Can trường vượt sóng

10:09, 09/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trắng tay sau khi bị tàu nước ngoài đâm chìm, lại bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả tiền bảo hiểm, nhưng ông Bùi Ngọc Lành cùng 5 ngư dân ở xã Bình Châu (Bình Sơn) vẫn can trường, đồng lòng vượt qua sóng gió, đóng mới tàu cá để vươn khơi bám biển.

TIN LIÊN QUAN

Ngày 7.8.2017, tàu cá QNg 90289TS do ông Bùi Ngọc Lành làm thuyền trưởng cùng 5 thuyền viên đã bị tàu nước ngoài đâm chìm, khi đang hoạt động đánh bắt hợp pháp tại quần đảo Hoàng Sa. May mắn không có thiệt hại về người, nhưng chiếc tàu trị giá 2,5 tỷ đồng thì nằm lại ngoài biển khơi. Vì có mua bảo hiểm thân tàu, nên ông Lành cùng các ngư dân trên tàu đã làm hồ sơ đề nghị Tổng Công ty CP Bảo Minh (Bảo Minh) đền bù 1,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm, nhưng doanh nghiệp này từ chối chi trả.

Đòi tiền bảo hiểm khó hơn đi biển

Một năm sau sự cố kinh hoàng ở quần đảo Hoàng Sa, ông Lành cùng 5 ngư dân dường như quá mệt mỏi với việc đi đòi tiền bảo hiểm. Từ việc cung cấp hồ sơ, chứng từ cho Bảo Minh đến tập đơn kêu cứu gửi đến các ngành chức năng của tỉnh mong được can thiệp. “Ngư dân bám biển, chỉ muốn yên lành làm ăn, chứ ai mong rủi ro. Nhưng chẳng may chúng tôi bị thiệt hại, Bảo Minh lại thoái thác trách nhiệm trong việc chi trả bồi thường”, ông Lành trải lòng.

 

Lúc tàu chìm, nợ nần chồng chất, ông Lành cùng các ngư dân phải đan lưới thuê để kiểm sống.
Lúc tàu chìm, nợ nần chồng chất, ông Lành cùng các ngư dân phải đan lưới thuê để kiểm sống.


Biết mua bảo hiểm là thủ tục không thể thiếu để tàu xuất bến, cũng là “phao cứu sinh” nếu xảy ra rủi ro dẫn đến thiệt hại, nên ông Lành cùng các ngư dân luôn chấp hành. Thậm chí, khi chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 17) tạm dừng vào tháng 4.2017, họ vẫn tự nguyện mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên để vững tin mỗi khi vươn khơi.

“Giao dịch giữa ngư dân và đơn vị bảo hiểm là hợp đồng kinh tế, nên khi xảy ra sự cố, phần thiệt luôn thuộc về ngư dân. Nếu đơn vị bảo hiểm không chi trả, ngư dân phải đi tranh tụng về pháp lý thì càng khó; trong khi sự can thiệp của chính quyền cũng ở mức độ. Chính vì vậy, các chính sách cần hoàn thiện quy định, chế tài với đơn vị bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân”.


Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn NGUYỄN QUANG TRUNG


Chính vì vậy, khi xảy ra rủi ro, ông Lành và các ngư dân hy vọng khoản tiền bảo hiểm sẽ giúp họ vượt qua lúc khó khăn này. Nhưng rồi, Bảo Minh lại từ chối đền bù thiệt hại cho tàu QNg 90289TS với lý do: Sự cố tổn thất xảy ra đối với tàu QNg 90289TS là do hành động cố ý đâm chìm, phá hoại của tàu nước ngoài mang số hiệu 46106. Vì vậy, theo điều khoản loại trừ 5.4.4, trong “Quy tắc bảo hiểm thân tàu cá”, Bảo Minh không chịu trách nhiệm bồi thường mọi hư hỏng, mất mát, tổn thất do hành động phá hoại...!

“Khi chúng tôi mua bảo hiểm, nhân viên bảo hiểm Bảo Minh cam kết doanh nghiệp sẽ bồi thường 100% chi phí nếu tàu bị thiệt hại, tai nạn ngoài ý muốn. Chẳng lẽ tàu tôi bị tàu nước ngoài đâm chìm không phải là tai nạn ngoài ý muốn”, ông Lành bày tỏ. Hơn nữa, tại buổi làm việc giữa Bảo Minh và ông Lành cùng các ngư dân, nhân viên bảo hiểm Bảo Minh cũng thừa nhận sai, vì không tư vấn rõ với khách hàng việc bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường nếu bị tàu nước ngoài đâm chìm. Mặc dù vậy, Bảo Minh vẫn thoái thác trách nhiệm, không đồng ý bồi thường cho tàu QNg 90289TS.

