Tấm chân tình với quê hương

09:03, 18/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong 50 năm qua, có rất nhiều nhà văn, nhà báo viết về vụ thảm sát Sơn Mỹ. Nhưng có lẽ ấn tượng và gắn bó bền bỉ nhất với vùng đất đau thương mà anh dũng này là nhà thơ Thanh Thảo. Ông bắt đầu bằng những bài báo tuyên truyền, rồi viết trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ”. Ở đó, đâu chỉ có sự mất mát mà còn sáng ngời niềm tin và hy vọng về tương lai...

40 năm từ sau khi trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ” được phát hành, nhà thơ Thanh Thảo đã viết rất nhiều trường ca và nhận được nhiều giải thưởng, cả giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Thế nhưng với ông, trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ” vẫn giữ vị trí hàng đầu trong cuộc đời sáng tác của ông.   

Hồi ức trường ca

Đề cập chuyện viết trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, nhà thơ Thanh Thảo thoáng bồi hồi, kể: “Năm 1969, tôi vào bộ đội, công tác ở Cục địch vận, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng). Tại đây, tôi đã tiếp cận, tham khảo Tạp chí Life có đăng ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ để làm tư liệu viết bài tuyên truyền”. Rồi từ Cục địch vận, ông trở về Nam công tác ở Ban Binh vận Trung ương Cục, gắn bó với vùng đất Nam Bộ. Chiến tranh giữa lằn ranh sự sống và cái chết đã cho ông nhiều góc nhìn về cuộc sống nơi chiến sự đi qua. Và rồi, như bao người con đi xa, nhiều lúc ông nhớ quê, nhớ Sơn Mỹ đến cồn cào ruột gan, bởi nơi này chịu quá nhiều đau thương.

Học trò Sơn Mỹ đến trường trong sớm mai bình yên.
Học trò Sơn Mỹ đến trường trong sớm mai bình yên.


Sau khi chiến tranh kết thúc, nhận lời mời của nhà văn Nguyễn Chí Trung, ông về công tác ở Trại sáng tác Quân khu 5 đóng ở Đà Nẵng. Chân ướt chân ráo về đây, nhà thơ Thanh Thảo đã được nhà văn Nguyễn Chí Trung gợi ý về Sơn Mỹ viết trường ca. “Thế là đi thôi”, nhà thơ Thanh Thảo, nhớ lại. Quảng Ngãi trong tháng Ba nắng chói chang khắp ruộng vườn. Nhà thơ Thanh Thảo theo chuyến xe ngựa lọc cọc về Sơn Mỹ. Làng quê Sơn Mỹ thời hậu chiến nhiều khó khăn, những mất mát chưa thể hồi sinh. Cho đến bây giờ, ông vẫn nhớ đất quê khô khốc, người quê mặt mày đen nhẻm, áo quần vá chằng, vá đụp, thi nhau bắt cần vọt để lấy nước tưới cho ruộng lúa tươi tốt, cho những đám rau xanh rờn. Còn ngoài phía biển, những dân chài và những con thuyền nan thường ngày vẫn rẽ sóng ra khơi đánh bắt cá. Cuộc sống thời hậu chiến khó khăn là vậy đó, nên chẳng mấy ai có thể đùa với áo cơm thường nhật.

Nghèo khó là vậy, nhưng đến ngày 16.3 hằng năm, địa phương vẫn tổ chức tưởng niệm những thường dân bị thảm sát. Tiếp xúc với những thường dân sống sót, ông càng hiểu hơn về nỗi đau, vì nạn nhân của vụ thảm sát phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Còn Khu chứng tích Sơn Mỹ hồi đó cũng khá đơn sơ. Sống “3 cùng” với dân chài Sơn Mỹ, có những buổi chiều ra biển, ông nhìn thấy những đứa trẻ chân trần trên cát, cùng nhau nô đùa bên mép sóng, với nụ cười trong trẻo hồn nhiên. Bằng sự trải nghiệm, sự nhạy cảm của riêng mình, ông hiểu những đứa trẻ kia là mặt đất, là bầu trời, là tương lai của Sơn Mỹ. Chính cảm hứng ấy mà ông cho ra đời trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ”.   
 

 

Nhà thơ Thanh Thảo.
Nhà thơ Thanh Thảo.

“Ở trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ nếu như đoạn viết về những người du kích, về vụ thảm sát  là góc nhìn của người lớn với nhiều suy tư, chiêm nghiệm, thì những đoạn viết về trẻ em, mình tìm được cách cảm, cách nghĩ của trẻ con là sự hồn nhiên, hòa đồng “Sơn Mỹ ơi/ Khi về đây tôi được thành trẻ nhỏ/ Được nhìn thấy mặt trời treo trên cỏ/ Thấy chim sáo mỏ vàng ấp trứng bên tháp canh”. Có lẽ vì thế mà tác phẩm có sức sống lâu bền”.
 

Nhà thơ THANH THẢO

Âm hưởng “Trẻ con ở Sơn Mỹ”  

Nhà thơ Thanh Thảo, kể: So với những trường ca tôi viết, thì trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ” được viết khá chậm. Bởi thời điểm ấy, tôi còn phải hoàn chỉnh trường ca đầu tay “Những người đi tới biển”. Nhưng một khi được viết, những chương đoạn của trường ca nảy đều trên bàn phím máy chữ: “Cho tôi nhập vào chân trời các em/ Chân trời ngay trên cát/ Sóng ồn ào phút giây nín bặt/ Ôi biển thèm hóa được trẻ thơ”.

