Nụ cười tò he

08:02, 28/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngôi làng nặn tò he độc nhất cả nước ở phương Bắc, những con tò he ngộ nghĩnh, độc đáo đã theo những nghệ nhân đến với trẻ con xứ Quảng.

Ai bảo trẻ con thời nay không thích trò chơi dân gian. Chúng vui như Tết khi được bố mẹ mua cho những con tò he. Trước cổng chùa Thiên Ấn, hay bên góc đường ở công viên Ba Tơ (TP.Quảng Ngãi), trong những ngày Tết,  nhiều người lấy làm lạ khi thấy có rất nhiều trẻ em và cả người lớn chụm lại, chăm chú xem điều gì đó rất thích thú... Thì ra, họ đang xem nặn tò he.

Vui Tết cùng tò he

Lũ trẻ tròn xoe mắt nhìn đôi tay khéo léo, uyển chuyển của người nặn tò he với những nét chấm phá xem chừng đơn giản, nhưng đó cả là một nghệ thuật độc đáo. Khi con tò he vừa nặn xong, tụi nhỏ cười tươi, miệng trầm trồ: Đẹp quá! Niềm vui của trẻ thơ trong ngày Tết ở xứ Quảng được những người nặn tò he điểm tô bởi những con thú ngộ nghĩnh.

 

Anh Cường nặn tò he cho du khách tại chùa Thiên Ấn.
Anh Cường nặn tò he cho du khách tại chùa Thiên Ấn.
Những ông bố, bà mẹ dắt con đi du xuân, tà áo dài của người phụ nữ tung bay trong nắng gió, cùng với đó là hình ảnh con trẻ nhoẻn miệng cười khi cầm trên tay những con tò he đầy màu sắc. Những hình ảnh đó đã đem đến cho mùa xuân thêm thi vị! Anh Nguyễn Hùng Cường (35 tuổi), người nặn tò he, miệng cười tươi rói, bảo: “Người nặn tò he không chỉ để mưu sinh, mà cũng là để thỏa đam mê, khi người chơi tò he vui, mình cũng cảm thấy vui”.

“Người nặn tò he không chỉ để mưu sinh, mà cũng là để thỏa đam mê, khi người chơi tò he vui, mình cũng cảm thấy vui”.
Anh NGUYỄN HÙNG CƯỜNG

Nặn tò he cũng là nghề gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Hỏi ra mới hay, anh Cường quê ở tận làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), đây là làng nghề nặn tò he độc nhất của cả nước, ra đời cách đây hàng trăm năm. Người làng Xuân La đi tứ phương, thậm chí ra nước ngoài mưu sinh bằng nghề nặn tò he.

Vào dịp Tết, lễ hội, khi mọi người vui chơi thì cũng là lúc những người nặn tò he bận rộn vào nghề. Họ mang niềm vui, tiếng cười đến cho du khách gần xa. Từ ngày 28 Tết đến nay, hết ở núi Ấn lại đến công viên Ba Tơ, vợ chồng anh Cường ngồi bên mép đường nặn tò he cho khách. “Năm nào cũng vậy, thời gian chơi Tết của vợ chồng mình sớm hơn hoặc muộn hơn so với mọi người. Còn đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc thì vợ chồng mình ăn Tết cùng với... tò he”, anh Cường nói vui.

Với người nặn tò he, dường như đôi tay không hề ngơi nghỉ. Miệng nói, tay làm, hết con tò he này đến con tò he khác, mỗi con một hình thù cứ lần lượt ra đời, thế mà nhiều lúc không kịp phục vụ khách. Mỗi con tò he có giá 10.000 đồng. Trong dịp Tết, mỗi ngày vợ chồng anh Cường nặn hàng trăm con tò he, thu nhập gần một triệu đồng mỗi người. Chị Phạm Thị Lệ Vân, vợ anh Cường, trải lòng: “Nghề này vốn liếng không nhiều, chủ yếu là lấy công làm lời. Hai vợ chồng ngồi từ sáng tới chiều nặn tò he, nhiều hôm 9 giờ tối mới về đến nhà, nhưng riết rồi quen. Ngày Tết thu nhập khá, nên làm không biết mệt”.

Đồ chơi chim cò

Tò he là sản phẩm làm bằng bột gạo nếp, màu sắc được làm từ nguyên liệu gần gũi với đời sống của người nông dân. Màu vàng từ bột nghệ, màu đỏ từ màu của quả gấc, màu xanh từ rau ngót hoặc lá riềng... Ngày trước, trẻ con chơi tò he đến khi chán chê lại bỏ vào miệng nhai rệu rạo, thế mà đi vào ký ức tuổi thơ của nhiều người khó, mà phai mờ. Ngày nay, để cho tiện lợi, màu sắc của tò he làm từ phẩm màu. Các nghệ nhân nặn nhiều con vật khác nhau như trâu, bò, gà, chó... Bởi vậy, người ta gọi sản phẩm này là “đồ chơi chim cò”.

