"Giấc mơ bay" cùng con

08:01, 21/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là 18 năm người cha đi học cùng con, là hàng nghìn lần cha kiên nhẫn dạy con phát âm từng nguyên âm, phụ âm. Là những phút cha lặng im giấu nỗi buồn vào trong lòng khi con chưa hiểu, không chịu hợp tác...

Câu chuyện cảm động về tình cha con và nghị lực phi thường của người Quảng Ngãi lập nghiệp nơi đất khách đã chạm đến trái tim nhiều người. Ông là Trần Khương, với quá trình tìm lại âm thanh cho cô con gái Trần Lê Khả Ái không may bị câm điếc bẩm sinh.

Bán “cần câu cơm" để lo cho con

Sinh ra và lớn lên ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức), khi trưởng thành, ông Trần Khương cũng như bao thanh niên khác vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp cùng những khát vọng. Sau 5 năm yêu nhau, ông Khương lập gia đình với người bạn gái cùng quê. Niềm vui đến khi vợ mang thai. Lúc ấy, hai vợ chồng ông Khương đang làm thuê trong tiệm may của người chủ có cô con gái là giáo viên dạy múa. Ông Khương đã ươm những giấc mơ về đứa con gái của mình lớn lên cũng trở thành diễn viên múa trên sân khấu có ánh đèn lộng lẫy. Cái tên Khả Ái ra đời từ giấc mơ của người cha như vậy.

Miệt mài kiên nhẫn tập luyện cho con, ông Trần Khương đã mang lại âm thanh và giọng nói cho cô con gái khiếm thính.
Miệt mài kiên nhẫn tập luyện cho con, ông Trần Khương đã mang lại âm thanh và giọng nói cho cô con gái khiếm thính.


“Năm 1997, con gái ra đời trong hạnh phúc vô bờ bến của hai vợ chồng. Chừng 3, 4 tháng tuổi con vẫn bập bẹ như những đứa trẻ khác. Thế nhưng đến một tuổi, trong lúc con và những đứa trẻ cùng xóm trọ chơi đùa, thì tôi linh cảm có điều bất an. Đến khi con gần hai tuổi, vợ chồng tôi phát hiện ra con bị câm điếc bẩm sinh. Vợ chồng tôi chới với, suy sụp, khóc suốt mấy ngày liền”, ông Khương nói.

Sau đó, ông Khương tìm đọc một tài liệu về hỗ trợ, can thiệp cho trẻ bị câm điếc. Tài sản duy nhất là chiếc xe máy cũ kỹ là phương tiện đi làm hằng ngày. Hai vợ chồng ông Khương đã quyết định bán “cần câu cơm” của mình, vay mượn thêm để mua cặp máy trợ thính trị giá hơn 5 cây vàng, để giúp con nghe được.

Từ lúc 29 tháng tuổi đến nay, Khả Ái đã mang 7 cặp máy trợ thính như vậy, cho thấy tình yêu thương bao la, công sức và số tiền của cha mẹ đã chắt chiu dành dụm cho con. “Nhưng không phải đeo máy trợ thính là con nghe được, nói được, vì hai tai bé Ái đều bị điếc sâu cần được hỗ trợ, tập luyện thường xuyên. Mỗi tuần hai lần, hai vợ chồng đạp xe vượt chặng đường gần 20 cây số đến trung tâm hỗ trợ học các kỹ năng tập luyện cho con.

Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, trong khi Khả Ái biếng ăn, hen suyễn và còn bị câm điếc bẩm sinh. Vì thế, để dạy cho con từng nguyên âm, ông Khương phải kiên nhẫn cả nghìn lần, để con nhớ, biết cách phát âm, rồi đến dạy phụ âm, chữ cái... Sau những tháng ngày thầm lặng miệt mài dạy con, "tia sáng cuối đường hầm” cũng đến với gia đình nhỏ. Người cha kể về điều kỳ diệu ấy: “Hồi đó, gia đình ở một phòng trọ nhỏ tại quận Gò Vấp gần sân bay. Những đứa trẻ xung quanh đều hò reo thích thú khi thấy những chiếc máy bay, còn con gái của tôi vẫn lặng thinh. Tận 6, 7 tháng sau, một lần thấy máy bay, con gái tôi thốt lên “bay... bay... bay ” đến ba lần. Hạnh phúc như vỡ òa trong tôi. Tôi bồng con vào nhà khoe với vợ”. Từ đó, chữ “bay” như chiếc chìa khóa mở ra hành trình mới cho hai cha con.

"Khó đi, cha dắt con đi..."

Đến lúc Ái 5 tuổi, hai vợ chồng ông Khương bàn nhau xin cho con vào trường mầm non, nhưng không nơi nào chịu nhận. Sau những lần bị từ chối, ông Khương cầm hồ sơ ra về, nước mắt cứ tuôn trào.

