Dân làng cần, "bà đỡ" Xây có mặt

10:03, 25/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chị Phạm Thị Xây, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) là người duy nhất của Quảng Ngãi  trong số 66 "bà đỡ" thôn, bản toàn quốc vừa được Bộ Y tế tặng bằng khen. Suốt 12 năm qua, chị Xây đã có những đóng góp rất lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ và trẻ em ở địa phương.

Không kể nắng mưa, ngày hay đêm, cứ có người gọi, chị Xây lại tất tả lên đường cùng với gói đỡ đẻ sạch, 2 cái panh, 1 cái kéo, thước dây, ống nghe, máy đo huyết áp và găng tay. Với chừng ấy dụng cụ, hơn chục năm qua, rất nhiều trường hợp sinh tại nhà trong những lúc cấp bách được chị Xây đỡ đẻ an toàn, mang đến tiếng cười, hạnh phúc cho nhiều gia đình vùng cao.

"Bà đỡ" có chuyên môn

Tôi về thôn Làng Teng tìm gặp "bà đỡ" Xây trong cái nắng hanh hao giữa tiết trời tháng Ba. Đã hẹn từ trước, nhưng phải gần một tiếng đồng hồ chờ tại trạm y tế, tôi mới gặp được chị. Vừa chăm sóc cho sản phụ mới sinh ở làng Kà La, chưa kịp nghỉ ngơi, chị Xây lại có điện thoại reo: Trong làng có người nhờ đến xem rốn cho em bé... Thế là, chị "kéo" tôi đi cùng.

Nhờ hỗ trợ kịp thời của chị Xây (ngồi bên phải) mà chị Bé, mang thai ngược vẫn sinh con an toàn.
Nhờ hỗ trợ kịp thời của chị Xây (ngồi bên phải) mà chị Bé, mang thai ngược vẫn sinh con an toàn.


Chở tôi trên chiếc xe máy cà tàng đã theo chị bao nhiêu mùa rẫy, vừa đến nhà chị Sá, chị Xây đã niềm nở thăm hỏi: “Dạo này sức khỏe của hai mẹ con thế nào? Có đủ sữa cho bé bú không? Cuối tháng này nhớ cho bé lên trạm y tế tiêm phòng nhé!". Chị Xây ôm bé gái vào lòng, coi rốn rồi bôi thuốc, hướng dẫn chị Sá cách chăm sóc em bé.
 

“Xây nó luôn hết lòng vì dân làng. Nhà nào xích mích, vợ chồng mâu thuẫn, có nó đến hòa giải là trở nên êm ấm. Nó còn giúp chị em lúc sinh đẻ, vay vốn thoát nghèo. Dân làng biết ơn lắm!”
Già làng PHẠM VĂN TRUNG

Khi được hỏi về lần sinh em bé vừa rồi, chị Sá hạnh phúc kể: “Còn nửa tháng mới đến ngày dự sinh, thì mình đau đẻ đột ngột. Lúc đó gia đình đi rẫy không có ai ở nhà, may mà có chị Xây kịp thời chở đến bệnh viện. Nhờ vậy, mẹ con mình mới khỏe mạnh như hôm nay. Chị còn hướng dẫn mình cách chăm sóc con tránh bệnh tật và có đủ dinh dưỡng. Nhà mình mang ơn chị ấy nhiều lắm!”.

Rời nhà chị Sa, chị Xây đến khám thai cho chị Phạm Thị Gam. Nhanh tay đặt ống nghe vào bụng thai phụ, chị Xây cười nói: “Bé khỏe lắm! Còn hai tháng nữa sinh, nhớ ăn uống đủ dinh dưỡng!". Chị Xây là thế, lúc nào cũng tận tụy, ân cần hướng dẫn các bà mẹ để sinh và chăm sóc con được khỏe mạnh.

Đối với bà con nơi đây, chị  Xây như con ong chăm chỉ dâng mật cho đời, mang đến hạnh phúc cho bao gia đình. Vốn là người địa phương, nên chị Xây dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn. Chị Xây cho biết: "Trước đây chị em khi mang thai thường ít đến cơ sở y tế để khám. Khi đẻ thì có tập quán đẻ tại nhà. Ngoài ra, bà con còn nhiều phong tục chăm sóc cho trẻ sơ sinh, trẻ em chưa đúng phương pháp khoa học. Mình thường xuyên đến các thôn lồng ghép các cuộc họp khu dân cư để tuyên truyền. Nay người dân đã thay đổi nhận thức, chị em chủ động đi bệnh viện sinh con an toàn".

Nói về cơ duyên đến với nghề đỡ đẻ vất vả này, chị Xây bảo: Đó không phải là công việc dễ dàng, vì địa bàn quản lý tới 8 thôn, nhiều thôn phải đi bộ hàng giờ liền mới đến nơi. Làm nghề này không nhiệt tình thì không làm được. Trước đây phụ cấp chỉ có 40 nghìn đồng, không đủ tiền xăng xe. Mình làm việc bằng lòng nhiệt tình là chính.