Những câu thơ giàu hình ảnh, đầy sự trải nghiệm và sự tiên đoán về tương lai đã mở đầu cho trường ca, nên thuyết phục được bạn đọc ngay từ đầu trang viết. Trường ca như những thước phim quay chậm, hình ảnh làng quê Sơn Mỹ hiện lên với những rừng dương, những hoa xương rồng mọc lên trên cát, có tiếng chim tu hú gọi bầy và những đứa trẻ “da nâu” tóc khét nắng, chúng sinh ra trong lòng địa đạo được đất mẹ chở che. Rồi Sơn Mỹ đau thương tột cùng trong vụ thảm sát và nỗi đau biến thành hờn căm lặng im trong lồng ngực của người du kích, trong những trận công đồn.  

Bằng sự trải nghiệm của chính mình, nhà thơ Thanh Thảo hiểu rõ: Vết thương nào theo thời gian rồi cũng liền da, cho dù có thành sẹo và Sơn Mỹ rồi cũng sẽ hồi sinh là điều không thể khác như: “Bà cụ Đốc ngồi sàng nia gạo/ Cháu Oanh mười hai tuổi đến trường”... Trường ca được in đầu tiên trên Tạp chí Văn nghệ quân đội và đã được đông đảo bạn đọc yêu thích (sau đó, được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành-PV). Nhiều người đã tìm về Sơn Mỹ sau khi đọc trường ca này.

Dịp tưởng niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, nhạc sĩ, đạo diễn Nguyễn Thụy Kha đã làm phim về Thanh Thảo, với trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ. Phim được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và được đích thân Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm chọn để làm quà tặng cho phi công Hugh Thompson và xạ thủ đại liên Lawrence Coburn, hai lính Mỹ đã giải cứu thường dân trong vụ thảm sát, cùng quan khách khi về Sơn Mỹ dự lễ tưởng niệm.

Sống và viết về Sơn Mỹ  

Nhà thơ Thanh Thảo bắt đầu sự nghiệp cầm bút bằng nghề báo, rồi ông làm thơ và càng về sau có sự đan xen giữa thơ ca và báo chí. Với Sơn Mỹ cũng vậy, những năm sau khi sáng tác trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, ông đến với nghề báo. Năm 1988, trong một lần về Sơn Mỹ, ông phát hiện lưới điện trung thế đã kéo về, nhưng người làng nghèo khó không có tiền để góp xây dựng hệ thống điện hạ thế, nên đêm về Sơn Mỹ tối như bưng. Thế là bài viết: "Sơn Mỹ cần một tượng đài- điện” của nhà báo Thanh Thảo đăng trên báo Thanh Niên được đông đảo bạn đọc chia sẻ. Công ty Điện lực miền Trung đã hỗ trợ trạm biến áp, nhiều mạnh thường quân đã góp tiền để kéo điện về Sơn Mỹ, để tháng 3.1998 cả làng quê Sơn Mỹ bừng sáng. Rồi cũng từ Sơn Mỹ ông đã tìm gặp Đỗ Ba – đứa trẻ sống sót trong vụ thảm sát và chịu nhiều thiệt thòi sau chiến tranh để viết báo và động viên anh cố gắng phấn đấu mới có cuộc sống tốt hơn. Trang đời của Đỗ Ba thắm lại từ đó.

Một điều rất đỗi âm thầm là, nhà thơ Thanh Thảo đã tự xây dựng Quỹ học bổng Vì trẻ em Sơn Mỹ và duy trì trong 20 năm qua, với mỗi năm trao học bổng cho từ 30 đến 40 em. Số tiền học bổng này được tích cóp bằng tiền nhuận bút, tiền lương của chính mình. “Cái được là sự lan tỏa của Quỹ học bổng. Nhiều em ở Sơn Mỹ từng nhận học bổng sau này lớn lên thành đạt nhớ về quê hương còn nghèo khó nên lại góp tiền giúp thế hệ đàn em”, nhà thơ Thanh Thảo bộc bạch.

Thanh Thảo là người con đất Quảng. Không như nhiều nhà thơ thành danh khác, chọn Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh làm nơi để sống và viết. Ông ở lại quê  hương núi Ấn - sông Trà. Nhưng điều ông vui là đâu phải thời đại Internet, điện thoại di dộng, mà cái thời khốn khó, đạp xe lọc cọc ấy ông vẫn có nhiều mối liên hệ với anh em văn nghệ ở khắp nơi trong cả nước. Và như nhiều văn nghệ sĩ Quảng Ngãi thành danh trên thi đàn đất nước, ông có nhiều sáng tác về xứ Quảng mến yêu. Sau trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, ông viết “Bùng nổ mùa xuân”, viết về khởi nghĩa Ba Tơ và mới đây là trường ca về Trương Quang Trọng. Âu đó là tấm chân tình, là sự gắn bó của ông với quê hương.


Bài, ảnh: CẨM THƯ
 


CÁC TIN KHÁC
.