Bà Bảy bánh mì

09:05, 04/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bán bánh mì nợ cho những cô cậu học trò nghèo hằng ngày để lên lớp, tìm phòng trọ giá rẻ cho các em ở; cho nhiều em mượn tiền để vượt qua lúc khó khăn. Thậm chí, bà còn chạy ngược, chạy xuôi tìm việc làm thêm và là “chuyên gia” tư vấn của nhiều thế hệ học trò theo học tại trường.


Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu được các học sinh theo học tại Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi gọi với cái tên thân thương là “Bà Bảy bánh mì”. Tên thật của bà là Trương Thị Luốt, ở thôn Liên Hiệp 2, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi).

Chuyện của Nam

Xe bánh mì trước cổng Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi thu nhập mỗi ngày cả vốn lẫn lãi chưa đến 1 triệu đồng. Thế nhưng, đó lại là nơi lưu chứa những điều tốt đẹp nhất về tình người.

Tủ bánh mì cả vốn lẫn lời chưa đến 1 triệu đồng nhưng ẩn chứa những điều tốt đẹp về tình người.
Tủ bánh mì cả vốn lẫn lời chưa đến 1 triệu đồng nhưng ẩn chứa những điều tốt đẹp về tình người.


Câu chuyện về cậu học trò Hồ Văn Nam (dân tộc Cor ở xã Trà Tân, huyện Trà Bồng) khiến mọi người đều xúc động. Cha Nam qua đời vì bệnh tật nhiều năm trước, không lâu sau mẹ em có chồng mới. Nam một mình theo học tại Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi. Mọi chi phí học tập, sinh hoạt hằng ngày, Nam đều trông chờ vào 1,2 triệu đồng trợ cấp hằng tháng của Nhà nước dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, suốt thời gian dài (từ giữa năm 2017 đến đầu năm 2018-PV), số tiền trợ cấp ấy chưa được phân khai về.
 

"Bán bánh mì hay bất kỳ thứ gì thì ai cũng muốn“tiền tươi thóc thật”, vậy mà cô ấy cho học trò của trường ăn chịu, rồi giúp đỡ nhiều em vượt qua khó khăn. Cô ấy rất hiền lành, hòa nhã và sống rất có tâm".
Bí thư Đoàn Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi ĐẶNG HỒNG SƠN

Biết chuyện các em thiếu tiền để mua gạo, mắm, muối cho những bữa ăn hằng ngày, bà Luốt đã đứng ra lo liệu. “Bình thường sáng nào cũng vài chục đứa ra ăn sáng, vậy mà sau đó chỉ còn vài đứa. Vì thế, tôi gọi các cháu lại và nói đứa nào chưa có tiền thì sẽ cho nợ tiền, đừng để bụng đói mà lên lớp, học không vô, lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế là sau đó hơn 30 đứa kéo ra ăn bánh mì chịu”, bà Luốt tâm sự.

Rồi một hôm, bà Luốt đang vui đùa với cháu nội thì điện thoại vang lên, người gọi là Hồ Văn Nam với giọng đầy lo lắng: Bà ơi, cháu bị tông xe! Nghe chuyện, bà Luốt tức tốc chạy đến hiện trường. May mắn không có ai bị thương tích nặng, nhưng chiếc xe đạp của Nam bị gãy phuộc. Không có tiền sửa xe, bà Luốt phải nài nỉ chủ tiệm “giảm giá” và móc tiền túi trả giúp Nam 420 nghìn đồng.

“Nó là khách hàng có hoàn cảnh đặc biệt của tôi. Dù không máu mủ ruột rà gì, nhưng tôi coi như con cháu mình. Tôi cũng là người mẹ chăm con lớn từng ngày, tôi hiểu các cháu cần được chăm sóc, động viên giúp đỡ, nhất là đứa trẻ mồ côi như Nam”, bà Luốt tâm sự.

Chuyên gia tâm lý

Trước đây, chuyện đánh nhau giữa học sinh của trường với thanh niên bên ngoài liên tục xảy ra, kể cả dùng hung khí gây chết người. Thế nên, chuyện bà Luốt xông vào giữa đám đông kéo hai cậu học trò đang vật lộn đánh nhau trước cổng trường, khiến mọi người giật mình. Đó là vào một sáng giữa năm 2017, đang loay hoay làm bánh cho khách thì nghe đám trẻ xì xào chuyện đánh nhau, thế là bà Luốt chạy đến can ngăn. "Khi bọn trẻ hạ hỏa", tôi làm cho mỗi đứa một ổ bánh mì, một bịch sữa, rồi nói điều hay, lẽ phải, để giảng hòa. Bây giờ, hai đưa ấy trở thành bạn với nhau”, bà Luốt bảo.

 Cuốn sổ ghi tên những
Cuốn sổ ghi tên những "con nợ" mà bà Luốt bảo là chắc khi nào có thì trả.


Câu chuyện cô học trò Đinh Thị Ngọc bị người yêu “đá”, buồn chí nảy ý định nhảy cầu tự vẫn. Biết chuyện sau khi nghe nhóm học trò tán gẫu, bà Luốt giao xe bánh mì cho bảo vệ nhà trường coi giúp, rồi tức tốc tìm đến phòng trọ của Ngọc. Sau những lời tâm sự, chia sẻ ân cần và khuyên bảo, không những Ngọc từ bỏ ý định tự vẫn, mà còn chuyên tâm hơn vào chuyện học, rồi đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống.