Ai cũng khuyên nên gửi con vào trường chuyên biệt, nhưng muốn con hòa nhập, phát triển bình thường, ông Khương lại kiên nhẫn gõ cửa khắp nơi. Thế rồi, Khả Ái cũng được nhận vào học. Nhưng sau 1, 2 ngày học đầu tiên, khó khăn tiếp tục ùa đến, khi ngay cả tên mình, Khả Ái cũng không biết. Mọi hoạt động Ái chỉ biết nhìn theo bạn để làm theo. Vậy là, hai vợ chồng ông Khương lại chia nhau thay phiên đi học cùng con. Từng bài hát, đồng dao cô giáo dạy, hai vợ chồng lại tỉ mỉ chép tay để tối về dạy lại cho con. Ái phải học đến hai năm lớp lá mới ra trường.

Đến lúc vào tiểu học, cả trường hàng nghìn học sinh chỉ có Ái bị khuyết tật. Nỗi lo lại đè trên đôi vai người cha. “Khi đó, tài liệu dạy cho trẻ câm điếc rất ít, chỉ bằng tiếng nước ngoài. Tôi mang ra tiệm dịch thuật tốn cả trăm nghìn. Để học cùng con, tôi hướng dẫn cho con bằng nhiều cách như dùng tín hiệu môi, vừa dùng hành động để chỉ cho con cách phát âm. Có những bài học con không hiểu, hai vợ chồng phải đóng vai các nhân vật, diễn đạt sao cho con hiểu từng từ, từng ý nhỏ”, ông Khương chia sẻ về cách dạy con của mình.

Đầu năm lớp 6, việc học càng khó hơn. Năm học này, mọi môn học Ái đều đạt, nhưng chỉ có hai môn ngữ văn và giáo dục công dân dưới 2 điểm. Vậy là, ông Khương lại thuyết phục mời cô giáo đến nhà dạy cho con. Không đủ tiền nộp, ông Khương rủ những đứa trẻ cùng xóm đến học chung với con. Trong khi những đứa trẻ học, ông Khương cặm cụi bên chiếc bàn may. Ông vừa may quần áo cho khách, vừa học theo để dạy lại cho con.

Những giấc mơ nơi đất khách

Hành trình miệt mài và thầm lặng "mang đến âm thanh và giọng nói" cho con gái bị câm điếc bẩm sinh chỉ có vài người thân thiết với ông Khương biết. Không một ai tin rằng 18 năm qua, có một người cha đã thầm lặng dạy và học cùng con.
Suốt những năm học, Ái đều đạt học sinh tiên tiến. Ngoài sự hỗ trợ của cha mẹ, thì Khả Ái còn là một cô gái khiếm thính đầy nghị lực. Bên chiếc bàn may, mỗi ngày Ái lại giúp cha những công việc đơn giản và mơ ước trở thành nhà thiết kế cứ lớn dần trong tâm trí cô gái khiếm thính.

Hiện Khả Ái là sinh viên năm 2 ngành thiết kế đồ họa, Đại học Hoa Sen. Câu chuyện cảm động với những giá trị sâu sắc, thông điệp mạnh mẽ về nghị lực vượt qua số phận, hơn hết là tình phụ tử thiêng liêng của cha con ông Khương đã làm xúc động hàng triệu khán giả qua bộ phim tài liệu “Giấc mơ bay” của chương trình VTV đặc biệt. Bộ phim ấn tượng về hành trình của hai cha con đã đoạt giải VTV Awards 2017, giải nhì phim tài liệu Châu Á.

Hằng ngày, ông Khương vẫn mưu sinh bằng nghề may. Tiếng máy may vẫn gõ lách cách đều đều. Khả Ái vẫn đến trường, tiếp tục thực hiện giấc mơ trở thành nhà thiết kế. Em trai Khả Ái đang là sinh viên đại học kiến trúc là người bạn thân thiết, giúp đỡ chị gái. Những ước mơ của người cha tần tảo dẫu trải qua nhiều trắc trở, khó khăn, nhưng với nỗ lực bền bỉ sắp đến ngày đơm hoa.

Truyền niềm tin cho người cùng cảnh ngộ

Với ông Khương, hạnh phúc không chỉ là thành quả sau hành trình dài mà ông luôn mong mỏi câu chuyện của mình được đến gần hơn với những người ở quê nhà Quảng Ngãi, truyền niềm tin, nghị lực cho những gia đình không may có hoàn cảnh giống ông. Sau khi bộ phim phát sóng, một gia đình ở TP.Hồ Chí Minh đã đưa đứa con trai 8 tuổi bị câm điếc đến nhờ ông Khương giúp đỡ. Suốt những năm qua, họ sống với suy nghĩ con mình mãi là đứa trẻ không thể nói được, nghe được. Qua thời gian, ông Khương tập luyện như từng kiên nhẫn dạy dỗ con gái của mình, đứa trẻ đã có những tiến bộ.

“Vừa qua, có một gia đình ở huyện Ba Tơ gọi điện kể cho tôi về đứa con cũng bị khiếm thính. Tôi biết, với nhiều người, khi con không may bị khuyết tật, họ nghĩ rằng mọi việc đã khép lại và chấp nhận số phận. Nhưng giá như những đứa trẻ ấy được can thiệp sớm, mọi chuyện tiến triển tốt hơn. Ánh sáng sẽ mở ra với những đứa trẻ kém may mắn, để chúng có thể hòa nhập, phát triển bình thường”, ông Khương nói.

 

Bài, ảnh: BẢO HÒA


 


CÁC TIN KHÁC
.