Phía sau thủy điện Đăkđrinh

10:03, 04/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhận khối tiền đền bù của dự án thủy điện Đăk đrinh, nhiều người giàu lên chóng vánh, nhưng không lâu sau đó lại trở về với cảnh nghèo. Song cũng có người biết sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả, vươn lên trở thành tỷ phú trên vùng đất Sơn Tây còn nhiều gian khó...

TIN LIÊN QUAN


Năm năm trước, ở huyện miền núi Sơn Tây, nhiều gia đình thuộc diện đặc biệt nghèo khó bỗng chốc trở thành tỷ phú. Những ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc mới khang trang, mọc lên giữa núi rừng đã biến vùng đất khó khăn trở thành một “đô thị” thu nhỏ. Vậy mà, bây giờ khung cảnh ấy đã trở nên đìu hiu. Những "đại gia" thuở nào đang nghèo trở lại, phải nhận gạo trợ cấp hằng tháng.

Khi bỗng dưng giàu có

“Rất nhiều người được nhận tiền đền bù từ thủy điện chịu chơi lắm, tiêu tiền không sợ hết. Người mua ô tô, xe máy; người xây nhà khủng, sắm dàn karaoke, bàn ghế... Còn chuyện ăn nhậu bù khú suốt ngày thì nói không hết. Trong 33 hộ dân, người nhận tiền đền bù ít nhất vài trăm triệu đồng, người nhận nhiều đến vài tỷ đồng. Nhưng họ chi tiêu xả láng, nên chẳng mấy chốc mà trắng tay. Trừ 4 hộ thoát nghèo, còn lại hộ nào cũng tái nghèo”, Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt, chua chát bảo.

Căn nhà khang trang của ông Đinh Văn Điều cửa đóng then cài im ỉm. Tài sản còn lại sau khi nhận 3 tỷ đồng chỉ là căn nhà không ai ở.
Căn nhà khang trang của ông Đinh Văn Điều cửa đóng then cài im ỉm. Tài sản còn lại sau khi nhận 3 tỷ đồng chỉ là căn nhà không ai ở.

Nhận số tiền đền bù 3 tỷ đồng, ông Đinh Văn Rê và bà Đinh Thị Vun (thôn Anh Nhoi 2, xã Sơn Long), cất căn nhà trị giá 300 triệu đồng để ở và mua sắm đồ dùng trong nhà. Lẽ ra số tiền còn lại sẽ giúp vợ chồng ông dưỡng già đến cuối đời. Thế nhưng, thú vui của cậu quý tử Đinh Xa Thanh đã ngốn sạch.

"Trong 33 hộ dân, người nhận tiền đền bù ít nhất vài trăm triệu đồng, người nhận nhiều đến vài tỷ đồng. Nhưng họ chi tiêu xả láng, nên chẳng mấy chốc mà trắng tay. Trừ 4 hộ thoát nghèo, còn lại hộ nào cũng tái nghèo”.
Chủ tịch UBND xã Sơn Long ĐỖ THANH VƯỢT
“Giờ bà Vun đang trở thành hộ nghèo, trong nhà chẳng có gì đáng giá. Bản thân Thanh ngoài lên rẫy, đi làm thuê, thì thời gian còn lại là “lai rai” với đàn ông trong xóm”, Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho hay.

Cũng tại thôn Anh Nhoi 2, Đinh Văn Thiên được xem là tay tiêu tiền có tiếng. Tiền đền bù hơn 3 tỷ đồng mà ông Đinh Văn Điều nhận được, giờ chẳng còn một xu dính túi. Ngày đó, khi có tiền, Thiên xin cha 400 triệu đồng để mua chiếc ô tô đi lại cho ra dáng dân chơi. Có xe Thiên “rỉ tai” cha ra trung tâm huyện mua đất xây nhà để ở. Thương con, ông Điều ra xã Sơn Mùa tìm mua đất và cất căn nhà 2 tầng mọc lên trên mặt tiền đường Đông Trường Sơn, ngốn hết 1,9 tỷ đồng. Có xe, có nhà, nhưng ở vùng rừng núi không có chỗ để chơi, Thiên đánh xe đi TP.Quảng Ngãi, Đà Nẵng “du ngoạn”... Chỉ sau một thời gian, khi hết tiền tiêu pha, Thiên lại mang ô tô đem bán. Hôm chúng tôi đến, căn nhà mặt tiền đường Đông Trường Sơn cửa đóng im ỉm, cả nhà ông Điều chỉ sống ở nhà sàn phía sau.
 
