Dần xa làng gạch ven sông

02:08, 20/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những viên gạch đỏ au góp phần xây nên những ngôi nhà khang trang. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau viên gạch đó là mồ hôi, bàn tay chai sạn của những người gắn bó với nghề làm gạch thủ công nặng nhọc, vất vả.

TIN LIÊN QUAN

Theo chủ trương chung, những lò gạch thủ công dần được xóa bỏ. Và với nhiều người, nghề làm gạch thủ công mai đây chỉ còn là ký ức. Dẫu vậy chắc rằng, chẳng ai quên, có một thời những viên gạch truyền thống mang bao nỗi niềm của những người thợ gạch...

Làng gạch ven sông

Nếu như lấy cầu sông Vệ làm tâm, xoay quanh bán kính vài kilômét, có thể thấy các lò gạch thủ công và những viên gạch đỏ hồng xếp ngay ngắn theo từng khối. Các lò gạch thủ công trước đây hoạt động dọc theo hai bên sông Vệ, để cách ly với khu dân cư. Dần dà, nhiều lò gạch khác cũng "kéo đến" hình thành nên làng nghề. Đó là làng gạch bờ sông Vệ, làng gạch Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa), Đức Nhuận (Mộ Đức)... những địa danh đã tạo nên “thương hiệu gạch ngói" của vùng này. Lúc nhiều nhất ở khu vực dọc theo bờ nam sông Vệ và tuyến đường liên xã Đức Nhuận- Đức Thắng- Đức Lợi có đến 60 lò gạch thủ công.

Thu nhập chính của Bùi Thị Hoa, quê ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức), từ làm gạch thủ công.
Thu nhập chính của Bùi Thị Hoa, quê ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức), từ làm gạch thủ công.


Hơn chục năm về trước, ông Hồ Quang Vinh, ở thôn 4, xã Đức Nhuận mua lại lò gạch với giá 5 cây vàng. Đây cũng là giai đoạn thịnh hành nhất của nghề làm gạch. Để làm ra viên gạch đẹp, chất lượng, chỉ có người trong nghề mới nhanh trí dung hòa các nguyên liệu, bởi gạch đẹp còn phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất là nguyên liệu đất sét và than nung.
 

Những viên gạch, ngói dọc theo bờ sông Vệ không chỉ vươn xa đến các huyện lân cận mà còn đắp xây nên những ngôi nhà ở Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam hay Bình Định... Bán gạch để người ta xây nhà, những người chủ lò gạch cũng xây nhà, mua xe từ nghề làm gạch.

Sau khi mua đất sét về, những người thợ làm tưới nước và ủ lại cho đất nở ra. Qua ngày hôm sau đến công đoạn băm nhỏ đất, cho vào máy tống gạch từ đó chuyển ra thành hình những viên gạch sống. Gạch sống mang đi phơi nắng đến khi đạt độ vừa đủ, được chuyển vào lò nung. Các công đoạn làm gạch đều thủ công, vì thế các lò gạch cần đến lượng nhân công nhiều.

“Nghề làm gạch không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà lúc nông nhàn nhiều người ở xã Đức Lợi, Đức Thắng cũng đến làm ở các lò gạch. Mọi công đoạn đều có nhân công đảm nhận. Riêng lúc nhóm lửa đốt lò thường do tự tay người chủ làm”, ông Vinh cho hay.

Trước kia, để chuyển gạch vào lò, người này phải chuyền tay cho người kia, còn bây giờ chỉ cần đặt gạch sống lên băng chuyền chạy thẳng lên lò. Người ngồi trong lò nhận gạch và xếp vào. Gạch nung dầm dãi trong than nóng từ 5 đến 6 ngày mới ra lò. Tiết trời tốt, mỗi tháng có thể có từ 4 đến 5 đợt gạch ra lò, mỗi đợt ra khoảng 5 vạn gạch. Vách lò gạch dày đến cả mét, nhưng đứng từ xa cũng cảm thấy hơi nóng hầm hập phả vào người.

Xây những tổ ấm

Cũng như những viên gạch đắp xây nên tổ ấm cho bao người, những người phụ nữ cần mẫn làm việc tại các lò gạch cũng gắn đời mình theo những viên gạch, để xây dựng gia đình, vun đắp tương lai tốt đẹp hơn cho con cái.

Phần lớn lao động tại các lò gạch đều là phụ nữ, dù đây là công việc vất vả, nặng nhọc.
Phần lớn lao động tại các lò gạch đều là phụ nữ, dù đây là công việc vất vả, nặng nhọc.


Giữa cái nắng hè oi ả, bà Bùi Thị Hoa, quê ở xã Đức Nhuận mải mê chuyển gạch vào lò. Đứa con lớn năm nay 16 tuổi cũng là ngần ấy khoảng thời gian bà Hoa có mặt ở lò gạch. Chồng mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi hai đứa con ăn học. Ngoài sào ruộng, thu nhập chính của bà Hoa để trang trải các chi phí cuộc sống cũng từ nghề làm gạch.

