Gió mới thổi qua làng Teng

03:10, 27/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những tấm thổ cẩm làng Teng ở xã Ba Thành (Ba Tơ) vừa được trưng bày tại  Festival nghề truyền thống Huế với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” vừa qua đã được nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Việt Nam Minh Hạnh để mắt. Đây là niềm vui lớn của đồng bào Hrê ở huyện vùng cao Ba Tơ.

TIN LIÊN QUAN

Đến với Festival nghề truyền thống Huế lần này, nhiều nghệ nhân ở làng Teng đã thỏa niềm đam mê khi được giới thiệu những sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc mình; được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc giữ gìn và phát triển những sản phẩm văn hóa truyền thống...

Làn gió mới

Nghệ nhân Phạm Thị Găm, nói: “Mình quá tự hào vì những tấm thổ cẩm của người Hrê làng Teng đã được góp mặt với thổ cẩm của các dân tộc khác trên đất nước mình. Bốn nghệ nhân của làng gồm Phạm Thị Đang, Phạm Thị Hải và Phạm Thị Chuyền và tôi được trình diễn dệt thổ cẩm ngay tại Festival. Vui và tự hào lắm!”.

Nghệ nhân làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) dệt thổ cẩm.
Nghệ nhân làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) dệt thổ cẩm.


Nghệ nhân Phạm Thị Chuyền, kể: Tại Festival, nhiều người nhận xét, so với các thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên Huế), thổ cẩm Chăm (Ninh Thuận)... thì thổ cẩm làng Teng không thua kém gì. Từ chất liệu vải, đến đường nét, hoa văn, họa tiết. Còn nhà thiết kế Minh Hạnh, sau khi đi dạo một vòng qua các gian trưng bày thổ cẩm rồi dừng lại ngay gian trưng bày thổ cẩm làng Teng, nói: Tấm vải dệt rất chắc. Màu sắc đẹp, bắt mắt người xem, nên có nhiều cơ hội để phát triển. Cũng theo bà Chuyền, đến với gian hàng của dân tộc Hrê làng Teng, nhà thiết kế Minh Hạnh đã mua 2 tấm vải và hứa sẽ hỗ trợ về mặt thiết kế sản phẩm”.

Lời động viên của nhà thiết kế Minh Hạnh, đã giúp phụ nữ làng Teng thay đổi suy nghĩ trong việc tạo ra nhiều sản phẩm truyền thống của dân tộc mình. Ngoài dệt áo, khố, khăn choàng... để phục vụ đồng bào dân tộc mình, nay những nghệ nhân ở làng Teng còn hướng đến dệt những sản phẩm là túi xách, đồ mặc cho các con vật trong các sở thú, đồ chơi cho trẻ nhỏ... “Những sản phẩm này bán khá chạy ở các điểm du lịch. Nhiều người đã đặt hàng nên mình bàn bạc với chị em chọn hướng này để phát triển nghề”, nghệ nhân Phạm Thị Chuyền, bộc bạch.
 

“Lạ lắm! Nghề dệt đến với mình như dòng máu có sẵn trong người. Lúc đó 14 tuổi, chứng kiến bà con dự lễ hội, lễ cúng Giàng đều mặc đồ thổ cẩm. Trong các lễ vật dâng lên đều có tấm thổ cẩm đi kèm. Hay cúng thôi nôi, đầy tháng, nếu là con trai thì có khố, túi đựng cung tên, chim thú... con gái thì sắm váy, tu, khăn choàng đều bằng thổ cẩm. Vì vậy, mỗi lần thấy các mẹ dệt là mình theo dõi từng màu sắc, đường dệt”.
Nghệ nhân PHẠM THỊ GĂM

Nghề dệt truyền đời

Sau khi dự Festival, chị Găm đã làm việc hăng say hơn. Nhiều hôm, bóng tối đã phủ bên hiên nhà tự bao giờ mà chị vẫn miệt mài bên khung cửi. Tiếng kéo chỉ, gõ chặt nền vải cứ thả đều theo nhịp. Chị Găm bảo: Làng đã vào mùa dệt thổ cẩm để bán Tết rồi. Năm nay, khách các nơi đặt hàng khá nhiều. Dù vất vả, nhưng vui...      
    
Theo nghệ nhân Găm và các bậc cao niên, nghề dệt thổ cẩm là nghề có từ rất lâu của đồng bào nơi đây. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, mẹ truyền dạy cho con, chị truyền nghề cho em. Phụ nữ làng Teng từ lâu đã nổi tiếng khéo léo trong nghề dệt thủ công. Họ đã dệt cho người thân của mình những chiếc áo, khăn choàng mặc trong những ngày lễ hội, xuân về...

Nghệ nhân Phạm Thị Đang (58 tuổi), nhớ lại: Ngày trước làng chưa có điện, vào những đêm trăng sáng, nam nữ trong làng thường hay tập trung đến nhà của các mí (mẹ) Thiều, Bé, Tú, người thì học nghề, người se chỉ, kéo sợi dệt những tấm thổ cẩm để điệu con, những chiếc túi để cho trai làng đựng nỏ, cung tên, hay cho cha mẹ chiếc khăn choàng đầu mỗi lần ra đồng.

