Miệt mài gieo chữ trên non

08:11, 25/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã 25 năm, cô giáo Trần Thị Thu Thao âm thầm “gieo” chữ ở  vùng cao Ba Vì (Ba Tơ). Những học trò của cô bây giờ có người là bác sĩ, kỹ sư, là công an, sĩ quan quân đội...

TIN LIÊN QUAN


Cách đây 25 năm, vừa hoàn thành lớp Trung cấp sư phạm, cô Thao quê ở xã Ba Động (Ba Tơ) háo hức cùng với 3 người bạn lên xã Ba Vì nhận công tác và mảnh đất dưới chân đèo Viôlắc, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đã níu giữ chân cô cho đến tận bây giờ.

Bám trụ

Đường đến Ba Vì ngày đó toàn đường đất, mỗi ngày có một chuyến xe đò chạy bằng than đi qua. “Xe chạy chậm lắm! Qua đèo Lâm cứ ì à, ì ạch làm ai cũng mệt nhoài. Còn quần áo thì bám đầy khói than. Nhưng rồi sức trẻ, sự nhiệt tình với nghề đã làm chúng tôi quên đi những mệt nhọc”, cô Thao kể.

Tiết dạy của cô giáo Thao lúc nào cũng thu hút sự chú ý lắng nghe của các em.
Tiết dạy của cô giáo Thao lúc nào cũng thu hút sự chú ý lắng nghe của các em.


Trường Tiểu học Ba Vì lúc đó hiu quạnh lắm. Chỉ có hiệu trưởng và một giáo viên. Cô Thao nhớ mãi ngày đầu nhận lớp: “Lớp học có đến 65 em với nhiều độ tuổi từ mầm non đến THCS. Các em lớn thì quá hiếu động; các em nhỏ thì không biết vệ sinh cá nhân. Cô trò bất đồng ngôn ngữ. Lớp học cứ thế dập dờn thiếu đủ thứ”. Đêm xuống, Ba Vì tĩnh mịch. Trong túp lều mái lợp tranh, do phụ huynh đóng góp dựng nên, cô Thao ở một mình nên có những đêm phải thức trắng. Tiếng gió thổi mạnh, tiếng động lạ cũng làm cô lo lắng. Ngày đó, Ba Vì đang “sốt” trầm, rùa vàng. Dân tứ xứ tụ tập về. Sống trong môi trường quá phức tạp, đường sá xa xôi, đồng lương bèo bọt, cô Thao cũng như nhiều người bao lần muốn buông bỏ về xuôi. "Nhưng thấy các em chịu quá nhiều thiệt thòi, quần áo phong phanh, co ro trong rét lạnh, nên mình quyết định ở lại với mái trường", cô Thao chia sẻ.
 

“Kiến thức, phương pháp dạy, hình thức tổ chức lớp... không đáng lo ngại bằng cách truyền đạt kiến thức cho các em. Giáo viên chẳng khác nào như một người nghệ sĩ trên sân khấu, mắt phải luôn theo dõi quan sát các em. Nếu các em hào hứng, lắng nghe giảng bài thì đó là tiết dạy thành công, còn ngược lại thì mình phải nhanh chóng điều chỉnh”.
Cô giáo TRẦN THỊ THU THAO

Vượt lên chính mình

Cô giáo Thao bám trụ lại trường cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đương đầu với khó khăn. Cô bắt đầu học tiếng Hrê để hiểu tập quán và dạy các em dễ hiểu hơn. Đồng lương nhà giáo lúc đó “hẻo” lắm, nhưng thấy nhiều học sinh gia cảnh khó khăn quá, cô Thao đành lấy tiền tiết kiệm để mua chiếc bút, cuốn vở, bảng đen tặng cho các em. Tình yêu của cô đối với trò cứ thế gắn chặt qua từng ngày.

Nhiều người xem việc bám trụ, ở lại vùng giáp ranh dạy học của cô Thao như kỳ tích. “Làm giáo viên dù dạy ở vùng cao hay đồng bằng, thì kiến thức truyền đạt cũng phải đảm bảo. Trong lớp có 10 em yếu thì cũng có vài em học giỏi. Những em giỏi sẽ làm hạt nhân để kéo lớp đi lên”.

