Nuối tiếc nghề xưa

09:04, 21/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi trở lại làng chiếu Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Hòa (TP.Quảng Ngãi). Một thời, làng nghề truyền thống này có cả trăm hộ dân cùng gắn bó với cây cói, cây lác, dệt nên những chiếc chiếu bền đẹp, nhưng nay số người làm nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

TIN LIÊN QUAN

Xưa kia, hai bên triền sông Vực Hồng thuộc xã Nghĩa Hà là “thủ phủ” của cây lác, cói. Tầm tháng 2 đến tháng 4, tranh thủ lúc nông nhàn, người dân đi bứt lác, cói về phơi, sau đó đem dệt thành chiếu. Cả xã có hơn 200 khung dệt, 2/3 số hộ dân làm nghề dệt chiếu, mỗi ngày có hơn 600 sản phẩm được đưa đi tiêu thụ.

Làng nghề bị mai một

Theo lời kể của các bậc cao niên, nghề làm chiếu cói cách đây chừng 10 năm trở về trước rất hưng thịnh. Ngày ấy, những buổi sớm tinh sương, nhà nhà, người người vác bó chiếu thơm lừng mùi cói mới đem dựng dọc đường vào chợ Thu Xà để chờ thương lái tới mua. Tảng sáng, chợ tan, người người lại về bên khung dệt chuẩn bị cho “mẻ” chiếu mới. “Hồi đó tôi thường theo mẹ mang chiếu xuống chợ bán, người dân trong xóm gọi nhau cùng đi vui lắm", bà Ngô Thị Sương, ở thôn Thu Xà kể.

Cụ Trần Có và con trai vẫn hàng ngày miệt mài bên khung dệt chiếu.
Cụ Trần Có và con trai vẫn hàng ngày miệt mài bên khung dệt chiếu.


Chiếu Nghĩa Hòa nức tiếng gần xa nhờ quy trình làm chiếu kỹ lưỡng và công phu, vì thế người dân làng nghề không cần phải tìm đầu ra cho sản phẩm, mà thương lái khắp nơi tự tìm đến đặt hàng. Sản phẩm làm ra đôi khi không kịp đáp ứng nhu cầu của cánh thương lái. Ngoài 6ha trồng cói trong xã, thương lái còn mang cói, lác ở vùng khác đến cung ứng cho các hộ dệt chiếu.  
 

"Năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Phòng Công thương huyện Tư Nghĩa thực hiện đề án Khôi phục và phát triển làng nghề chiếu cói Nghĩa Hòa và Nghĩa Hà. Các giống cói Mống Cái hoa vàng hay cói Nga Sơn (Thanh Hóa) được trồng thử nghiệm, nhưng không hiệu quả. Sản phẩm chiếu truyền thống cũng khó tìm đầu ra. Hiện nay, phần lớn diện tích trồng cói trên địa bàn xã đã chuyển đổi thành cây trồng khác, những hộ làm nghề cũng không còn bao nhiêu".
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa NGUYỄN CHÍ THANH

Thế nhưng, một thời hưng thịnh khá dài ấy giờ đã trôi qua. Theo lời của những người đã bỏ nghề thì: “Làm nghề dệt chiếu giờ không đủ sống”.

Từ ngày ngăn đập Hiền Lương đến nay, hơn 3ha cây cói nước mặn ở vùng Đông, xã Nghĩa Hòa đã trở thành những vuông tôm. Chi phí để làm một chiếc chiếu truyền thống tăng lên nhiều lần trong khi giá bán lại quá thấp và mặt hàng chiếu truyền thống không còn đủ sức cạnh tranh với các loại chiếu ngoại.

Cuộc sống của những người làm chiếu trên đất Nghĩa Hòa vì thế rơi vào cảnh khó khăn, hết hộ này đến hộ khác lần lượt bỏ nghề. Những khung dệt dần đóng bụi thời gian, tiếng người ta gọi nhau vác cói dần lùi vào quá khứ...