Thời trẻ không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập từ nghề nông chẳng đáng là bao, bà Nguyễn Thị Kim Sương lại cùng những người phụ nữ khác đến làm ở các lò gạch. Bà Sương thuộc “biên chế” nhóm làm đất gồm năm người của lò gạch bà Tuyến. Mỗi ngày, tầm ba giờ sáng bà Sương đã thức giấc, để kịp đến lò gạch làm đất, mãi đến 10 giờ về nghỉ ngơi. Buổi chiều công việc của bà bắt đầu lúc 13 giờ, trở về nhà lúc 17 giờ. Đứa con đầu vừa tốt nghiệp đại học, đứa tiếp theo chuẩn bị vào lớp mười. Những đứa con bà Sương lớn dần theo năm tháng mẹ làm việc nhọc nhằn ở lò gạch.

Trung bình mỗi lò gạch cần từ 13 đến 15 nhân công chia ra các nhóm đảm nhận từng công đoạn. Nhóm thì làm đất, nhóm vận chuyển, nhóm ra vào gạch... Cái nghề đầy nặng nhọc và vất vả, nhưng hầu như chỉ toàn bóng dáng phụ nữ.

Bà Hường năm nay 67 tuổi, dáng người nhỏ bé trong bộ quần áo tối màu, vẫn mải miết với công đoạn làm than. Bà Hường xúc than vào từng thúng trộn với nước rồi mang ra phía nắng, để trải than ra thành từng miếng phơi. Ngày còn trẻ, bà Hường tham gia các công đoạn làm gạch, còn bây giờ khi đã lớn tuổi, bà không theo nổi tụi trẻ, nên chuyển sang làm than. Nhưng cũng nhờ nghề làm gạch này, bà Hường nuôi hai đứa con trưởng thành.
 

“Mình phải hướng đến tương lai. Khu dân cư mới khang trang, sạch đẹp mọc lên, con cháu có nơi ở tốt hơn. Nhưng điều lo là theo mỗi lò gạch là hàng chục lao động trông chờ vào thu nhập của nghề này”.
Bà ĐẶNG THỊ TRÚC - một chủ lò gạch thủ công ở sông Vệ.

Tùy theo từng công đoạn làm gạch, có người làm đến tối mịt mới về nhà. Tiền công chủ trả theo ngày. Trung bình lao động nam khoảng 300 nghìn đồng, nữ từ 100- 200 nghìn đồng/ngày. Với vùng nông thôn, đây là mức thu nhập khá. “Ở đây, chợ đông hay không tùy theo hoạt động của lò gạch. Mùa mưa, lò gạch không hoạt động, các hàng quán, chợ búa cũng kém tấp nập hẳn đi”, ông Vinh, chủ lò gạch nói.

Những người thợ gạch cuối cùng

Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận Huỳnh Văn Ảnh cho biết: Bây giờ làng gạch bờ nam sông Vệ còn khoảng 38 lò đang hoạt động. Dự kiến đến tháng 9 tới, mặt bằng khu vực này sẽ bàn giao cho chủ đầu tư dự án Khu dân cư và bờ kè Nam sông Vệ. Trong tương lai không xa, trên chính nền đất nơi những lò gạch từng nghi ngút khói, một khu dân cư khang trang và bờ kè vững chắc sẽ mọc lên. Đây là điểm nhấn khu đô thị cửa ngõ phía bắc của huyện Mộ Đức với những kỳ vọng mới. Chủ đầu tư dự án có ý định giữ lại hai lò gạch truyền thống theo phương án bảo tồn như giữ lại một chút kỷ niệm về cái nghề đã gắn bó với nhiều người địa phương.

Xóa bỏ những lò gạch thủ công, đồng nghĩa với người thợ gạch sẽ chia tay với công việc mà họ gắn bó hàng chục năm qua. Bà Đặng Thị Trúc là một trong những người đầu tiên mở lò gạch ở bờ nam sông Vệ bảo: “Mình phải hướng đến tương lai. Khu dân cư mới khang trang, sạch đẹp mọc lên, con cháu có nơi ở tốt hơn. Nhưng điều lo là theo mỗi lò gạch là hàng chục lao động trông chờ vào thu nhập của nghề này”.

Lớp trẻ bây giờ chẳng ai có ý định theo nghề gạch thủ công vừa lấm lem, vừa nặng nhọc. Và rồi, có thể ông Vinh, bà Trúc, bà Hoa, bà Sương, bà Hường... là thế hệ những người làm gạch thủ công cuối cùng. Bài toán về giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với trình độ, độ tuổi và nhu cầu của những lao động ở đây đang cần lời giải. Mong mỏi của những phụ nữ lớn tuổi đã theo nghề gạch thủ công là có một công việc ổn định, để họ tiếp tục mưu sinh...


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


CÁC TIN KHÁC
.