Từ một giáo viên "mù" công nghệ thông tin, cô đã học vi tính, nối mạng và tự tìm phương pháp dạy hay để áp dụng vào bài giảng. Lớp học của cô vì thế luôn sôi nổi. Nhưng cô vẫn chưa hài lòng. Để biết năng lực chính mình, cô Thao tham gia các đợt thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; thi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và hàng loạt các hoạt động khác của trường. Mỗi lần đi thi cô đã bỏ công sức khá nhiều, nhưng vẫn không khỏi lo sợ. Học hỏi thêm đồng nghiệp, tìm sách báo, phương pháp dạy trên mạng để uốn nắn cử chỉ, biểu hiện truyền đạt, nhờ đó, cô đã giành nhiều giải xuất sắc trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và nhận được bằng khen của Trung ương.

Hằng năm, cứ có kỳ thi nào trong ngành, các hoạt động phong trào cô lại thu xếp chuyện nhà, việc dạy để tham gia. Nhiều người ái ngại khuyên bảo, nhưng cô xem nó như một việc làm để hoàn thiện bản thân. “Dạy học ở vùng cao có nhiều điều thiệt thòi. Tham gia kỳ thi là dịp để mình học hỏi những tinh hoa trong ngành từ các đồng nghiệp mang lại, để vượt lên chính mình”, cô Thao bộc bạch.

Điểm tựa cho đồng nghiệp trẻ

Nhiều giáo viên trẻ xem cô Thao như điểm tựa trong nghề.
Nhiều giáo viên trẻ xem cô Thao như điểm tựa trong nghề.


Dù không tham gia công tác quản lý, nhưng trong lòng đồng nghiệp trẻ, học sinh, phụ huynh đều xem cô giáo Thao như điểm tựa. Từ phương pháp dạy học đến chuyện truyền đạt kinh nghiệm để dự thi giáo viên dạy giỏi, các cô giáo trẻ đều tìm đến cô Thao. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, bày tỏ: “Làm nghề giáo ai cũng muốn đạt giải giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Nhưng dạy học ở môi trường vùng cao nào ai dám đọ sức. Biết chuyện, cô Thao đã động viên và hỗ trợ nhiệt tình. Mình nhớ mãi lần đầu tiên dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bốc thăm trúng tiết dạy ở môn Tự nhiên và xã hội, mình khá lúng túng nhưng hỏi chị một vài điều, thì mọi việc đều hanh thông. Lần đó, mình đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh".
 

Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất

Năm 2015 cô Trần Thị Thu Thao nhận Bằng khen của  Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam, vì có thành tích xuất sắc trong việc bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh năm học 2014-2015. Cô từng đạt danh hiệu “Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất”.

Nhiều hôm, trời đã quá khuya nhưng cô Thao vẫn nhiệt tình hướng dẫn đồng nghiệp trẻ. “Là thế hệ sau, có điều kiện để giảng dạy tốt, nhưng em vẫn không đủ tự tin để tham gia các cuộc thi trong ngành. Nhờ chị Thao hướng dẫn tận tình, sâu sát em mới có vị trí đứng trong lòng đồng nghiệp”, cô Võ Thị Phương Thanh, chủ nhiệm lớp 5A, bộc bạch.

Nhiều giáo viên trong trường cũng khâm phục: Bài giảng nào của cô giáo Thao cũng có sự sáng tạo, liên hệ thực tế, nên đã thu hút sự chú ý của học sinh... Mỗi lần có tiết dự giờ, hay thi giáo viên dạy giỏi các cấp “có cô giáo Thao xem qua, góp vài ý là bài dạy trở nên sôi động”, cô giáo Võ Thị Phương Thanh bày tỏ.

Cô giáo Thao còn khá được lòng học sinh. Hôm nào có chuyện về xuôi, hay đau ốm, cô không đến lớp được, giáo viên trẻ, học sinh lại tìm đến cô để thăm nom, hỏi han. Nhiều em đã viết nhật ký bày tỏ tình yêu thương quý mến đối với cô giáo Thao... Đọc được vài dòng chữ còn nghệch ngoạc từ phụ huynh đem đến, khóe mắt cô Thao bỗng cay cay. Đó là nước mắt hạnh phúc, phần thưởng cao quý dành cho cô giáo hết lòng yêu trẻ, yêu nghề, để bám trụ "gieo chữ" ở vùng cao Ba Vì.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


CÁC TIN KHÁC
.