Là người Hrê, chị Xây chứng kiến nhiều trường hợp sinh khó, không có sự hỗ trợ từ nhân viên y tế, nên có trường hợp tử vong thương tâm. Để thực hiện ước mơ, giúp chị em sinh đẻ thuận lợi, chị Xây quyết tâm theo học khóa y tế thôn ngắn hạn do huyện tổ chức. Năm 2006, chị lại khăn gói vào tận Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh) học lớp đỡ đẻ thôn bản. Chương trình này do Bộ Y tế triển khai. Gần một năm học ở đây, chị vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn và nỗi nhớ nhà, nhớ xóm làng. Ban tối chị cần mẫn nghiên cứu tài liệu, ban ngày theo các bác sĩ thực hành đỡ đẻ...

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, chị Xây hồ hởi về làng, đem kiến thức đã được đào tạo giúp đỡ đồng bào mình. Suốt 12 năm qua, chị Xây đã tích cực đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng cao.

Chị Xây chăm sóc bé sơ sinh cho mẹ con chị Sá.
Chị Xây chăm sóc bé sơ sinh cho mẹ con chị Sá.


Trưởng Trạm Y tế xã Ba Thành Phạm Văn Đinh cho biết: “Ba Thành là xã đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, giao thông cách trở, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới trên 95%, phong tục tập quán lạc hậu. Những công việc như chị Xây đang làm không mấy người làm được. Chị ấy hết lòng giúp đỡ bà con, tận tụy với công việc, nên cán bộ trạm y tế rất yên tâm”.
 

Đỡ đẻ giữa đêm lũ

Trong vô số những ca đỡ đẻ, chị Xây vẫn nhớ như in trường hợp của chị Phạm Thị Hói, ở thôn Đèo Lâm,sinh con đầu lòng vào năm 2012. Trở dạ lúc giữa đêm, lại đang mùa mưa lũ, dân làng khiêng chị Hói trên chiếc võng xuống trạm y tế, nhưng do mưa lớn, đành che lán trại, gọi chị Xây đến đỡ đẻ giúp. Nửa đêm, chị Xây liều mình băng qua dốc, lội bùn đất, giữa cơn mưa rừng như trút nước, để đến hỗ trợ sản phụ sinh con thành công.

Hết lòng vì dân làng

Không chỉ hết lòng với những bà mẹ và trẻ em, chị Phạm Thị Xây còn là Phó Bí thư Chi bộ uy tín của thôn Làng Teng, Chi hội trưởng phụ nữ thôn luôn sát cánh cùng phụ nữ nghèo, một cộng tác viên dân số tận tụy. Hàng chục lần chị cùng chính quyền hòa giải thành công nhiều vụ xích mích, mâu thuẫn ở địa phương. Với mức phụ cấp hằng tháng chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng bằng lòng nhiệt tình, chị Xây luôn nêu gương đi đầu, ở vai trò nào cũng được dân tín nhiệm, yêu thương.

Cách đây hơn 10 năm, ở thôn Làng Teng tình trạng sinh con thứ ba trở lên khá cao. Điều này khiến các gia đình khó có điều kiện thoát nghèo và chăm lo đủ đầy cho con cái. Đảm nhận vai trò cộng tác viên dân số, chị Xây đã lồng ghép vào những công việc do mình đảm nhận như chi bộ, phụ nữ và những lúc đi làm rẫy, lúc đi khám thai, đỡ đẻ cho sản phụ để tuyên truyền về chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình. Mưa dầm thấm lâu, từ đó, nhận thức của người dân ngày càng tiến bộ.

Chị Phạm Thị Ơn, ở Làng Teng, cho biết: “Mình sinh hai con gái, nhưng nghe lời chị Xây, con nào cũng là con, mình dừng lại ở hai con để tập trung làm kinh tế để thoát nghèo”. Không chỉ có chị Ơn, mà hầu hết các gia đình ở đây đều chấp hành tốt chính sách dân số. Hơn 10 năm qua, thôn Làng Teng không có gia đình nào sinh con thứ ba. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của chị Xây.

Còn đối với chị Phạm Thị Siêu, từ hộ nghèo khó, được chị Xây tận tình hướng dẫn, tạo điều kiện vay vốn từ cấp hội phụ nữ. Chị Siêu đầu tư nuôi trâu, đến nay không những thoát nghèo, mà chị còn có điều kiện lo cho hai con ăn học.

Khi nghe hỏi về chị Xây, già làng uy tín Phạm Văn Trung ở Ba Thành không giấu niềm tự hào: “Xây nó luôn hết lòng vì dân làng. Nhà nào xích mích, vợ chồng mâu thuẫn, có nó đến hòa giải là trở nên êm ấm. Nó còn giúp chị em lúc sinh đẻ, vay vốn thoát nghèo. Dân làng biết ơn lắm!”.


Bài, ảnh: KIM NGÂN

-------------
Bài tham gia Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý"

 


CÁC TIN KHÁC
.