Đằng sau những tấm huy chương

01:01, 19/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Môn bóng bàn cần sự kết hợp khéo léo, nhuần nhuyễn giữa bàn tay và đôi chân nhanh nhẹn. Nhưng từ nhỏ ông Đặng Thế Cần đã đi tập tễnh, phải không ngừng nỗ lực với tinh thần thép ông mới gặt hái nhiều thành tích đáng trân trọng tại các giải bóng bàn trong và ngoài nước.
 
Bộ sưu tập huy chương của ông Cần treo trang trọng trong ngôi nhà nhỏ ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Ông là vận động viên khuyết tật môn bóng bàn, nhiều lần tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu Paragames.

Không bao giờ là quá muộn

Ngày nắng cũng như ngày mưa, vào mỗi buổi chiều người đàn ông gần 50 tuổi này vẫn đều đặn đi xe máy vượt chặng đường gần chục cây số từ thị trấn Chợ Chùa đến tập luyện bóng bàn tại TP.Quảng Ngãi. Thế nhưng, dẫu đường sá xa xôi, đi lại khó khăn vẫn không ngăn được tình yêu mà ông Cần đã dành cho thể thao.

Dù nắng hay mưa, mỗi ngày, ông Đặng Thế Cần (trái) vẫn giữ niềm đam mê tập luyện bóng bàn.
Dù nắng hay mưa, mỗi ngày, ông Đặng Thế Cần (trái) vẫn giữ niềm đam mê tập luyện bóng bàn.


Cứ thế, gần hai chục năm qua, con đường này đã in bóng dáng quen thuộc của ông Cần. Còn những người đam mê bóng bàn ở Quảng Ngãi đã có thói quen chiều chiều cùng đợi người bạn của mình xuống tập luyện. Hôm nào thiếu vắng ông, sân bóng bàn như thiếu đi một thành viên đầy đam mê, nhiệt huyết.

Hòa vào không khí rộn ràng tại địa điểm tập luyện của Câu lạc bộ Bóng bàn Thiên Ấn, ông Cần cầm vợt say sưa tập luyện cùng mọi người. Ít ai biết rằng con đường đến với bóng bàn thật lắm những gian nan mà chỉ có những nỗ lực hơn người như ông Cần mới có thể vượt qua.

“Năm lên ba tuổi, tôi bị sốt bại liệt. Biến chứng sau căn bệnh khiến đôi chân đi lại không vững”, ông Cần bộc bạch. Rồi bước ngoặt đến đã làm thay đổi cuộc đời của ông khi năm 2003, một lần xem ti vi, ông Cần thấy những người khuyết tật tham gia thi đấu bóng bàn.
 

"Người như anh Cần hiếm lắm! Biết bao người đã bỏ cuộc nhưng anh Cần vẫn giữ vững niềm đam mê. Ông Cần chưa bao giờ nản chí trước khó khăn. Nghị lực ấy rất đáng khâm phục!”.
Huấn luyện viên HUỲNH THÀNH

“Tại sao họ làm được?”, câu hỏi vẫn cứ thôi thúc mãi trong lòng ông. Năm 2004, ông Cần từ Nghĩa Hành đến TP.Quảng Ngãi gặp ông Huỳnh Thành (huấn luyện viên đồng thời là vận động viên môn bóng bàn, đội trưởng đội tuyển người khuyết tật) để bắt đầu tập luyện.

Những ngày đầu mới tập, đôi bàn chân vốn di chuyển khó khăn lại sưng tấy đau nhức. Nhiều lần trong lúc tập, ông Cần bị ngã. Những lúc như vậy, gắng gượng vượt qua cơn đau, ông Cần lại cầm vợt tiếp tục tập luyện.

“Không thể kể hết những khó khăn, nhọc nhằn mà ông Cần đã vượt qua. Bởi tập luyện thể thao cần sự kiên nhẫn, bền bỉ và nuôi dưỡng đam mê trong khi ông Cần nhà ở xa, việc đi lại bị hạn chế. Không chỉ vượt qua trở ngại về khoảng cách mà lớn hơn hết đó là vượt qua chính bản thân của mình. Như một sự trùng hợp, bởi hai năm trước khi ông Cần lặn lội tìm đến thì tôi tình cờ phát hiện ra trường hợp Đặng Thế Cần trong một lần làm trọng tài ở huyện Nghĩa Hành. Khi đó, giải thể thao các huyện miền núi và trung du trong tỉnh tổ chức ở Nghĩa Hành, ông Cần có đến xem giải. Tôi để ý, phát hiện ra tố chất thể thao khi ông Cần cầm vợt bóng bàn chơi thử”, ông Huỳnh Thành nhớ lại những ngày ấy.

