện như ông mà phải cấy thêm lúa, làm rẫy trồng sắn, bắp... Cứ mùa đến là lúa, bắp lại đầy kho trong nhà. Ông giã lúa để lấy gạo ăn, nhưng lại không biết sàng sảy, nên ông phải đổ hết vào xoong, trấu nổi lên còn gạo chìm xuống... Kể đến đây tôi thấy khóe mắt ông đỏ lên, hai dòng nước mắt chảy xuống. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng kể cả lúc làm phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai- Kon Tum, anh em trong cơ quan thương ông, đề nghị cho ông chế độ này, đãi ngộ kia, nhưng ông đều dành lại cho những anh em cấp dưới còn khó khăn hơn mình.

Hơn 10 năm làm Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam; đại biểu HĐND tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ông Đinh Văn Bích vẫn giữ được lối sống bình dị, thanh bạch và được bạn bè, đồng chí quý mến, tin yêu. Đi cơ sở nhiều, trực tiếp giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn cuộc sống của người lao động là phong cách hằng ngày của ông.
 
Đời sống, việc làm, thu nhập của đoàn viên công đoàn, rồi chế độ, chính sách của người lao động là những vấn đề ông cùng với tập thể lo đến nơi đến chốn, giải quyết thỏa mãn nhu cầu chính đáng trong từng việc cụ thể, những kiến nghị từ cơ sở... Tuy đã giải quyết được nhiều vấn đề nhưng theo ông thì công đoàn vẫn còn nhiều việc chưa làm được, phải nỗ lực cao hơn, nhiều hơn nữa để chăm lo tốt hơn, toàn diện hơn đời sống mọi mặt của người lao động.

Dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng nhà của ông vẫn luôn đông khách, bạn bè, đồng chí, rồi bà con hàng xóm đến chơi. Ngôi nhà cấp bốn, tọa lạc ở làng Kon Tu 2 của ông xem ra còn đơn giản lắm. Tiện nghi trong nhà cũng không có gì đáng giá. Ông bảo: “Đất và nhà này là mình dành dụm, tự mua đấy”. Cuộc sống của gia đình ông vẫn luôn chan hòa niềm vui và hạnh phúc.
 

 “Gà trống nuôi con”


Say sưa với công việc nên quên cả lấy vợ! Mãi đến năm gần bốn mươi tuổi, tổ chức giục quá, ông mới đính hôn với cô giáo Y Hrâng, dân tộc Xơ Đăng, ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà. Đứa con gái đầu là Đinh Thị Hoa mới 8 tháng tuổi, thì mẹ bị  sốt xuất huyết qua đời. Cảnh “gà trống nuôi con” đã làm cho ông bao phen điêu đứng tưởng chừng không vượt qua được. Ông nói: “Lúc ấy mình định xin nghỉ việc để nuôi con, nhưng được anh em, đồng chí động viên, mình lại thôi”.

Thời gian này ông làm Giám đốc ngân hàng huyện, Chủ tịch Ủy ban rồi Bí thư Huyện ủy Kon Plông (giáp giới với huyện Ba Tơ), nhưng cuộc sống vẫn đầy gian nan, vất vả. Ngày ngày, ông phải bế con cùng đi làm, vì Hoa không chịu rời ông nửa bước. Dự Đại hội Đảng bộ tỉnh, ông cũng phải địu con theo, nhìn thấy cha con ông, không ít người không cầm được nước mắt. Hôm đại hội thảo luận tổ, ông để con ở nhà khách, cháu Hoa mới tập tễnh biết đi nên bị lạc. Trưa hôm ấy, ông bỏ cơm chạy ngược xuôi tìm con. May mà các chị ở nhà khách Tỉnh ủy gặp cháu ở ngoài đường đưa về nhà cho ông.

 


 NGUYỄN VĂN CHIẾN



 


CÁC TIN KHÁC
.