Khi trời chuyển mùa se se lạnh, chị em lại lo cho chồng, con những chiếc áo ấm, khăn ấm để mặc trong mùa đông. Bận rộn nhất vẫn là ngày cả làng lo chuẩn bị đón Tết. Trong những ngày ấy, từ trẻ đến già, dù giàu hay nghèo đều phải có trang phục thổ cẩm mới. "Mỗi chiếc khố, khăn choàng, tấm địu con hay túi xách dệt cũng mất hai đến ba đêm. Còn dệt được một chiếc áo, chiếc cà tu mất gần mươi ngày. Vào mùa lễ hội, có lễ cúng Giàng, sông, núi, ruộng đồng, cúng nguồn nước, con trâu, nhà cửa để con cái được khỏe mạnh, mùa màng bội thu, nên trước đó cả hai ba tháng trời, chị em mình phải cố gắng để dệt”, nghệ nhân Phạm Thị Đang, bộc bạch.

Vào những ngày đông vùng cao trời tối kịt. Mưa giăng, gió lạnh phủ khắp các gian nhà. Lúc này, đàn ông đã rỗi việc nương rẫy nên thường hay giúp vợ, giúp mẹ tìm củi gộc, nhóm bếp tạo ánh sáng để dệt vải và sưởi ấm. Những tấm thổ cẩm được dệt nên từ sự tỉ mẩn, khéo léo của đôi tay phụ nữ làng Teng theo thời gian, không chỉ "quanh quẩn" ở làng, mà đã bán ra bên ngoài. Nghệ nhân Phạm Thị Chuyền, phấn khởi: Năm nay, không chỉ khách đồng bào đặt hàng thổ cẩm mà có cả khách người Kinh. Vì thế mà, mỗi đêm phải thức thêm vài canh để dệt cho kịp hàng.

Đặc sắc hoa văn, họa tiết

Bà Phạm Thị Thiêu cầm tấm thổ cẩm vừa mới dệt xong của chị Găm, bảo: Đường dệt sắc sảo, biết cách phối màu, tạo hoa văn với nhiều màu sắc theo hình sông, núi. Nghệ nhân Phạm Thị Găm yêu nghề dệt thổ cẩm từ lúc còn rất nhỏ. Theo bà, nghề dệt khó nhất là dệt đường nét hoa văn, họa tiết thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tính cách của người Hrê được hình thành qua lao động, sản xuất và đấu tranh sinh tồn. Như hoa văn Riăng kol là những cành hoa cách điệu thành những hình vuông. Bên trong những hình vuông có điểm các bông hoa trắng...  

  Sắc màu thổ cẩm trong các lễ hội.
Sắc màu thổ cẩm trong các lễ hội.


Với già Thiêu, những người dệt được tấm thổ cẩm đẹp phải yêu nghề, yêu cuộc sống của làng mình. Bởi mỗi hoa văn, họa tiết đều thể hiện nét văn hóa, đời sống sinh hoạt của đồng bào. Ngày xưa, tấm thổ cẩm có hai màu chủ đạo là màu đen và màu đỏ. Để làm được tấm thổ cẩm đẹp phải kết hợp nhuần nhuyễn từ khung dệt, chất liệu vải và màu sắc. Khung dệt tuy làm từ những thanh tre để bắt chỉ, ống tre để kéo, luồn chỉ và giữ cố định chỉ, nhưng phải biết chọn tre già để có độ bóng, chỉ không vướng. Chất liệu thổ cẩm được lấy từ những bông vải được bà con trồng dọc nà ven sông Liên.

Đàn ông vào núi sâu tìm cây ghin gu, cây pắk dếch, cùng bột gạo, nước vôi để tạo màu ngâm sợi rồi mới dệt thành những tấm thổ cẩm. Ngày đó, tiết hạnh của người phụ nữ Hrê làng Teng cũng được đo đếm bằng nghề dệt. “Nhìn tấm thổ cẩm với đường nét sắc sảo thì biết là người con gái đó khéo léo”, già Thiêu chia sẻ. Những người con gái dệt giỏi đều nằm trong "tầm ngắm" của trai làng.

Từ lâu, những tấm thổ cẩm của bà con làng Teng được trưng bày trong Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ. Thông qua đường nét hoa văn, họa tiết du khách hiểu về nét văn hóa, tập quán, tình yêu, quê hương, sự cần mẫn, tỉ mỉ của phụ nữ đồng bào Hrê. Nhiều du khách sau khi tham quan còn tìm về làng Teng, để  tận mắt xem dệt thổ cẩm, trao đổi về nghề với phụ nữ trong làng và mua hàng làm quà lưu niệm.

Cùng với việc tham gia Festival nghề thủ công, làng Teng nay còn được đầu tư xây dựng công trình Nhà văn hóa làng Teng để giới thiệu, trưng bày những sản phẩm thổ cẩm làng Teng. Đó là niềm vui, là làn gió mới của nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ làng Teng, để từ đây họ giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

Đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng Nhà văn hóa làng Teng

 

 Công trình Nhà văn hóa làng Teng đang triển khai xây dựng.
Công trình Nhà văn hóa làng Teng đang triển khai xây dựng.

Đến nay, công trình đã hoàn thành 50% khối lượng. Sau khi hoàn thành, nhà văn hóa sẽ là nơi để tổ chức hội họp, các lễ hội truyền thống của đồng bào Hrê và trưng bày, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, nhằm khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống này.

 


Bài, ảnh: MAI HẠ





 


CÁC TIN KHÁC
.