Lặng thầm nghề giải phẫu bệnh

04:08, 05/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Suốt gần 20 năm anh vẫn cứ lặng lẽ, cần mẫn với công việc. Anh “căng đầu” bên những mẫu bệnh phẩm và tử thi, để tìm đáp án cho câu hỏi đâu là nguyên nhân của bệnh lý và nguyên nhân dẫn đến cái chết.  

Đó là bác sĩ Phạm Ngọc Phượng - Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, kiêm Trưởng phòng Pháp y (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Gần 2 thập kỷ gắn bó với nghề, bác sĩ Phượng rất trăn trở, bởi “cái nghề này lắm lúc nhói lòng, nhất là khi phát hiện trường hợp bị ung thư và có người chết trong các vụ án".
 

"Giải phẫu bệnh có vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và tiên lượng bệnh. Các bác sĩ ở khoa giải phẫu bệnh của bệnh viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Khi có trưng cầu của các cơ quan chức năng, họ ngay lập tức thực hiện nhiệm vụ khám nghiệm tử thi, bất kể đó là ngày hay đêm".
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ PHẠM NGỌC LÂN

Người đưa ra “tiêu chuẩn vàng”

“Bác sĩ Phượng ở khu biệt thự tuốt đằng kia”, một nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa nói, vừa đưa tay chỉ về phía nhà xác. Một mình đi về hướng nhà xác, tôi cũng hơi rờn rợn, dù đó là thời điểm giữa trưa. Khoa giải phẫu bệnh biệt lập với các khoa, phòng, chỉ gần mỗi... nhà xác. Hóa ra bác sĩ ở khoa giải phẫu bệnh thường tiếp xúc với người chết, nên bố trí như vậy cho tiện công việc. “Riết rồi quen, mỗi người một công việc mà”, bác sĩ Phượng trải lòng.

Khoa giải phẫu bệnh gần 20 năm nay không có bác sĩ về làm việc, chỉ có bác sĩ Phượng cùng với một bác sĩ phó khoa. Có người nói đùa:  “Bác sĩ giải phẫu bệnh ở đây hiếm, nhưng không quý”. Kỳ thực quý lắm chứ, không có bác sĩ giải phẫu bệnh lấy đâu ra kết quả cuối cùng, để biết chính xác nguyên nhân của bệnh, để các bác sĩ lâm sàng căn cứ vào đó điều trị cho bệnh nhân, nhất là trong chẩn đoán ung thư.

Có điều, công việc hằng ngày tiếp xúc với những mẫu bệnh phẩm lấy từ cơ thể của bệnh nhân và những... tử thi, nên nhiều người ngại. Một số bác sĩ về làm việc tại khoa giải phẫu, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã lặng lẽ rút lui. Bác sĩ Phượng bảo rằng, nhiều người không thích làm giải phẫu bệnh cũng vì chưa hiểu hết tầm quan trọng của khoa này mà thôi.

Bác sĩ Phạm Ngọc Phượng đọc mẫu bệnh phẩm lấy từ cơ thể của bệnh nhân.                                                                              Ảnh: P.LÝ
Bác sĩ Phạm Ngọc Phượng đọc mẫu bệnh phẩm lấy từ cơ thể của bệnh nhân. Ảnh: P.LÝ


Nói chuyện được một lát, bác sĩ Phượng vội chạy xe máy đến khu khám bệnh để đọc lam tế bào học. Xong việc, anh lại quay trở về khoa. Bác sĩ Phượng cho biết, khi nào đọc mô bệnh học thì trực tiếp làm việc ở trong khoa giải phẫu, còn đọc tế bào học thì ở phòng chọc hút tế bào nằm trong khu khám bệnh. Khoa giải phẫu bệnh đúng là “đặc biệt” theo cách nói, cách hiểu của nhiều người, nên mới ở vị trí... "đặc biệt" trong bệnh viện, gần nhà xác.

Ngày nào cũng thế, bác sĩ Phượng cùng với đồng nghiệp trong khoa chạy qua, chạy lại hai khu vực này. Ngẫm lại câu nói ví von của anh bảo vệ, rằng khoa giải phẫu bệnh là “biệt thự” thấy cũng có lý, dụng ý là nơi tách biệt, chỉ có điều phòng ốc rất nhỏ và rất ít người biết đến.

Bác sĩ Phượng cho biết, qua xem xét các hình thái của tế bào và cách sắp xếp các hình thái của chúng sẽ xác định được là mô u lành tính hay ung thư. Chẩn đoán trong giải phẫu bệnh được giới y học coi là tiêu chuẩn vàng, vì độ chính xác rất cao. Kết quả xem xét mô học chính xác 100%, riêng đối với tế bào học cho phép dương tính giả khoảng 1%.

Bởi vậy, bác sĩ Phượng hết sức cẩn trọng, trách nhiệm khi nghiên cứu và xác định kết quả mẫu bệnh phẩm. “Nếu chẩn đoán sai sẽ phải trả giá rất đắt, người bệnh bình thường mà chẩn đoán là ung thư thì nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh và cả uy tín của bác sĩ và của cả bệnh viện”, bác sĩ Phượng tâm tình.