Trong câu chuyện "vui một buồn mười" ấy ông Điều đưa chúng tôi sang chiếc thùng chứa gạo, bên trong đã lưng đến tận đáy: “Còn chừng ấy để ăn trong tuần tới, sau đó thì chưa biết thế nào, vì hết tiền rồi. Nếu ở đây khó sống thì phải bán nhà để về nơi ở cũ thôi”, ông Điều thở dài.

 

"Hiện mình làm chủ trang trại 20ha keo, 40 con bò và 50 con dê. Của ấy là từ tiền đền bù thủy điện mà ra. Còn nếu mình làm giống họ, chắc giờ cũng nghèo đói thôi"
Anh ĐINH VĂN CÔNG, thôn Anh Nhoi 1, xã Sơn Long.

Đồng tiền biết “đẻ”

Trong câu chuyện xài tiền đền bù thủy điện ở xứ ngàn cau, bên cạnh những mảng tối, vẫn còn đó những người biết sử dụng đồng tiền hợp lý. Ở khu tái định cư Anh Nhoi 1, xã Sơn Long, nhắc đến anh Đinh Văn Công ai cũng phải thán phục. Bởi anh là trường hợp “cá biệt” ở vùng núi này, khi sử dụng đồng tiền đền bù làm cho nó sinh lợi. Số tiền 800 triệu đồng nhận được chẳng là gì so với nhiều người trong xóm. Anh Công cũng dùng tiền ấy xây nhà để ở, nhưng số còn lại anh không “đốt” vào những cuộc ăn chơi mà mua đất trồng rừng, mua trâu bò, dê về nuôi. "Nếu mình làm giống họ, chắc giờ cũng nghèo đói thôi", anh Công chia sẻ. Nghe hỏi về tài sản của mình, anh Công thật thà: Hiện mình làm chủ trang trại 20ha keo, 40 con bò và 50 con dê. Của ấy là từ tiền đền bù thủy điện mà ra.

Chịu khó làm ăn, tích tiểu thành đại, thu được đồng nào, anh Công lại đầu tư vào trồng rừng, mua đất và chăn nuôi bò, dê. Cuộc sống ổn định, có của ăn của để anh mới tính chuyện mua ô tô. Và không ai khác, những người trong làng trước mua ô tô đắt tiền, nay túng thiếu đem bán anh mua lại. Chiếc xe anh đang sở hữu hiện nay chính là chiếc xe mà “công tử” Đinh Văn Thiên bán lại cho anh. Có xe, anh không dùng để đi chơi như mọi người mà dùng kinh doanh. Trong xã, huyện có đám cưới, người đau ốm thì anh chở người ta kiếm tiền.

Cũng thuộc dạng “nghèo ba họ”, nhưng sau khi nhận tiền đền bù thủy điện, đến nay ông Đinh Văn Quyết (xã Sơn Liên) là một trong số những người làm ăn giỏi của xã. Nhận số tiền đền bù gần 3 tỷ đồng, ông xây căn nhà gần 600 triệu đồng và mua cho con cái xe máy, sắm bàn ghế, tủ đẹp.

“Phân ra mỗi đứa một ít thì sẽ tiêu tan hết. Tôi cho đứa con trai đi học bằng lái xe và mua một chiếc xe tải 500 triệu đồng để chở keo, vật liệu xây dựng. Tôi giám sát kỹ và luôn dặn nếu không chí thú làm ăn sẽ thu lại xe, nên nó không dám làm bậy mà ngược lại rất chăm chỉ”, ông Quyết tâm sự.

Ngoài lo cho con trai, ông còn trích 600 triệu đồng mua chiếc xe tải cho con rể làm ăn. Số tiền còn lại ông gửi ngân hàng, hằng tháng rút tiền lãi chi tiêu trong sinh hoạt. Bên cạnh lo cho gia đình mình, ông còn hướng dẫn em trai Đinh Văn Rau (nhận tiền đền bù gần 2 tỷ đồng-PV) làm ăn. Đó là sau khi nhận tiền, suốt ngày ông Rau “đốt” tiền vào bia rượu. Thấy em trai mình ăn chơi quá, ông tiếc tiền nên lấy cớ mượn tiền mua xe.

“Hơn 1 tỷ đồng tôi nói mua xe, nhưng thực chất là gửi vào ngân hàng và mua đất trồng keo. Hằng tháng, lấy tiền lãi đưa cho em trang trải cuộc sống. Lứa keo rồi bán được gần 200 triệu đồng nên Rau không sợ đói nữa. Nếu không làm cách đó, chắc số tiền đền bù của Rau bây giờ đã không còn một đồng”, ông Quyết nói.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


CÁC TIN KHÁC
.