Khi đến với bộ môn bóng bàn, ông Cần đã 35 tuổi. Độ tuổi không phải là trẻ để bắt đầu chơi thể thao. Nhưng môn bóng bàn không giới hạn về độ tuổi, nhất là đối với người có ý chí, nghị lực, luôn khao khát vươn lên. Sau hai năm tập luyện, ông Cần tham gia thi đấu giải toàn quốc và đoạt ba huy chương Bạc. Năm tiếp theo, ông Cần tham gia thi đấu giải tiền Paragames đoạt huy chương Vàng. Đến năm 2007, ông Cần vinh dự là thành viên đội tuyển quốc gia thi đấu tại Thái Lan. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên này, ông Cần đã mang vinh dự về cho Tổ quốc và quê hương với hai huy chương Bạc và một huy chương Đồng.

Huy chương cuộc đời

Những lần tham dự thi đấu ông Cần phải xa nhà hàng tháng trời. Chỉ cần thời tiết thay đổi, cả người đã đau nhức, nhất là sau những chuyến tập luyện phải xoa nhiều dầu để làm dịu cơn đau. Thế nhưng lúc nào ông Cần cũng giữ vững quyết tâm. Cả những lúc thi đấu xung quanh biết bao người theo dõi, nhưng có khi đôi chân không đứng vững, ông Cần bị ngã rầm xuống vẫn kịp rướn lên để đánh bóng. Khoảnh khắc ấy từng khiến không biết bao nhiêu khán giả trên khán đài cảm động.

Bộ sưu tập huy chương trong và ngoài nước treo trang trọng trong ngôi nhà của ông Đặng Thế Cần.
Bộ sưu tập huy chương trong và ngoài nước treo trang trọng trong ngôi nhà của ông Đặng Thế Cần.


Sau chuyến thi đấu đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh, hai thầy trò Huỳnh Thành và Đặng Thế Cần tìm đến Bệnh viện chấn thương chỉnh hình để làm nẹp chân bằng inox.

Năm 2008, hạnh phúc mỉm cười khi ông Cần gặp và se duyên với người phụ nữ cùng quê. Hai đứa con xinh xắn lần lượt ra đời. Người phụ nữ đảm đang tháo vát cùng chồng chăm lo gia đình, con cái. Những năm gần đây, cha của ông Cần tuổi cao sức yếu lại bị tai biến, người con dâu thảo hiền chăm sóc từ miếng ăn, đến giấc ngủ. Mỗi sáng, ông Cần chở con đi học, rồi trở về nhà làm công việc thường ngày của người thợ kim hoàn. Buổi chiều cứ 5 giờ, ông lại cưỡi xe máy đến TP.Quảng Ngãi hăng say tập luyện đến 7, 8 giờ tối.

“Cần gai” là tên gọi quen thuộc mà những người chơi bóng bàn ở Quảng Ngãi hay gọi ông Đặng Thế Cần. Ông Cần thường sử dụng mặt vợt gai trong tập luyện và thi đấu để hỗ trợ thêm cho bản thân.

Nhưng kỹ thuật chơi vợt gai cần sự dẻo dai, đa dạng, trình độ cao hơn trong thi đấu với các đối thủ nước ngoài. “Người khuyết tật chơi bóng bàn trên cả nước nhiều lắm, nhưng thi đấu đoạt huy chương, đại diện cho quốc gia tham gia các đại hội thể dục thể thao khu vực rất hiếm. Từ đó đến nay, ông Cần vẫn giữ phong độ thi đấu ổn định, thường xuyên tập luyện, giữ vững thành tích mới là điều đáng nói”, ông Huỳnh Thành tự hào về vận động viên Cần.

Trong hai tháng gần đây, cặp đôi Huỳnh Thành – Đặng Thế Cần đã mang về hai chiếc cúp tại hai giải thi đấu ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Từ Quảng Ngãi, phải thức dậy đi từ hai giờ sáng ra Đà Nẵng thi đấu nguyên cả ngày, cặp đôi vẫn rinh giải.

Những thành tích thể thao đầy ấn tượng mà ông Cần cùng với những người cùng chí hướng đã đoạt được là minh chứng cho những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi.

“Người khuyết tật vượt qua cuộc sống đời thường đã khó, tập luyện thể thao càng khó hơn. Bóng bàn đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho tôi và mang lại nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chỉ cần có ý chí, có nghị lực, mọi khó khăn sẽ lùi bước”, ông Cần chia sẻ.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


CÁC TIN KHÁC
.