Cung cấp manh mối để phá án

Ở bệnh viện, bác sĩ Phạm Ngọc Phượng làm việc bên những mẫu bệnh phẩm, nhưng mỗi khi trên địa bàn tỉnh xảy ra án mạng, anh lại là người góp phần cùng với lực lượng công an tìm ra manh mối, để phá án qua giải phẫu tử thi. Đây cũng là công việc “hiếm mà không quý” theo cách nghĩ của không ít người, kể cả những người làm trong ngành y, bởi lẽ nào có ai thích làm việc bên những xác chết. Vì thế, cả tỉnh chỉ có 3 giám định viên pháp y, trong đó chỉ có bác sĩ Phượng và một bác sĩ bên Công an tỉnh làm nhiệm vụ giải phẫu tử thi. Và thế là, vì trách nhiệm được giao, vì "mệnh lệnh của trái tim", nên bất kể ngày đêm, mưa nắng, trên rừng hay xuống biển, khi có trưng cầu của cơ quan chức năng, bác sĩ Phượng lại tức tốc lên đường.

Bác sĩ Phượng kể, có những lần giải phẫu tử thi ở hiện trường bị thân nhân của người chết đe dọa hành hung, nhưng biết làm sao được, nhiệm vụ phải thực thi. Thường thì mỗi ca giải phẫu tử thi kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ, phức tạp nhất là khi xác chết bị phân hủy. Trách nhiệm của bác sĩ giải phẫu tử thi rất nặng nề, giúp cơ quan điều tra tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết, đồng thời để cơ quan chức năng có cơ sở xét xử đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật. “Chỉ cần bất cẩn hay sơ suất nhỏ là có thể đẩy con người ta đến cảnh tù tội một cách oan ức, lương tâm và trách nhiệm buộc mình phải cẩn trọng”, bác sĩ Phượng nói.

Vừa rồi, ở huyện Ba Tơ xảy ra vụ án người vợ bị tử vong, sau khi xảy ra xô xát, bị chồng đánh ngã xuống nền. Một số người bảo rằng chính người chồng đã gây ra cái chết của vợ. Khi giải phẫu tử thi phát hiện sọ não người phụ nữ có vết nứt, nhưng điều này không dẫn đến cái chết. Qua giải phẫu tử thi, nguyên nhân cái chết được xác định là người phụ nữ này bị xuất huyết não vì tai biến mạch máu não, do có bệnh lý huyết áp.

Theo bác sĩ Phượng, nếu là chấn thương sọ não thì phải có máu tụ dưới màn cứng, nhưng qua giải phẫu tử thi không có biểu hiện này. Người chồng được xác định gián tiếp gây ra cái chết của vợ chứ không phải trực tiếp, đây là cơ sở để cơ quan chức năng xét xử đúng người, đúng tội.

Câu chuyện về giải phẫu tử thi được tiếp tục với vụ án chồng giết vợ xảy ra cách đây mấy năm ở TP.Quảng Ngãi. Người chồng vội phi tang chứng cứ bằng cách nhanh chóng liệm xác vợ. Người nhà của nạn nhân nghi có oan tình về cái chết quá bất ngờ, nên báo công an. Vậy là quan tài được mở nắp, để khám nghiệm tử thi. Bác sĩ Phượng thận trọng kiểm tra từng bộ phận trên thi thể người chết và đã phát hiện trên cổ có dấu thắt, cái chết được xác định do ngạt. Từ manh mối bác sĩ Phượng cung cấp, cơ quan công an đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, sau 1 đêm người chồng đã thừa nhận hành vi giết người.

Bác sĩ Phạm Ngọc Phượng thở dài khi nói đến việc khám nghiệm tử thi. Anh bảo rằng, đau buồn lắm khi chứng kiến cảnh nhiều gia đình tan tác, đau thương khi có người thân bị sát hại. Có những đêm không sao ngủ được, anh bị ám ảnh bởi những cái chết thương tâm và hành vi trái với luân thường đạo lý của kẻ thủ ác. Dù vậy, anh vẫn cần mẫn với nghề. Và dù cho rất ít người biết đến, bác sĩ Phạm Ngọc Phượng và đồng nghiệp ở Khoa giải phẫu bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), vẫn thầm lặng cống hiến với cái nghề "hiếm mà không quý" này.

Tim loạn nhịp khi chẩn đoán... đúng bệnh

Suốt gần 20 năm làm bác sĩ giải phẫu bệnh, vậy mà, lắm lúc nhịp tim của bác sĩ Phượng như đập vội khi phát hiện ca ung thư, dự đoán thời gian kéo dài sự sống của bệnh nhân không còn được bao lâu. Bác sĩ Phượng trăn trở, gần đây phát hiện ngày càng nhiều mẫu bệnh phẩm bị ung thư, nhất là ung thư dạ dày và đại tràng. Lương tâm của người bác sĩ buộc lòng không thể nói khác với kết quả, nhưng xót lắm. “Mỗi lần đọc chỉ mong là lành tính. Phát hiện ung thư biết là bệnh nhân hoặc người nhà đau nhói khi tiếp nhận thông tin, nhưng bệnh lý phải chấp nhận. Chúng tôi chẩn đoán chính xác, để các bác sĩ lâm sàng có hướng điều trị phù hợp”, bác sĩ Phượng bộc bạch.

 


PHƯƠNG LÝ
 


CÁC TIN KHÁC
.