“Lúc đó em buồn quá và nghĩ quẩn, may có bà Bảy giải thích em biết suy nghĩ của mình là sai, chứ không thì giờ đâu còn bé Ngọc trên đời nữa phải không anh”, em Đinh Thị Ngọc tâm sự.
 

"Mình cũng xuất thân từ người lao động nghèo khó mà ra, nên thương các cháu cũng như thương con mình, nên giúp gì được các cháu thì giúp chứ không phải làm để được ai ghi nhận gì. Tính ra mỗi năm tôi mất cả triệu đồng do mấy đứa nó quỵt hoặc “chậm trả”, nhưng tôi vẫn vui vẻ, vì chừng ấy cũng đâu khiến mình nghèo đi".
TRƯƠNG THỊ LUỐT

“Mẹ hiền” của học trò nghèo

Lật cuốn vở cũ nhàu với những dòng chữ nguệch ngoạc ghi tên những “con nợ” và kèm theo ngày giờ, số tiền. Thùy 200k, Bình 350k, Vy đã trả 200k còn nợ 150k... Số nợ hiện còn 15 triệu đồng. Và cuốn sổ ngày càng thêm nhiều trang được bôi kín các dòng chữ, con số cùng tên những cậu học trò. Thế nhưng, người phụ nữ ngấp nghé tuổi lục tuần vẫn cười tươi vui vẻ, bởi theo lời bà Luốt thì: “Mình nghèo khó, nhưng các cháu còn nghèo khó hơn. Nhìn mười mấy triệu bạc nợ ấy to thật, nhưng nếu các cháu không trả, thì coi như mỗi ngày mình “bỏ hủ” mấy ổ bánh mì không may bị mất “con heo đất” chứ có gì đâu”.

Ngoài việc cho các học trò ăn nợ với điều kiện... khi nào có thì trả, bà Luốt còn tìm hiểu hoàn cảnh của từng em, tìm kiếm phòng trọ và nài nỉ chủ nhà lấy tiền rẻ để các cháu có chỗ ở. Như trường hợp của em Nguyễn Trung Tâm, muốn được ở trọ bên ngoài, để tiện cho việc đi làm thêm vì nhà  nghèo. Nhưng suốt nhiều ngày trời em không tìm ra chỗ ở, chỉ đến khi bà Luốt "ra tay" giúp đỡ, Tâm và một người bạn mới có được chỗ ở với giá khá rẻ, lại gần trường.

“Tâm ra trường đi làm ở TP.Hồ Chí Minh. Tết rồi nó về đến nhà ghé thăm và khoe đã có một công việc ổn định, với mức lương 9 triệu đồng mỗi tháng. Tâm gửi tôi 1 triệu đồng bảo cô cầm, để giúp các em khóa sau có hoàn cảnh khó khăn như cháu hồi đó. Vui không tả xiết khi các cháu trưởng thành và luôn nhớ về thời gian khó”, bà Luốt tâm sự.

Ở người phụ nữ nghèo mà nhân hậu ấy, không chỉ có tình thương yêu mà còn luôn nhiệt tình giúp đỡ các em học sinh, kể cả tìm việc làm thêm cho các em. Như buổi sáng nọ, sau khi nghe hai em Đinh Thị Ngọc, Hồ Thị Diễm tâm sự muốn đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nghe vậy bà Luốt lân la đến các quán cà phê, cửa hàng tạp hóa hỏi chuyện và chỉ sau một tuần, hai cô học trò nhỏ đều có việc làm thêm.

Mọi người ở tổ dân phố Liên Hiệp 2, cũng như học sinh và Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi hết sức quý trọng tấm lòng của bà Luốt, bởi gia đình bà cũng không khá giả gì. Bản thân bà 21 năm qua cần mẫn với xe bánh mì, mỗi ngày kiếm lời khoảng 100 nghìn đồng, chồng bà lái xe thuê cho một hộ dân trong phường. Dù khó khăn, nhưng hai người con đều được vợ chồng bà Luốt nuôi ăn học đàng hoàng và đều tốt nghiệp đại học.

“Chị ấy dù nghèo, nhưng sống rất có tâm. Như hôm rồi có cậu học trò thiếu 25.000 đồng của một quán cơm gần đó bị chủ quán giữ lại, kéo ra đường chửi mắng. Thấy vậy chị ấy chạy đến hỏi chuyện rồi móc 25.000 đồng trả. Mấy hôm sau cậu học trò mang đến trả lại số tiền rồi cảm ơn ríu rít. Có đứa không có tiền mua vé xe buýt về quê, chị ấy lại móc túi ra cho. Chỗ khác ăn chịu họ đã không cho chứ nói gì đến cho tiền đi xe buýt. Bán hàng kiểu chị Luốt chẳng có mấy ai đâu, bởi tiền vốn không mấy đồng mà nợ mấy triệu thì chỉ có lỗ. Làm việc tốt như chị ấy đâu phải ai cũng làm được”, cô Hoa, nhà đối diện cổng Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi nói đầy khâm phục.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

----------
Bài tham gia cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý".




 


CÁC TIN KHÁC
.