Nhiều người chuyển sang nuôi tôm, làm sản phẩm từ lốp xe hay lang bạt vào Nam mưu sinh... Những người làm chiếu truyền thống còn lại trong xã cũng đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Giữ “hồn” nghề xưa

Chúng tôi đến thôn Hòa Tân (xã Nghĩa Hòa), nơi xưa kia số hộ làm nghề chiếu đông nhất xã. Vòng qua nhiều ngõ ngách, tìm hỏi mãi chúng tôi mới đến được nhà cụ Trần Có - một trong số ít người còn giữ nghề làm chiếu truyền thống. Cụ Trần Có nay đã ở tuổi bát tuần, vẫn miệt mài bên từng sợi cói, bó lác để dệt nên những tấm chiếu từ bàn tay chai sần.

Kể từ khi vợ mất, xóm giềng bỏ nghề, cụ Trần Có cùng hai người con trai tật nguyền vẫn lọ mọ bên khung dệt. Vùng nguyên liệu ở quê không còn, cụ Có phải đặt hàng của những thương lái buôn chiếu ở tận Bình Định, Quảng Nam. “Tôi có tuổi rồi, già cả nên không còn sức làm nhiều, cũng không thể mang chiếu đi bán dạo như ngày xưa, giờ chỉ có thể ở nhà dệt chiếu kiếm tiền đắp đổi ngày. Người nào quen biết thì đến đặt hàng. Hai cha con làm hết một ngày rưỡi thì được hai đôi chiếu, vất vả lắm”, cụ Có chia sẻ.

Mỗi ngày vợ chồng bà Phước làm được hai đôi chiếu cói.
Mỗi ngày vợ chồng bà Phước làm được hai đôi chiếu cói.


Ở Nghĩa Hòa, giờ đây số hộ làm nghề dệt chiếu truyền thống chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đối với họ, làm nghề dệt chiếu không đơn thuần vì lý do kinh tế, mà xem đó như một sự hoài niệm về làng nghề một thời vàng son nay đã quá vãng.

Bà Đặng Thị Phước (63 tuổi), một trong những “nghệ nhân” cuối cùng của làng dệt chiếu ở Nghĩa Hòa, trải lòng: “Tôi biết dệt chiếu từ khi là thiếu nữ. Lấy chồng rồi cùng chồng tiếp tục làm nghề từ bấy đến nay. Tình yêu với nghề cứ thế thấm dần và trở thành niềm đam mê không thể dứt bỏ".  

Bà Phước kể, vợ chồng bà nên duyên cũng nhờ nghề dệt chiếu. Họ đã gắn bó với nhau để cùng làm nên những chiếc chiếu bền đẹp suốt gần nửa thế kỷ qua. Cũng từ nghề dệt chiếu, vợ chồng bà Phước nuôi các con ăn học thành tài. "Cả cuộc đời gắn bó với nghề dệt chiếu, giờ làng nghề bị mai một, xót lắm", bà Phước chia sẻ.

Dẫu biết, nghề xưa không còn phù hợp với xu thế tất yếu của đời sống hiện nay, nhưng trong ngôi nhà của gia đình cụ Có, bà Phước... vẫn vang vọng tiếng dập gõ lách cách,như những thanh âm đầy luyến tiếc về một làng nghề truyền thống từ bao đời đang dần mai một.  

Bà Đặng Thị Phước (63 tuổi) cho biết, công đoạn làm chiếu truyền thống dù thô sơ, nhưng lắm công phu. Đầu tiên là dựng khung dệt, bắt dây trân (khung dây chạy dọc thân chiếu). Một khung dệt cần hai người phối hợp nhịp nhàng.

Bắt dây trân - công đoạn đầu tiên để làm nên một tấm chiếu.
Bắt dây trân - công đoạn đầu tiên để làm nên một tấm chiếu.

 


Bài, ảnh: VŨ YẾN





 


CÁC TIN KHÁC
.