Cầu chờ... sông

09:05, 28/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cây cầu ở xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) không bắc ngang qua sông hay kênh mương… mà nằm trơ trọi giữa bãi đất trống. Sở dĩ có chuyện “lạ đời” ấy, vì cây cầu trên là một trong những hạng mục của Dự án “Hệ thống mương tiêu Đồng Miếu và chỉnh dòng sông Cầu Cát”. Thế nhưng, dù cầu đã hoàn thành từ lâu mà sông Cầu Cát vẫn chưa được chỉnh dòng chảy mới...

Lão nông Nguyễn Hạnh, ở thôn An Đại 2, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) sống ngay chân cầu, cười bảo: Đường giao thông đang thông thương trơn tru, tự dưng bị cắt xẻ và đào hố để làm móng cầu. Rồi từ năm 2013 tới nay, cây cầu cứ ở trên cạn miết, chẳng thấy sông nào chảy qua, nên chúng tôi gọi nó là cầu “cạn”.


Có cầu, nhưng chưa có... sông


Cầu “cạn” nằm dưới chân núi Cư, cách sông Cầu Cát khoảng 500m, thuộc địa phận thôn An Đại 2, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa). Theo phương án xây dựng của dự án chỉnh dòng sông Cầu Cát, đoạn sông Cầu Cát ngang qua thôn An Đại 2, xã Nghĩa Phương sẽ được điều chỉnh, lấp dòng chảy hiện hữu, để ngăn ngập úng và tạo dòng mới băng qua núi Cư, chảy qua cầu “cạn” rồi xuôi về xã Nghĩa Thương, Nghĩa Hiệp.
 

Vì chưa chỉnh dòng được 364m sông Cầu Cát ngang qua thôn An Đại 2, nên chiếc cầu bê tông của dự án nằm
Vì chưa chỉnh dòng được 364m sông Cầu Cát ngang qua thôn An Đại 2, nên chiếc cầu bê tông của dự án nằm "chơ vơ" giữa bãi đất trống.


Nhưng đã 8 năm, kể từ ngày dự án được phê duyệt; 5 năm kể từ ngày người dân thôn An Đại 2 chủ động di dời gần 200 mồ mả, nhường đất sản xuất lại cho đơn vị thi công, đoạn chỉnh dòng sông Cầu Cát chảy ngang qua địa phận thôn An Đại 2 dẫu chỉ dài vỏn vẹn 364m, nhưng vẫn nằm im trên... giấy.

“Mong mỏi được tiêu thoát úng, nên người dân trong thôn rất đồng thuận trong việc bàn giao mặt bằng sạch, để đơn vị thi công thực hiện dự án. Vậy mà, đã gần hai nhiệm kỳ trôi qua, việc chỉnh dòng vẫn chưa hoàn thành”, Bí thư Chi bộ thôn An Đại 2 Võ Duy Tánh cho biết.

Trong thời gian chờ đợi dự án hoàn thiện, người dân An Đại 2 phải đối mặt với nỗi lo mới. Núi Cư, ngọn núi dự định sẽ được san phẳng để nhường chỗ cho dòng chảy mới của sông Cầu Cát đi qua, sau khi bị cắt xẻ tan hoang, tạo thành những hố nước sâu hoắm, lởm chởm đá, làm người dân thấp thỏm lo âu.

Vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sự việc xảy ra cách đây đã 3 năm, ông Nguyễn Hạnh, ở thôn An Đại 2, kể: “Năm 2016, cháu nội tôi bị rơi xuống hố công trình dở dang trên núi Cư. May mà tôi ở gần đó chạy đến cứu vớt kịp thời. Mà đâu chỉ riêng cháu tôi, từ lúc đơn vị thi công ngừng công trình cho tới nay, đã có tới 3 trường hợp trẻ con trong thôn suýt bị đuối nước tại các hố công trình đầy nguy hiểm này”.

"Làm nông mà phải sắm ghe để có phương tiện chạy lũ. Không biết đến bao giờ mới chỉnh xong dòng, để chúng tôi được ổn định cuộc sống, chứ chiếc ghe này theo tôi chạy lụt cũng đã 10 năm rồi. Tôi đã mỏi, mà nó cũng “mỏi”!".
 

Anh VÕ ĐÌNH TRƯỞNG,
người dân ở KDC Phương Đình Đồng, thôn An Đại 1,
xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa).



Tiêu lũ nhưng “thêm” sạt lở


Nếu như tại xã Nghĩa Phương, mục tiêu chỉnh dòng chưa thể hoàn thành, vì “vướng” núi Cư, thì tại xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), tuy việc chỉnh dòng đã hoàn thành từ năm 2014, nhưng sau chỉnh trị, hai bên bờ sông Cầu Cát mới, đoạn ngang qua thôn Năng Xã đang có dấu hiệu bị sạt lở.