Tập đơn kêu cứu của ông Lành được gửi đến các ngành chức năng trong tỉnh mong được can thiệp.                                                                                                        Ảnh: TL
Tập đơn kêu cứu của ông Lành được gửi đến các ngành chức năng trong tỉnh mong được can thiệp. Ảnh: TL


Không đồng tình với cách giải quyết của Bảo Minh, ông Lành cùng các ngư dân trên tàu đã nhiều lần viết đơn gửi đến các ngành chức năng của tỉnh để mong được can thiệp. Mặc dù UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bảo Minh xem xét, chi trả bồi thường cho chủ tàu cá QNg 90289 TS, nhưng đơn vị này vẫn khước từ. Vì vậy, ông Lành đã khởi kiện Tổng Công ty CP Bảo Minh. “Mệt mỏi, tốn kém thời gian và chi phí, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm sáng tỏ vụ việc, chỉ mong Bảo Minh thực hiện đúng trách nhiệm của mình đối với ngư dân”, ông Lành khẳng định.

Can trường vượt sóng

Tàu chìm, nợ nần chồng chất. Từ chủ tàu, ông Lành cùng 5 ngư dân trở thành lao động làm thuê, khi thì đan lưới, lúc đi bạn để kiếm sống. Khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhiệt huyết và tình yêu biển cả thì chưa bao giờ nguôi trong sáu anh em ông Lành. Khát vọng được vươn khơi trên chính chiếc tàu của mình vẫn cháy bỏng trong tâm can mỗi người. Chính vì vậy, sau khi thuyết phục người cho mượn vốn khoanh nợ, ông Lành cùng 5 ngư dân quyết định thế chấp 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà để vay vốn ngân hàng. Kết quả của nghị lực và quyết tâm ấy là chiếc tàu cá công suất trên 800CV, tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng đã được hạ thủy vào tháng 3.2018.
 

“Ngư dân không mua bảo hiểm tàu cá sẽ bị phạt, cấm xuất bến. Còn doanh nghiệp bảo hiểm lại tìm mọi lý do để thoái thác trách nhiệm, không sòng phẳng với ngư dân thì xử lý như thế nào?”.


Ngư dân BÙI NGỌC LÀNH

“Chiếc tàu không chỉ là mồ hôi, nước mắt của chúng tôi, mà còn là nghĩa tình của các cấp, ngành trong tỉnh”, ông Lành bộc bạch. Nghĩa tình ấy không chỉ là sự động viên, thăm hỏi và sẻ chia, mà còn là việc hỗ trợ kinh phí kịp thời của Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh. Vì nếu không có 500 triệu đồng tiền hỗ trợ, cùng 800 triệu đồng mà Quỹ Hỗ trợ ngư dân cho “mượn” thì có lẽ chiếc tàu không được hoàn thành và hạ thủy sớm như vậy.  

Gặp lại ngư dân Bùi Ngọc Lành cùng 5 ngư dân tròn một năm sau ngày “chết hụt” ở quần đảo Hoàng Sa, tôi thấy nụ cười đã trở lại với họ, dù khuôn mặt vẫn hằn sâu những âu lo. Vừa kéo dây neo tàu, ông Lành vừa vui vẻ trò chuyện: Không biết trời thương, hay chiếc tàu mới “hợp vía” chúng tôi mà từ khi hạ thủy đến giờ, chuyến biển nào cũng được “lộc”, giá bán lại cao, nên cuộc sống của chúng tôi cũng đỡ chật vật hơn.

Chính vì vậy, kết thúc mỗi chuyến biển, họ lại cho tàu cập cảng Sa Kỳ hai ngày để bán hải sản, thăm nhà và lấy tổn, rồi lại lo vươn khơi. Có lẽ áp lực mưu sinh cùng khoản nợ 2 tỷ đồng đã không cho phép họ được nghỉ ngơi.

Sau khi được hỗ trợ tiền và vay vốn đầu tư đóng lại tàu mới, nụ cười đã trở lại với ông Lành cùng các ngư dân.
Sau khi được hỗ trợ tiền và vay vốn đầu tư đóng lại tàu mới, nụ cười đã trở lại với ông Lành cùng các ngư dân.


Ông Bùi Ngọc Lành cùng 5 ngư dân đã can trường vượt qua sóng biển lẫn “sóng đời”, nhưng vụ kiện với Bảo Minh thì vẫn chưa có hồi kết. Bởi sau hai lần xét xử, Bảo Minh vẫn từ chối đền bù, mà chỉ hứa sẽ hỗ trợ một phần thiệt hại. Trong khi đó, ông Lành cùng các ngư dân cũng thống nhất hợp tác nếu Bảo Minh có thiện chí hỗ trợ với mức 50% trong tổng số 1,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm mà lẽ ra họ phải đền bù. “Chúng tôi chỉ mong vụ việc sớm kết thúc để chuyên tâm làm ăn và hoàn trả các khoản nợ. Tôi mong rằng, sẽ không có ngư dân nào phải rơi vào cảnh tuyệt vọng vì bảo hiểm như sáu anh em tôi”, ông Lành trải lòng.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 



 


CÁC TIN KHÁC
.