Những con tò he với hình thù ngộ nghĩnh, được trẻ em thích thú.
Những con tò he với hình thù ngộ nghĩnh, được trẻ em thích thú.


Nếu như trước đây, người nghệ nhân chỉ nặn các hình tượng con vật gần gũi với đời sống của cư dân nông nghiệp, thì ngày nay các hình tượng được nghệ nhân thực hiện theo yêu cầu của các em thiếu nhi. “Mỗi em có mỗi yêu cầu khác nhau, đòi hỏi người nặn  phải có trí tưởng tượng tốt và khéo tay; phải theo dõi các bộ phim hoạt hình, truyện tranh để nắm bắt thị hiếu của trẻ con, nhất là hình tượng nhân vật như siêu nhân, công chúa Elsa...”, anh Cường cho hay. Đồ nghề của người nặn tò he rất gọn nhẹ, gồm có một con dao nhỏ, cái lược, que tre, bột gạo nếp đã được nhào nặn và pha màu, một chút sáp ong và thùng xốp để cắm tò he. Họ rong ruổi khắp các phiên chợ quê, ngõ xóm, phố phường để sống và giữ nghề tổ tiên.

Anh Cường cho biết, năm 1994, ba mẹ anh từ Hà Tây vào xã Đức Nhuận (Mộ Đức) để mưu sinh, đây cũng là quê vợ và là nơi anh chọn để gắn bó cuộc đời mình. Từ nhỏ, anh được ba mẹ chở theo mỗi khi đi làm tò he. Dần dà anh  bị cuốn hút bởi đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn của ba mẹ để tạo ra những hình tượng sắc xảo cùng màu sắc bắt mắt. “Ngày đó, ở đâu có ba mẹ tôi cùng hòm đồ nghề là ở đó lại có đám đông trẻ nhỏ xúm quanh. Bây giờ, trẻ con cũng thích tò he, nhưng không nhiều như trước”,  anh Cường bộc bạch.    


Người nặn tò he có một nguyên tắc của dòng họ là chỉ truyền cho con trai và con dâu. Nghề nặn tò he không khó, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và óc sáng tạo. Cái khó nhất đó là nặn hình nhân vật theo hình vẽ khách yêu cầu. Tuy nhiên, những người có óc sáng tạo thì chỉ cần nhìn qua là có thể làm được. Người làm nghề nặn tò he cũng phải quen với cuộc sống nay đây mai đó, có khi đi cả tuần, cả tháng mới về nhà.

Nghệ thuật dân gian tạo hình tò he giúp trẻ phát triển năng khiếu thẩm mỹ, đi vào ký ức của tuổi thơ một cách êm đềm, sâu sắc. Ở Quảng Ngãi có lẽ chỉ duy nhất có vợ chồng anh Cường làm nghề nặn tò he, cái nghề mang niềm vui đến cho con trẻ.
 

Chuyện tình tò he

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, anh Cường cười hiền, nói: “Cũng nhờ cái nghề này mà mình lấy được vợ”. Ngày mới quen nhau, anh Cường đã hướng dẫn chị Vân làm tò he. Chị đam mê với việc nặn những hình tượng yêu thích, riết rồi hai người yêu nhau lúc nào không hay. Đến khi cưới nhau về, chị lại được anh đóng cho cái hòm hàng đựng các vật dụng cần thiết để đi nặn tò he ở các nơi. Vậy là, nghề tò he đã được truyền dạy cho con dâu theo lời căn dặn của nghiệp tổ.

Cứ đến mùa lễ hội hay Tết đến Xuân về, không chỉ ở Quảng Ngãi mà ở khắp nơi trong cả nước, vợ chồng anh Cường cùng với hành trang là chiếc thùng và các vật dụng cần thiết, họ nay đây mai đó nặn tò he phục vụ trẻ con. Ngày thường, hai vợ chồng lại có mặt ở các trường mầm non để nặn tò he cho các em thiếu nhi. Với thâm niên gần 20 năm làm nghề tò he, anh Cường nhớ kỹ ngày diễn ra lễ hội của từng địa phương, nhớ để rồi vợ chồng lại khăn gói đi đến xứ người nặn tò he. “Tụi nhỏ cười thỏa thích khi có được tò he, ở bên lũ trẻ miết rồi thành quen, không đi làm thấy nhớ, nhất là những ngày mưa nghỉ ở nhà”, anh Cường tâm sự.

 


Bài, ảnh: HÙNG ANH


 


CÁC TIN KHÁC
.