“Chỉnh dòng, nhưng không làm kè hai bên bờ, nên bờ đất hai bên sông lở dần theo nước lũ. Đợt mưa lũ năm ngoái, cả hai bên bờ đều bị sạt. Có đoạn, nước lũ lấn vào bờ gần nửa mét. Để bảo vệ bờ, chúng tôi trồng cỏ, trồng cây ven sông, nhưng cũng không “ăn thua” gì”, lão nông Phạm Hóa, ở đội 3, thôn Năng Xã buồn rầu bảo.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ sông “lấn”, mà người dân đội 3, thôn Năng Xã còn bị “vạ lây” sau khi chỉnh dòng Cầu Cát. Bởi dòng chảy mới của sông vô tình chia cắt hệ thống thủy lợi, khiến hơn 3ha đất sản xuất ở đồng Bà Tín, dù nằm cạnh sông vẫn thiếu nước sản xuất triền miên.

“Lòng sông bây giờ có một phần đất ruộng của tôi ngày trước. Sau khi nhường đất lại cho sông chảy qua, thửa ruộng nhà tôi bị chia ra làm hai. Bên kia sông, không có thủy lợi, cũng chẳng có điện, nên dù ruộng gần sông mà đâu chạy được máy bơm nước. Thành thử sau khi chỉnh dòng, tự dưng tôi bị thiệt. Bên này có thủy lợi thì trồng ớt, hoa màu, mỗi sào thu về hàng chục triệu đồng/năm. Còn bên kia thiếu nước thì trồng mì, thu về được 1 tạ củ mì/năm, bán được vỏn vẹn 500 nghìn đồng”, nông dân Phạm Văn Quang chua chát so sánh.

 


Chờ đợi đến bao giờ?


Với mục tiêu đảm bảo tiêu úng cho khoảng 150ha đất nông nghiệp, hạn chế sa bồi thủy phá, bảo vệ đất sản xuất và các công trình ven sông, Dự án “Hệ thống mương tiêu Đồng Miếu và chỉnh dòng sông Cầu Cát” là dự án chống sạt lở được đầu tư từ ngân sách trung ương và được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2010. Theo kế hoạch, dự án sẽ san mặt bằng, cải tạo dòng sông cũ và chỉnh dòng Cầu Cát mới, với chiều dài khoảng 3km, đi qua 3 xã Nghĩa Phương, Nghĩa Thương và Nghĩa Hiệp.
 

Những hố công trình dở dang trên núi Cư trở thành mối nguy hiểm nhất là với trẻ em.
Những hố công trình dở dang trên núi Cư trở thành mối nguy hiểm nhất là với trẻ em.


Dự án có tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, chính thức khởi công từ năm 2012, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2013. Tuy nhiên, sau 3 lần điều chỉnh thời gian, đến thời điểm hiện tại, dự án mới chỉ đạt 78% khối lượng. Và mặc dù tổng mức đầu tư được điều chỉnh từ 14,2 tỷ đồng lên gần 21 tỷ đồng, nhưng diện tích san lấp mặt bằng sông cũ để cải tạo thành đồng ruộng cho dân lại được điều chỉnh từ 8,7ha xuống còn 4,6ha.

Lý giải nguyên nhân việc chỉnh dòng sông Cầu Cát chậm tiến độ, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Tư Nghĩa Nguyễn Nam cho biết: “Theo kế hoạch được duyệt, tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án là 1 tỷ đồng, nhưng khi thực hiện, chi phí phát sinh lên đến gần 7 tỷ; rồi khối lượng đá tại núi Cư vượt khoảng 14.000m3 so với hồ sơ thiết kế ban đầu. 

 
Trong thời gian chờ đợi việc chỉnh dòng sông Cầu Cát hoàn thành, người dân xóm Phương Đình Đồng phải sắm ghe để sống chung với lũ lụt.
Trong thời gian chờ đợi việc chỉnh dòng sông Cầu Cát hoàn thành, người dân xóm Phương Đình Đồng phải sắm ghe để sống chung với lũ lụt.

 

Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và khối lượng đá phát sinh đã làm cho tổng mức đầu tư của dự án tăng lên. Đồng thời, do núi Cư nằm ngay sát khu dân cư, nên phải nổ mìn nhỏ kết hợp phá đá bằng thủ công, dẫn đến thời gian thi công không thể thực hiện đúng như dự kiến ban đầu”. Cũng theo ông Nam, hiện tại huyện đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2018.


Tám năm chờ đợi dự án hoàn thành việc chỉnh dòng, tiêu thoát lũ; gần 150 hộ dân sống tại KDC Phương Đình Đồng, thôn An Đại 1 – khu vực đầu tuyến của dự án chỉnh dòng Cầu Cát lại phải tiếp tục sống chung với lũ. Mùa mưa bão năm 2016, nhiều hộ gia đình tại KDC Phương Đình Đồng bị cô lập trong 28 ngày đêm, mùa mưa bão năm 2017, một số hộ gia đình tại KDC này lại tiếp tục bị cô lập hoàn toàn trong 10 ngày đêm, bởi nước sông Cầu Cát.


Bài, ảnh: Ý THU



 


CÁC TIN KHÁC
.